Nằm ở khu vực trung tâm của miền Trung, đèo Hải Vân không chỉ được ví như chiếc đòn gánh với hai đầu là hai bãi biển đẹp nhất thế giới, mà còn được người xưa mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.Khách du lịch đến với Đà Nẵng thì không thể bỏ qua nơi đây.
Trên con đường thiên lí Bắc Nam, ngăn cách giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có một ngọn đèo cao chắn ngang, dài chừng hơn 20 cây số, đường đi ngoằn ngoèo vô cùng hiểm trở, ấy chính là đèo Hải Vân.
Thời Nguyễn, năm 1826, vua Minh Mạng (1791-1840) đã cho xây trên đỉnh đèo Hải Vân một tòa thành và cửa ải để làm nơi canh gác giặc cướp. Trên vòm cửa ải phía Bắc có treo t ấm biển lớn bằng đá cẩm thạch khắc ba chữ Hán lớn là “Hải Vân Quan”, còn phía Nam lại có t ấm biển khắc sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, có nghĩa là quan ải hùng vĩ nhất thiên hạ.
Trong “Phủ Biên tạp lục”, bộ sách chuyên ghi chép những điều quan trọng về kinh tế, xã hội của xứ Đàng Trong, tác giả Lê Quý Đôn (1726 – 1784) từng nhận xét như sau: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam…(nay là 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam).
Trước đây, con đèo là tuyến đường bộ độc đạo nối liền hai miền Nam – Bắc. Vì vậy, mọi p hương tiện xe cộ muốn đi từ Huế vào Đà Nẵng, hoặc ngược lại, đều phải đi qua con đèo hiểm trở này. Đèo cao quanh năm mây phủ tứ bề, có lúc đứng cách nhau mấy bước chân cũng không nhìn thấy. Kể từ năm 2005, hầm Hải Vân, tuyến đường hầm xuyên đèo Hải Vân và là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á được đưa vào sử dụng, đèo Hải Vân trở nên ít người qua lại. Giờ đây, con đèo hoang vu này bỗng trở thành một địa điểm du lịch lí tưởng cho những ai có thú mạo hiểm, ưu phiêu lưu, thích khám phá.
Đèo Hải Vân với những khúc cua khúc khuỷu đến rợn người, một bên là lau lách um tùm, một bên là vực sâu hun hút với tiếng sóng biển ầm ào, xưa là nỗi ám ảnh của cánh lái xe đường dài, nay bỗng trở nên có một sức hút kì lạ đối với những người ưa phiêu lưu, mạo hiểm.
Chỉ cần một chiếc xe gắn máy, du khách đã có thể lên đường để khám phá dãy “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Để lên đến đỉnh đèo, du khách phải vượt qua những khúc cua tay áo, leo lên những đoạn đường đèo cao, đổ xuống những đoạn đường dốc đứng xe lao vun vút… Cứ thế hết lên lại xuống, phải hơn 1 tiếng đồng hồ mới lên đến đỉnh đèo chính lộng gió, mù sương. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa là cả một vùng biển cả mênh mông, phía Bắc là vịnh Lăng Cô của Huế, phía Nam là vịnh Đà Nẵng của Đà Nẵng. Cũng từ đây, du khách có thể tham quan Hải Vân Quan, một công trình phòng thủ mang đậm dấu ấn của vua Minh Mạng, hoặc ngắm nhìn những đoàn tàu Thống Nhất rúc còi vượt núi, len lỏi giữ màn sương và tán lá rừng xanh um.
Từ trên đỉnh đèo Hải Vân, vào những ngày thời tiết tốt, du khách còn có thể nhìn thấy rõ toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm… và những bãi cát vàng hình vòng cung vươn dài ôm lấy những vịnh biển.
Rời đèo Hải Vân, cách chân đèo không xa về phía Bắc là bãi biển Lăng Cô, một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh; đi thêm chừng 70 cây số nữa là vào đến trung tâm cố đô Huế, Di sản Văn hóa Thế giới. Phía Nam đèo là Đà Nẵng, một thành phố năng động với bãi biển Mỹ Khê đẹp nổi tiếng thế giới, cùng nhiều tiềm năng văn hóa du lịch hấp dẫn khác.
Chính vì vậy, những năm gần đây, du khách, nhất là người nước ngoài, mỗi khi có dịp về nghỉ ở Huế hoặc Đà Nẵng, đều muốn tự mình khám phá tour du lịch thú vị này.
(Theo BAVN)