Hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long với miệt vườn sông nước mênh mông, sản vật trù phú, một cộng đồng với những con người hào sảng, vừa khí khái vừa chân chất, trọng nghĩa tình, hiếu khách là những điểm khác biệt thu hút khách du lịch.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đón hơn 10 triệu du khách, doanh thu du lịch đạt hơn 1.700 tỉ đồng. Lượng khách đến ĐBSCL tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó hơn 720.000 lượt du khách nước ngoài, tăng 14%; khách nội địa hơn 9 triệu lượt du khách, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.
Đó là con số được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đưa ra tại buổi hội thảo về quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch tổ chức tại Bạc Liêu.
Để phát triển du lịch, từ nay đến cuối năm 2011, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh quảng bá du lịch đến du khách trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đây là khu vực có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
Ông Lâm Văn Sơn là một chuyên gia hoạt động lâu năm trong ngành kinh doanh du lịch, lữ hành ở vùng này cho rằng, ở góc nhìn ĐBSCL nói chung, qua tham khảo nhu cầu khách du lịch quốc tế, có thể dễ dàng nhận thấy tuyến du lịch bằng đường sông nối liền điểm tham quan chính và các địa điểm tham quan bổ sung có tiềm năng rất lớn. Các tuyến du lịch bằng đường sông này nếu được hình thành bên cạnh với sự quan tâm đầu tư đúng mức của chính quyền và nhân dân địa phương sẽ kích thích không nhỏ đến các giá trị tiềm ẩn của du lịch dọc theo hai bên tuyến.
Được đi trên một trong 9 nhánh sông đổ ra biển của dòng sông Mekong là nhu cầu có thực của rất nhiều khách du lịch quốc tế. Mekong là 1 trong 3 con sông nổi tiếng được nhiều du khách quốc tế cho biết là họ rất mong muốn đi đến, ông Sơn khẳng định thêm.
Hoạt động này đã tạo nên những vòng tour tuyệt vời theo dòng chảy của sông Mekong. Du khách được hòa mình và trải nghiệm với văn hóa miệt vườn, được gặp gỡ người dân bản địa, được thưởng thức văn hóa ẩm thực Nam Bộ.
Tiếp đó, xu hướng mua sắm hàng lưu niệm ngay tại nơi sản xuất ngày càng tăng ở những du khách quốc tế xuất phát từ ý tưởng muốn đóng góp trực tiếp cho người dân bản địa, những người làm ra sản phẩm. Do vậy, du lịch sẽ khơi dậy thế mạnh làng nghề của vùng ĐBSCL.
Hình ảnh ĐBSCL về nhiều mặt (địa lý, nhân văn) qua con mắt của du khách nước ngoài đã tạo được những ấn tượng tốt và sự hấp dẫn nhờ những nét độc đáo của miệt vườn sông nước mênh mông, sản vật trù phú… và một cộng đồng những con người hào sảng, vừa khí khái vừa chân chất; trọng nghĩa tình và hiếu khách.
Tất cả những điều vừa nêu tạo nên sự khác biệt của vùng châu thổ hạ lưu sông Mekong so với các vùng miền khác trong nước và các nước lân cận.
Bản thân sự khác biệt đó chính là giá trị được khách du lịch quan tâm khi chọn lựa điểm đến. Do vậy, chúng ta càng cần phải quan tâm bảo tồn đa dạng sinh thái và giá trị văn hóa phù hợp với thực tế phát triển kinh tế – xã hội đang làm vùng đất “chín rồng” thay đổi từng ngày.
Công Trí