Từ Xiêng Khoảng giáp giới với Việt Nam, chúng tôi đi vòng vèo 600 cây số đường rừng núi trùng điệp để đến với Luang Prabang – cố đô của đất nước Lào. Luang Prabang theo tiếng Lào có nghĩa là Phật vàng lớn và theo Đại Nam chính biên liệt truyện, nơi này còn được gọi là Lao Long Quốc, kinh đô của một vương quốc gọi là Lạn-Xạng (Triệu Voi) tồn tại từ năm 1346.
Trước 1975, Luang Prabang còn là thủ đô của Vương quốc Lào, nhưng nay là một tỉnh lỵ nằm cách thủ đô mới Viêng Chăn 425 km về phía Bắc, dân số khoảng 25 ngàn người. Năm 1995, Luang Prabang đã được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa của thế giới.
Có một truyền thuyết gắn liền với Luang Prabang là ngày xưa, có một vị thần đã đố con người rằng: “Một ngày sắc mặt con người thay đổi mấy lần?”. Con người trả lời: “Tất cả ba lần, buổi sáng thức dậy rửa mặt, buổi trưa ra đường đội nón và buổi tối rửa chân trước khi ngủ”. Thần chịu thua và cắt đầu mình giao cho con người. Tuy nhiên từ đó, mỗi năm con người phải tưới nước tắm đầu thần, nếu không đất đai sẽ bị khô hạn. Bảy người con gái xinh đẹp của thần hàng năm đều tắm đầu cho cha.
Ngày nay, mỗi năm trước lễ hội vào ngày 15-4, cố đô Luang Prabang đều tổ chức thi hoa hậu để tuyển chọn bảy cô gái xinh đẹp nhất tham gia lễ tưới nước Phật cầu mưa. Truyền thuyết đó đã góp phần làm cho Luang Prabang luôn là một nơi linh thiêng trong trái tim của mỗi người dân Lào. Ở Xiêng Khoảng, Nick – người tài xế trẻ lái xe tuk-tuk đi cùng chúng tôi suốt chuyến hành trình nói rằng mỗi người Lào, dù ở đâu cũng ao ước một lần được đặt chân đến Luang Prabang.
Mảnh đất hiền hòa và thân thiện
Ngoài thác Kuang Si nằm cách trung tâm 29 km có nước xanh như ngọc và vẫn giữ được vẻ hoang sơ trong lành, nếu thích, khách du lịch còn có thể tắm tại những bãi cạn và hồ nhỏ tạo từ những dòng chảy của thác trong vắt, mát lạnh. Bảo tàng Cung điện Hoàng gia dát một màu vàng óng ánh hay ngôi chùa Wat Xieng Tong cổ kính soi mình trên dòng sông Mekong với hàng đoàn sư sãi trầm mặc là những ấn tượng đậm nét trong lòng mỗi du khách đã từng đặt chân đến đất nước này. Nhưng Luang Prabang không chỉ có thế, không chỉ hoang sơ hay cổ kính và u linh, mà còn thật dân dã và gần gụi.
Sớm tinh mơ, từng đoàn sư sãi trong tấm áo choàng màu vàng cam lũ lượt đi khắp các nẻo đường. Nghi lễ này vẫn được tôn trọng qua cách những người đàn ông, phụ nữ, trẻ em cung kính quỳ trước cổng nhà, tay đặt lên món quà khất thực dâng cho nhà sư. Khi đoàn sư đến, hai bên kính cẩn trao và nhận món quà này, dù đó là việc đều đặn diễn ra mỗi ngày. Xong việc, thì người ta vẫn quỳ yên ở đó, nghe một đoạn tụng niệm ngắn giống như lời ban phước lành từ các vị sư.
Kết thúc bài tụng, hai bên kính cẩn vái nhau. Khi đoàn sư đi khuất thì người vừa cho khất thực mới đứng lên mở cổng bước vào nhà. Hình ảnh đó đã nói thay rất nhiều cho quan điểm vì sao ngày nay, một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng về việc Luang Prabang đang bị giằng co giữa gìn giữ di sản và cố gắng thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Chúng tôi bắt xe tuk-tuk đi dạo phố phường. Tuk-tuk ở đây thú vị nhất là tài xế vì trong mười người lái xe thì cả mười đều giỏi ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh, sau đó là tiếng Việt! Thật an tâm khi đi lại ở đây vì ngôn ngữ không là vấn đề trở ngại. Đa phần dân chúng Luang Prabang cũng biết tiếng Việt vì người Lào sang Việt học hành nhiều, mà người Việt sang Lào sống cũng đông. Nghe nói rất nhiều công chức Lào đã được đào tạo tại Việt Nam. Thế nên cũng không ngạc nhiên khi vừa đặt chân đến cửa khẩu Nậm Cắn, bạn sẽ được nhân viên hải quan Lào yêu cầu bỏ thêm 5.000 kip vào passport nếu muốn thủ tục nhập cảnh được nhanh chóng!
