Nông dân vốn quen với ruộng vườn nay còn năng động khi tham gia làm du lịch. Dù mới là bước khởi đầu, còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng đó chính là bước ngoặt, từng bước thay đổi mô hình, cơ cấu kinh tế chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh doanh dịch vụ du lich của nông dân.
Khi nhà nông làm du lịch
Ông Nguyễn Văn Hùng tiếp khách mà vẫn không quên việc đôn đốc vợ con chuẩn bị bữa ăn trưa cho đoàn khách Pháp tới vài chục người ngay tại ngôi nhà cổ xây năm 1848 của mình. Bữa trưa với những món ăn dân dã đặc trưng của làng cổ Ðường Lâm như cơm gạo mới, gà mía, rau muống luộc chấm tương… Tiếng là một trong những nhà cổ ở làng quê xứ Ðoài thường xuyên đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, nhưng ông Hùng cũng phải công nhận, vào ngày nghỉ, thường có khoảng 500 – 600 khách đến thăm, lại có nhu cầu ăn trưa tại đây, đôi khi công việc tiếp đón vẫn còn nhiều lúng túng. Phần vì, không có người phục vụ và diện tích của ngôi nhà có hạn cho nên cũng chỉ đáp ứng phục vụ ăn uống được cho khoảng 1/10 số khách. Hơn nữa, vừa là chủ nhà, vừa lo tổ chức phục vụ khách, ông Hùng lại kiêm làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu nhà cổ. Ðây là một trong những nhà hàng trăm tuổi ở làng cổ Ðường Lâm, thuộc xã Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội chủ động, tận dụng lợi thế để khai thác, sửa sang cơ sở hạ tầng tại nhà cổ, mua sắm một số trang thiết bị để đón tiếp du khách.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích Làng cổ Ðường Lâm chia sẻ, một trong những biện pháp phát huy du lịch cộng đồng là trực tiếp mang lợi ích đến cho người dân địa phương. Hàng chục hộ dân ở làng cổ Ðường Lâm hiện đang khai thác du lịch cộng đồng, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, quá trình phát triển du lich tại làng cổ Ðường Lâm vẫn còn hạn chế như đội ngũ nhân lực còn bán chuyên nghiệp, dịch vụ, sản phẩm phục vụ du khách còn thiếu, chưa đa dạng, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, xử lý nước thải còn bất cập. Với lượng khách tới Ðường Lâm được dự kiến là hơn một trăm nghìn người năm 2011, đã đến lúc Ban quản lý di tích làng cổ mở rộng các lớp tập huấn đào tạo kỹ năng giao tiếp dành cho hướng dẫn viên và chủ nhân của các nhà cổ để kịp thời phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Theo ông Phạm Hồng Sơn, điều quan trọng là các dịch vụ phục vụ khách không ảnh hưởng tới không gian tĩnh lặng cổ xưa, và tác động xấu tới việc bảo tồn di tích.
