“Ốc đảo” Sủng Là là một xã vùng cao nằm bên quốc lộ 4C nối Hà Giang với địa đầu cực Bắc, cách thị trấn Đồng Văn hơn 20km về phía Nam. Mùa xuân là mùa đẹp nhất của vùng đất này khi những vạt hoa nở khắp cao nguyên đá. Những cánh đồng hoa đã biến vùng đất khắc nghiệt, lạnh lẽo thành một bức tranh tuyệt mỹ…
Người Hà Giang gọi Sủng Là là “ốc đảo”, bởi đây là thung lũng nằm gọn trong cao nguyên đá Đồng Văn. Những người thích du lịch bụi gọi Sủng Là là “đóa hoa hồng” của cao nguyên đá. Thung lũng này đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”, dựa theo truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Đến đây, người ta nhớ đến một cô Pao xinh đẹp giữa những cánh đồng hoa cải.
Đến Sủng Là, khách du lịch phải vượt cổng trời Quảng Bạ đến Yên Minh. Từ đây, khách du lịch đi theo hướng về phố cổ Đồng Văn, khi đến đỉnh đèo nơi ngã ba đi về Phó Bảng, khách du lịch có thể nhìn thấy toàn cảnh Sủng Là phía dưới thung lũng. Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, khách du lịch sẽ chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Xã nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu.
Ai đó bảo rằng, ở Sủng Là, đá phải nở hoa. Nghe có vẻ cường điệu nhưng hoàn toàn có thật. Vùng cao nguyên đá Hà Giang, nhất là khu vực Sủng Là, chỉ toàn đá tai mèo. Đá nhọn hoắt, lởm chởm như những mũi giáo chĩa ngược lên trời xanh cao vút. Ngày ngày, những người dân bản địa gùi những gùi đất nặng nhọc để lấp vào những hốc đá tai mèo. Chỉ cần một vài nắm đất, họ có thể trồng được một cây bắp. Đến mùa xuân, họ lại trồng hoa tam giác mạch vào hốc đá đó. Để rồi không lâu sau những hốc đá ấy lại ra hoa.
Trông từ xa, những hốc đá tai mèo đầy hoa như một bức tranh thiên nhiên. Sống trong điều kiện khắc nghiệt về địa hình, thời tiết, người dân bản địa nương náu vào thiên nhiên, dựa vào đó mà sống. Ở phía dưới thung lũng, có đất đai nên người ta tận dụng làm ruộng bậc thang trồng lúa. Dù vậy, con người chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có. Họ bắt đá tai mèo phải ra trái, nở hoa. Và họ đã làm được. Sức lao động và sáng tạo của con người đã tạo nên một kiệt tác trong mắt khách du lịch.
Vào cuối tuần, đúng dịp chợ phiên, khách du lịch sẽ ngẩn ngơ trước khung cảnh đất trời mênh mang. Người Mông bản địa dắt ngựa thồ hàng trên những dải đá tai mèo. Trang phục sặc sỡ của cô gái bản địa như những họa tiết trang trí trên đá tai mèo đẹp như bức tranh vẽ. Đi giữa trời cực Bắc vào mùa xuân, khách du lịch có thể cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Đồi núi cứ chập chùng, nối tiếp nhau. Khó khăn lắm, khách du lịch mới nhìn thấy được một thung lũng lớn và bằng phẳng làm nơi trú ngụ của buôn làng.
Dừng chân lại Sủng Là, khách cảm thấy mênh mang khó tả. Những bờ tường rào bằng đá bao quanh ngôi nhà có vẻ thấp bé nhưng chắc chắn, cửa đóng im ỉm. Nếu như ở Đồng Văn, phố xá đông đúc và có vẻ thị tứ thì ở Sủng Là, cảnh vật trầm tư, ưu buồn, toát lên vẻ đẹp thầm kín. Không ít du khách đi du lịch “bụi” đến Hà Giang, thường ghé lại Sủng Là chụp cho được những cảnh đẹp. Đôi khi họ xin người dân ngụm nước, hoặc tham quan chợ phiên hay thong thả tựa hàng hiên ngắm cảnh thiên nhiên.
Những ngày đầu năm mới, sau khi đã hết 3 ngày Tết cùng gia đình, các bạn trẻ lại rủ nhau lên Sủng Là đón xuân, như thể ăn thêm một cái Tết. Mùa xuân, hoa tam giác mạch tím thẫm. Nắng nhẹ cuối ngày dường như cũng nhuốm một màu tím man mác này. Lòng người không khỏi lay động khi đứng trước một khung trời tím. Trong làng, du khách có thể tìm thấy những gốc đào cổ thụ đang khoe sắc cùng nàng Xuân. Một chuyến đi ngắn ngày đến một miền đất xa xôi và xinh đẹp ắt hẳn du khách sẽ có thêm năng lượng, nguồn sinh lực để bắt đầu một năm mới với bộn bề công việc cần phải làm./.
Theo: Vietnamtourism