Đặc sản Luang Prabang
Khi phố xá vừa lên đèn, khách lữ hành kéo nhau ra đường dạo mát thì dưới chân núi Pousi, ngay trên con đường nhựa uốn quanh chân núi đã có hàng dãy những mái lều đỏ rực dựng lên, chuẩn bị cho phiên chợ đêm bên bờ sông thành cổ. Đứng từ lưng núi nhìn xuống, cả khu chợ lung linh, sáng rực ánh đèn phản chiếu dưới những mái đỏ và cơ man hoa văn, sắc màu rực rỡ của xách tay, rèm cửa, vỏ chăn, khăn trải bàn, khăn choàng cổ… Luang Prabang thật không hổ danh là đất cố đô với nghề dệt thêu truyền thống.
Khác với China Town của Singapore, Mongkoh của Hong Kong, hay chợ Bến Thành ở Việt Nam vốn đầy rẫy những sản phẩm lưu niệm giống nhau như móc khóa, xe mô hình, đồ chơi vốn cùng sinh ra từ “lò” Trung Quốc, Thái Lan, chợ đêm Luang Prabang chỉ bán những sản phẩm may thêu thủ công đặc trưng và “rất Lào”. Đường nét tinh xảo, hoa văn cổ điển và rất nhã nhặn, màu sắc phong phú của những chiếc áo gối, những tấm xà rông sẽ làm du khách ngắm không chán mắt. Giá bán lại cực mềm vì có thể mua một bộ sáu cái bao gối với đủ loại hoa văn được thêu tay tỉ mỉ mà chỉ tốn 60.000 kip (chưa đến 120.000 đồng tiền Việt).
Điều thú vị nữa là do có địa hình đồi núi, ba mặt là rừng, lại nằm dọc bờ sông, Luang Prabang có đủ loại sản vật tự nhiên để hình thành nền văn hóa ẩm thực đa dạng. Bạn có thể thấy nhan nhản dọc đường những tấm biển hiệu bằng tiếng Việt trước các quán ăn “Ở đây có dê núi, gà đồi”. Chỉ cần rong xe ra ngoại ô một chút, bạn có thể bắt gặp từng đàn dê cỏn dăm ba con đi lại vơ vẩn như ở Việt Nam nuôi bò thả đi lại ngoài đường quốc lộ. Gà ở Luang Prabang không phải nuôi công nghiệp nên ngon, thơm và chắc. Thích thú nhất là món thịt heo. Ở đây, việc chăn nuôi chưa bị lạm dụng thuốc tăng trưởng nên thịt heo rất ngon, da giòn và sớ thịt nhuyễn như heo rừng.
Đó chỉ là những món bình dân và phổ biến ở Luang Prabang. Món sang nhất ở nơi này lại là cá nướng mà người Luang Prabang ngưỡng mộ gọi là “fish barbecue”. Lào không có biển, vì vậy hải sản chính là món ăn hiếm hoi và đắt đỏ ở đất nước này. Luang Prabang may mắn nằm bên sông, có nguồn tôm cá từ sông phong phú nên người Luang Prabang có “fish barbecue” – một món được xem là đặc – đặc sản! Nói vậy cũng không sai vì cá ở đây rất tươi, rất ngọt.
Vì cuộc sống chậm chạp và yên bình của cố đô, bên cạnh đó là việc vận chuyển trên địa hình đồi núi giữa thành phố này đến thành phố khác rất khó khăn nên ở đây đã hình thành thói quen tự cung tự cấp khá rõ nét. Ăn miếng cá nướng chấm xốt me, bạn sẽ có cảm giác như cá vừa vớt dưới hồ lên, thơm đến từng sớ thịt. Xốt me được làm từ me chín, đậu tương, gia vị, rất hợp khẩu vị Việt Nam và thật ngon!
Vật giá ở Luang Prabang cao hơn Việt Nam một chút. Một tô mì bình dân ngoài đầu ngõ có giá 10.000 kíp (khoảng 18.000 đồng), một chai bia Lào thông thường giá khoảng 12.000 kíp (khoảng 20.000 đồng). Thế nhưng giá phòng khách sạn lại cực rẻ. Chúng tôi thuê phòng hai giường lớn dành cho bốn người, dịch vụ khá tốt, tương đương khách sạn 3 sao ở Việt Nam mà giá chỉ có 10 USD/đêm, bằng nửa giá thuê phòng tại một khách sạn ở thành phố Vinh trước khi sang Lào. Nhân viên sẵn sàng chấp nhận việc ở nhiều người trong một phòng là điểm lạ khác.
Những ngày rong ruổi ở đây, nhiều lần chúng tôi được Việt kiều phục vụ nhưng lại theo… kiểu Việt! Một tài xế người Việt đưa chúng tôi đến khách sạn giá rẻ nhưng quá tồi tàn, khiến chúng tôi phải tự mò mẫm đi thuê chỗ khác. Khi tới văn phòng đặt vé, một Việt kiều bán vé xe cho chúng tôi với giá đắt gấp đôi. Loại trừ đôi chút khó chịu ấy, bạn có thể mạnh dạn khoác ba lô lên đường đến Luang Prabang, bởi ở đó có quá nhiều điều thú vị đang chờ đón.
(Theo_Tuoi tre online)