Gần 4 tháng kể từ thời điểm bắt đầu tổ chức phát động cuộc bầu chọn vịnh Hạ Long vào danh sách 7 kỳ quan tự nhiên thế giới theo đề xuất của Tổ chức NewOpenWorld, lượng du khách nước ngoài đến du lich vịnh Hạ Long tăng lên đột biến. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra ở vịnh Hạ Long.
Sở Du lich tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong mấy tuần gần đây, mạng lưới cơ sở lưu trú ở TP Hạ Long liên tục xảy ra “cháy phòng”. Tất cả khách sạn 4-5 sao hiện đều kín chỗ. Đến thời điểm này, ngay cả những khách sạn loại 2-3 sao cũng không còn phòng trống. Trên bờ đã vậy, dưới vịnh, du khách cũng khó tìm được nơi ngủ qua đêm. Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, hàng trăm con tàu du lịch tổ chức ngủ đêm trên vịnh “chật cứng” suốt mấy tuần qua, nhiều tàu phải “khóa” lịch trình tham quan đến tận tháng 3-2008…
Một cơ hội vàng đang mở ra cho du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, đây mới là thời kỳ sung sức nhất của du lich vịnh Hạ Long khi hình ảnh của Việt Nam đang được quảng bá rộng rãi trên thế giới thông qua hàng loạt chương trình phát sóng về vịnh Hạ Long, cổ vũ bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan tự nhiên thế giới, đặc biệt là từ sự kiện vịnh Hạ Long được tổ chức phát động cuộc bầu chọn đưa ngay vào danh sách đề cử khi cuộc bầu chọn mới bắt đầu…
Sau khi đoàn làm phim CNN (Mỹ) sang Hạ Long làm videoclip quảng cáo và phát trên sóng đến hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, gần đây lại có thêm nhiều đài truyền hình đến từ những nước phát triển như Tây Ban Nha, Úc, Pháp… tiếp tục đặt chân đến vịnh Hạ Long để bấm máy, khiến cho vị trí và hình ảnh của di sản đã 2 lần được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới càng trở nên gần gũi với cộng đồng quốc tế.
Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam cho biết, số lượng khách du lich đến Quảng Ninh, chủ yếu đến với vịnh Hạ Long, liên tục đạt tốc độ tăng bình quân 14%/năm, trong đó chủ yếu là khách quốc tế. Cách đây 7 năm, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh mới chỉ đạt 1,9 triệu lượt nhưng đến cuối năm 2006 đã vượt con số 3 triệu. Còn năm 2007, lượng du khách tăng khoảng 35% so với năm ngoái với tổng thu từ phí tham quan du lịch đạt trên 43 tỷ đồng (trong khi vào năm 2003, mức thu trên mới chỉ đạt 27,7 tỷ đồng).
Làm sao để không đơn điệu?
Thế nhưng, nhìn lại sức hút từ những dịch vụ du lịch, chúng ta lại không tránh khỏi băn khoăn, chạnh lòng… TS Lê Trọng Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam, thực sự tỏ ra e ngại về chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch của vịnh Hạ Long hiện nay.
Ông Bình cho rằng, chất lượng sản phẩm du lịch ở Hạ Long chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, chưa “làm vui lòng” khách có khả năng chi trả cao. Mặc dù trên địa bàn TP Hạ Long, trên vịnh Hạ Long đã được đầu tư một số dịch vụ mới như công viên quốc tế Hoàng Gia, khu vui chơi có thưởng dành cho du khách nước ngoài Hoàng Gia, công viên nhạc nước Tuần Châu… nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vui chơi giải trí của khách nội địa, còn khách nước ngoài thì chưa làm họ thực sự bị cuốn hút.
Ngoài ra, các hoạt động và sản phẩm du lịch do hoạt động du lịch hiện vẫn còn trùng lặp và nghèo nàn, các hoạt động vui chơi giải trí ở Hạ Long còn đơn điệu về nội dung, quy mô nhỏ, phân tán. Hiện nay, loại hình du lịch trên vịnh Hạ Long vẫn chủ yếu là các tuyến đưa du khách đi tham quan thắng cảnh vịnh bằng tàu du lịch, chiêm ngưỡng hang động, núi đá, bơi tắm… Trong khi, còn rất nhiều tiềm năng như một mô hình mở gồm du lịch đáy biển, du lịch sinh thái biển đảo, văn hóa dân gian truyền thống, làng chài… thì lại đang bỏ ngỏ.
Thế nhưng, theo TS. Lê Trọng Bình thì nguyên nhân quan trọng dẫn đến các sản phẩm du lịch vịnh Hạ Long kém lôi cuốn lại là do việc điều tra về nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch chưa được đầu tư kỹ lưỡng để xây dựng những sản phẩm hấp dẫn, thực thụ. Theo đó, với không ít du khách nước ngoài, khi đến tham quan vịnh Hạ Long họ không quan tâm nhiều lắm tới những khu vui chơi giải trí hay những công trình hiện đại (mà ở nước họ cũng có, thậm chí có từ cách đây nhiều năm) mà chỉ quan tâm trước tiên đến vẻ đẹp tự nhiên của vịnh Hạ Long, sau đó là văn hóa- trong đó có văn hóa giải trí chính gốc của người bản địa.
Trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch vịnh Hạ Long đến năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đặt ra chỉ tiêu đón 6,8 triệu lượt khách và tăng gấp 1,5 lần vào năm 2020. Để Hạ Long không chỉ mang đến những giá trị đẹp và thơ mộng về cảnh quan trong mắt du khách mà còn khiến họ không bị nhàm chán, đơn điệu, TS. Lê Trọng Bình cho rằng, phát triển du lịch ở vịnh Hạ Long phải căn cứ vào nhu cầu, sở thích cũng như khả năng chi trả của các đối tượng du khách khác nhau.
Những lợi thế mà vịnh Hạ Long có thể khai thác để làm phong phú sản phẩm du lịch của mình là phát triển thêm các nhóm sản phẩm: du lich tham quan thắng cảnh, nghỉ biển, sinh thái biển đảo, thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa lễ hội, làng nghề, làng chài, di chỉ khảo cổ, du lịch tàu biển…
Theo VĂN PHÚC HẬU – Sài Gòn giải phóng