Cùng hưởng lợi từ du lịch
Nếu ở miền bắc, làng Ðường Lâm nổi tiếng với nhà cổ xen lẫn tường gạch đá ong thì ở miền Trung, làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Ðiền, Thừa Thiên-Huế, ngôi làng bên bờ sông Ô Lâu lại ấn tượng với những ngôi nhà rường cổ kính, nằm trong một sân vườn hàng nghìn mét vuông. Một không gian làng quê thanh bình không chỉ hấp dẫn hàng nghìn du khách, sinh viên trong nước đến thăm và nghiên cứu về làng cổ này. Khả năng bảo tồn làng cổ Phước Tích khiến nhiều chuyên gia và cả người dân lo lắng. Hiện nay, rất nhiều công trình nhà ở, đến thờ họ xây mới ở Phước Tích đang làm ‘mới hóa’ làng cổ. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết, làng cổ Phước Tích nhiều tham vọng hơn với việc bảo tồn nhà cổ với kiến trúc có từ nhiều trăm năm, khôi phục nghề gốm ở Phước Tích và nâng cao đời sống người dân qua phát triển du lich cộng đồng. Vì thế, cần có chính sách tài chính quyết liệt để bảo tồn các ngôi nhà rường quý hiếm, đang xuống cấp, vì thời gian và thời tiết. Ðể giúp sức cho Phước Tích hồi sinh, ngành du lịch tỉnh nên cùng huyện đầu tư kinh phí và công sức để thiết kế một tour du lịch làng văn hóa – sinh thái từ Huế về làng Phước Tích. Thừa Thiên-Huế cũng đề xuất thành lập câu lạc bộ lữ hành có trách nhiệm để quản lý tốt hơn các tác động của du lich đồng quê đối với môi trường, xã hội và văn hóa, chia sẻ lợi ích công bằng giữa các công ty lữ hành và cộng đồng…
Có thể nói, du lịch sinh thái vườn đang phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang, tỉnh cửa ngõ của khu vực này nói riêng, đồng thời là vận hội mới, nhất là từ khi cầu Mỹ Thuận được khai thông. Trong những năm gần đây, huyện Cái Bè nằm bên bờ sông Tiền không chỉ là vựa trái cây lớn vào bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long với trái cây đặc sản có thương hiệu như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò…, mà còn là điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách quốc tế. Trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2020 của tỉnh, huyện Cái Bè sẽ đầu tư phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước, gắn bảo tồn nhà cổ và làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho rằng, với nét độc đáo của làng cổ vùng Nam Bộ, làng cổ Ðông Hòa Hiệp, điểm đến quan trọng trong tour du lich đồng bằng sông Cửu Long cần được quy hoạch phát triển nhà cổ gắn với vườn cây ăn trái, người dân chủ động tham gia các hoạt động du lịch. Như vậy, du lịch sinh thái kết nối các chuỗi hoạt động phục vụ du khách trong các hành trình như đi thuyền tham quan chợ nổi Cái Bè; thăm vườn cây trái đặc sản; tham quan các nhà cổ; tour xe đạp tham quan miền quê… Hiện nay, du lịch Cái Bè, trong đó có điểm đến làng cổ Ðông Hòa Hiệp đón khoảng 90.000 lượt khách mỗi năm.
Ðề cập đến phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, tôn trọng văn hóa trong mối quan hệ với cộng đồng điểm đến, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lich chia sẻ, kết quả hoạt động của những mô hình về phát triển du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai), du lich văn hóa ở Hội An (Quảng Nam)… là những minh chứng cụ thể cho nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa truyền thống và xóa đói, giảm nghèo thông qua hoạt động phát triển du lịch trong thời gian qua. Ở một số điểm du lịch văn hóa, hoạt động du lịch đã có những hỗ trợ tích cực về vật chất đóng góp cho công tác bảo tồn. Có thể nhắc đến Hội An, theo đó ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước, nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích 55% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà cổ. Có những nhà cổ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng. Việc khai thác các giá trị văn hóa làng quê gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và cộng đồng để phát triển những sản phẩm du lich văn hóa thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Ðồng thời tạo cơ chế để người dân tham gia làm du lịch, hưởng lợi từ kinh doanh du lịch sẽ được đẩy mạnh trong kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới.
* Dự án ‘Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam qua du lịch di sản’ bắt đầu được khởi động, ngay sau hội thảo ‘Phát huy những giá trị văn hóa và tài nguyên cộng đồng trong phát triển du lich tại Việt Nam’, do Tổng cục Du lịch và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức. Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2014, tại ba làng quê truyền thống có tiềm năng phát triển du lich tại ba miền của Việt Nam gồm: làng Ðường Lâm (Hà Nội), làng Phước Tích (Thừa Thiên-Huế), làng Ðông Hòa Hiệp (Tiền Giang). Ông An-đô Kát-su-hi-rô, chuyên gia phát triển du lịch của JICA giải thích, đây là những làng cổ, điểm đến có các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, mỹ thuật thủ công, âm nhạc, lễ hội, đời sống cộng đồng sẽ là yếu tố chính để phát triển du lịch.
Nguồn: Báo Nhân Dân