Nếu đền cổ kề bên đồng hoa vàng thì tiện và đẹp biết bao. Nhưng đền lại ở giữa phố, đồng hoa thì ở quê xa, mất vài mươi phút đi xe. Cũng vì vậy mà lúc bên tháp cổ thì cứ lo hoa kia có… còn xuân; rồi lúc giữa vàng hoa mênh mông lại sợ chiều xuống nhanh.
Nằm ở miền Trung Thái Lan, chỉ cách Bangkok 150km, tỉnh nhỏ Lopburi ít được khách du lịch Việt biết đến, nhưng là điểm lôi cuốn nhiều khách Âu Mỹ, vì đây là một trong những thành phố cổ xưa nhất đất nước này, với nhiều di tích cổ vẫn còn duyên. Còn giới trẻ Thái Lan lại ùn ùn kéo về đây vào độ cuối năm – mùa những cánh đồng hướng dương tưng bừng nở.
Thành phố cổ đã 700 năm qua
Là thành phố trù phú thời vương triều Dvaravati (thế kỷ 6 – 11), Lopburi, thời đó được gọi là Lavo, rơi vào tay đế quốc hùng mạnh Khmer trong thế kỷ 10. Lopburi trở thành thành phố tiền đồn, trung tâm hành chính, thương mại của miền đất phía tây đế quốc Khmer cho đến khi vương triều Sukhothai trỗi dậy chiếm lấy. Mấy trăm năm sau, Sukhothai bị thôn tính bởi vương triều Ayuthaya, Lopburi trở lại vị trí vinh quang. Tuy là kinh đô thứ hai, đứng sau kinh thành Ayuthaya, Lopburi lại là nơi lưu trú của nhiều vị chức sắc, các nhà quyền quý ngoại quốc. Một cuộc giao thoa văn hoá nữa “đắp” thêm vào những kiến trúc xưa cũ Dvaravati, Khmer, Sukhothai…, chưa kể đến một hoàng cung mới được vua Narai cho xây dựng vào thế kỷ 17, nên ở phố cổ Lopburi bây giờ ra ngõ là gặp, nếu không muốn nói là bị bao quanh, bởi di tích.
Khách du lịch rảo bước hơn trăm mét là đến đường ray xe lửa để thăm ngôi đền Nakhon Kosa với những dấu tích ít ỏi của thời Dvaravati (thế kỷ 6 – 11). Nhưng thực chất, toà tháp còn thấy rõ ở Nakhon Kosa là do vua Narai mới xây thêm từ 1665, còn ngôi đền đầu tiên giờ như đống gạch cao ngất với vài nét điêu khắc chìm trong cỏ dại. Nếu không muốn bỏ 35.000 đồng mua vé vào thăm toà nhà đại sứ, nơi vị sứ thần Hy Lạp nổi tiếng Constantine Phaulkon, trợ thủ đắc lực của vua Narai sinh sống, khách du lịch có thể băng ngang đường ngắm nghía ngôi đền Sao Thong Thong. Một ngôi đền lạ vì kiến trúc Ayuthaya nhưng được vua Narai cho làm những cửa sổ theo phong cách Gothic…
Rồi nhiều ngôi đền, bảo tàng đây đó làm khách du lịch có thể “hoa mắt”, song không ai có thể “ngó lơ” cụm đền tháp Phra Si Ratana Mahathat. Không chỉ nằm ngay trung tâm phố đối diện ga xe lửa, là cụm đền đài lớn nhất Lopburi, Phra Si Ratana Mahathat, được xây dựng từ thế kỷ 13, từng là thiền viện Phật giáo, còn lưu giữ được nhiều kiến trúc to lớn, dù đã hơn 700 năm tuổi. Nằm trong khuôn viên rộng 32.000m2, một trong những điểm lôi cuốn nhất của Phra Si Ratana Mahathat là ngôi đền Khmer từ thế kỷ 13, Phra Prang, nơi có những phù điêu trên đá xám kể chuyện sinh động về cuộc đời hoàng tử Tất Đạt Đa. Và, câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu, sao người xưa với những công cụ thô sơ đã xây được những kỳ tích này?
Hướng dương vàng đến tận chân trời
Rồi cũng phải nhảy lên chiếc xe buýt cũ kỹ rời phố cổ. Vì những cánh đồng hướng dương đang mời gọi. Vì ở giữa tháng giêng, không biết hướng dương còn vàng hoa hay đã đen hạt nên phải lo đi sớm. May mắn sao, đi chừng một tiếng, bác tài xe buýt dù không hiểu tiếng Anh nhưng gật đầu lia lịa khi tôi chìa tấm giấy vẽ nguệch ngoạc bông hướng dương. Cho đến lúc bác thắng xe cái rét thì tôi đã nhìn thấy ngay bên cạnh một đồng hoa vàng rực. Cánh đồng hoa hướng dương ở Khao Chin Lae đón chào bao nhiêu nam thanh nữ tú người Thái đang xum xoe xiêm áo tíu tít chụp hình. Đã quá trưa, những cánh đồng hướng dương vàng mênh mang chạy tít, chỉ chịu dừng chân khi đụng phải thôn xóm nép mình bên dãy núi đá vôi nơi cuối trời.
Tôi biết đến cánh đồng này nhờ tán dóc với bạn trẻ bản xứ hôm ở Bangkok. Như người Việt yêu đồng cải bên sông Đuống, nương tam giác mạch cao nguyên đá, người Thái rất tự hào về hướng dương Lopburi. Hơi khác với những chiếc xe máy phi thẳng vào đồng tam giác mạch hay các bác nông dân miền Bắc quây chặt hàng rào, thu tiền phí giẫm nát cải vàng…, nam thanh nữ tú ở đây không đạp lên hoa hay bẻ cành ngắt lá. Chỉ vén lá chụp hình với hoa, không vào những cánh đồng có bảng cấm dù chẳng có hàng rào. Vào đồng hướng dương miễn phí, tha hồ chụp. Chỉ khi muốn chụp toàn cảnh, leo lên tháp cao mới đóng tiền, đâu mươi baht (khoảng 7.000 đồng).
Tất tả lướt qua Lopburi, tôi nghĩ mình sẽ còn quay lại. Vì chưa đến những hang động đẹp, còn thêm bầy dơi mỗi chiều túa ra che đen cả góc trời, còn dãy núi đá với hơn 40 đường leo mọi cấp bậc, còn lễ hội Khỉ, lễ hội tưởng nhớ vua Narai…
Theo: Sài Gòn tiếp thị