Đông đảo dân địa phương và khách du lịch đã về đình làng thôn Đường Yên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) xem lễ hội kén rể ngày 13-3 (2-2 âm lịch).
Lễ hội kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 17g cùng ngày.
Sau nhiều thăng trầm lịch sử, đến năm 2001 lễ kén rể đã được diễn lại. Gần 100 nghệ nhân tham gia lễ hội đã tập luyện suốt cả một tháng. Hai chàng trai đến thi tài và người đóng giả nữ tướng Lê Hoa phải là những nam thanh nữ tú chưa lập gia đình được người trong làng bình chọn rất kỹ càng.
Theo truyền thuyết, lễ hội kén rể bắt nguồn từ sự tích tướng Lê Hoa có công đánh giặc Đông Hán dưới thời Hai Bà Trưng (năm 40 trước Công nguyên). Sau đó bà đã được Hai Bà Trưng phong tước “nữ sư anh phong”.
Đến thế kỷ 17, nhân dân thôn Đường Yên đã đóng góp tiền của xây dựng ngôi đình để thờ bà và làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Lễ kén rể cũng ra đời từ ngày đó.
Lễ kén rể được chia làm hai phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ chính là đám rước trọng thể đưa thần hoàng làng từ đền về đình tế lễ. Phần hai gồm nhiều trò chơi dân gian tái hiện ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ.
Phần hội đã diễn lại cảnh luyện binh đao đánh giặc của bà Lê Hoa với binh lính, nhằm dặn dò con cháu phải luôn chăm chỉ làm ăn và không quên chăm lo huấn luyện binh đao chống giặc ngoại xâm xâm lấn bờ cõi.
Đình làng Đường Yên được dân làng thờ phụng rất thành kính và trang nghiêm. Nghi lễ quan trọng nhất trong năm là ngày 2 tháng 2 âm lịch, đó là ngày sinh của Đức thánh Bà.
“Một số người hiểu nhiều về lễ nay đã mất, chúng tôi chỉ dựa theo những mô phỏng của các bô lão trong làng để dựng lại. Mong rằng Nhà nước có chủ trương quan tâm hơn nữa, khuyến khích để gìn giữ lễ kén rể” – ông Nguyễn Thế Lộc, phó chủ tịch UBND xã Xuân Nộn, thành viên ban tổ chức, cho biết.
“Thi cày” trên sân gạch thu hút nhiều khách du lịch, vì phần thi này đòi hỏi hai người đóng giả trâu và người cày cũng như người dẫn đường phải hết sức thông minh và khéo léo
Thi câu ếch, người đóng giả làm ếch là các em nhỏ. Ban giám khảo sẽ chấm điểm cao cho những “chú ếch” nhảy khỏe, nhảy nhanh
Dùng giềng để chọc chó trên chõng, người nào chọc chó kêu to, người đó thắng cuộc
Bắt chạch trong chum tạo ra nhiều tiếng cười nhất
Màn trống tập thể do chính những nghệ nhân trong làng thể hiện rất công phu
Dương Thị Phương, 20 tuổi (bìa phải) – người được chọn làm tướng Lê Hoa
Quan họ Bắc Ninh tái hiện tại lễ hội kén rể
Theo: Du lịch / Tuổi trẻ