Như một di sản văn hóa dân tộc, đình Tây Đằng là quà tặng của tổ tiên để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đình Tây Đằng ở không xa trung tâm Thủ đô Hà Nội, là điểm du lịch hấp dẫn, đang thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. Điều này xem ra rất “hợp ý, hợp cảnh” khi hiện nay huyện Ba Vì đang có kế hoạch phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái – thế mạnh của huyện.
Ngôi đình thờ Tản Viên, một trong bốn vị thánh bất tử của Đạo giáo Việt Nam, một trong những nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt – Mường cổ.
Xứ Đoài có nhiều ngôi đình cổ, có giá trị về kiến trúc và điêu khắc như: đình Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì), đình Đại Phùng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng), đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ), đình So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai)… Và đình Tây Đằng ở huyện Ba Vì cũng thuộc loại kiến trúc nổi tiếng như vậy.
Ngôi đình thờ Tản Viên, một trong bốn vị thánh bất tử của Đạo giáo Việt Nam, một trong những nhân vật hàng đầu của thần thoại Việt – Mường cổ. Theo truyền thuyết, Tản Viên là thần núi Ba Vì – Sơn Tinh, được vua Hùng thứ 18 gả công chúa Ngọc Hoa, bị Thủy Tinh dâng nước, kéo thủy quái đánh trả mối hận không lấy được con gái vua Hùng. Tản Viên được coi là một trong 50 con của Âu Cơ – Lạc Long Quân theo mẹ lên núi, có công giúp vua Hùng thứ 18 bình Thục Phán. Tản Viên còn là hình tượng nói lên sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam trong quá trình trị thủy, tiến hành nghề trồng lúa nước để sinh tồn và phát triển.
Phía trước đình Tây Đằng là mảnh đất rộng làm nơi sinh hoạt cộng đồng trong ngày hội. Tiếp đó là hồ bán nguyệt ở ngay trước nghi môn trụ. Vẻ đẹp của đình Tây Đằng không phải ở khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ, cũng không phải ở quy mô đồ sộ mà là ở nghệ thuật điêu khắc chạm trổ, trang trí còn lưu lại trên các cột, vì kèo, xà, đấu, ván long, lá gió… Ngôi đình không có tòa ngang dãy dọc. Ngoài hai ngôi nhà tả mạc, hữu mạc ở hai bên sân thì đình chỉ có mỗi một nếp nhà kiểu chữ “nhất”, không có hậu cung, cũng không có tiền tế. Nhưng chính ở ngôi đình này, chúng ta được chiêm ngưỡng tài năng tuyệt vời của những người thợ mộc đã đạt tới trình độ nghệ sĩ dân gian. Đến nay vẫn chưa biết chính xác đình được xây dựng năm nào, chỉ biết rằng so sánh với đình Lỗ Hạnh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) thì phong cách và nội dung chạm trổ có nhiều nét giống nhau. Mà đình Lỗ Hạnh có ghi niên đại tuyệt đối là năm 1576. Như vậy, đình Tây Đằng có thể được xây dựng vào thế kỷ 16.
Đình có 5 gian, 4 mái. Các đầu đao đều uốn cong, có gắn long, li, quy, phượng bằng đất nung màu gan trâu. Bên trong đình dựng kiều chồng giường với 48 cột lớn nhỏ, chia thành 3 gian chính, 2 gian chái, có hàng hiên bao quanh. Các xà, đấu, kèo, cốn đều có chạm khắc. Các hình rồng, phượng và hoa lá chiếm phần lớn trong các đề tài trang trí. Rồng ở đây mang phong cách thời Trần, hầu hết hình vóc nhỏ, có mào, râu tóc thưa thớt, khúc uốn không cong mấy, có thêm cặp sừng và tai của giống thú bốn chân. Chim phượng ở tư thế múa cánh xòe cả hai bên như hình trăng lưỡi liềm, đầu to, cổ mập mạp, mỏ ngắn và đuôi cũng ngắn. Loại hình điêu khắc này là nét riêng biệt của đình Tây Đằng, rất ít thấy ở các đình, chùa khác. Hoa lá được chạm khắc khá nhiều, phổ biến nhất là những hình hoa cúc. Cúc ở đây gồm những cánh hoa nở xòe, ở giữa có những lớp cánh khác còn cụp lại. Bên cạnh có những lá cúc được cách điệu đôi chút. Có cả hoa phù dung với các cánh nở xòe, uốn sang hai bên khá cân đối bằng những đường cong thanh thoát. Song có lẽ đặc biệt nhất và độc đáo nhất trong nghệ thuật điêu khắc ở ngôi đình này chính là những hình chạm trên các bức cốn, các ván long… phản ánh sinh động nhiều mặt đời sống, lao động, vui chơi giải trí của người dân nơi thôn dã ngày trước. Chỉ với vài ba nét đục giản dị mà người thợ mộc nghệ sĩ đã để lại trên gỗ bao cảnh đời khác nhau. Từnh lam lũ của người tiều phu đốn củi, đến cảnh vất vả như người mẹ gánh con trong đôi thúng, hào hứng như người làm trò trồng cây chuối, mạnh mẽ như cảnh đấu hổ… Có một bức chạm tạm đặt tên là “Chèo thuyền chuốc rượu” có sóng làm thuyền chòng chành, có cả mây vấn vương bên thuyền, tất cả như đang lướt theo nhịp đung đưa, trong một bố cục không phụ thuộc vào luật phối cảnh xa gần của hội họa. Gợi cảm như cảnh Bà Banh (người đàn bà ngồi xổm gần như khỏa thân), cảnh ông già ngồi chải tóc cho người vợ trẻ… Điểm xuyết với linh vật và con người là các cây có thiêng, mây xoắn cuộn tròn được chạm trổ rất kỹ. Thông qua các cảnh đó, người xem thấy được ước vọng cầu nước, mong được mùa lúa bội thu của cư dân nông nghiệp.
(Theo KTĐT)