Ninh Bình là một tỉnh đầu áp rừng, chân gối biển, nơi có sông, có đền chùa cũ kỹ, có nhiều cái nhất trong mỗi bước chân khám phá của lữ khách. Ninh Bình là nơi có tượng Phật lớn nhất nước Việt, nơi còn duy nhất một nhà thờ đá Phát Diệm đẹp đẽ… Một khác biệt nữa ở Ninh Bình là còn có một làng Việt cổ mang đậm vẻ đẹp làng quê…
Ninh Bình còn có những đồng cói trải thảm như giấc mơ ở đất Kim Sơn, có suối khoáng Kênh Gà Gia Viễn. Khi đưa vào khai thác du lịch với nếp chân quê của các nhà cổ, kiến trúc đẹp như tranh huyền thoại, những người làm du lịch chuyên nghiệp đã biết khai thác văn hoá – lấy truyền thống làm nền cho không gian việt, và dành cho du khách một khu vực sống thanh thản trong những ngày nghỉ ở đây.
Hơi thở của đồng quê
Cách kinh đô Hoa Lư không xa, nằm ngay ở gần bến thuyền Tam Cốc, có một làng Việt cổ được khai thác du lịch mang đậm hơi thở Việt. Nơi đây quy tụ hơn 20 nếp nhà Việt cổ có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Làng từ cổng vào đã thấy chum vại, chuối xanh, một quán nước nhỏ bên đường, mắt bạn chạm ngay vào làng nông thôn xưa với những nếp nhà tranh, rạ cũ; lại cắt phía mái giọt gianh như kiểu mái tóc hỉ nhi ở cửa ra vào. Hiên nhà đâu đó vẫn còn chiếc cối xay lúa, bếp rạ, cây rơm, chum nước và cối đá như ngoảnh lại hàng chục thế kỷ. Và bạn sẽ dạo bộ trong không gian tĩnh, với vẻ đẹp thật cũ càng.
Cũng trong khuôn viên hơn 22.000m2, làng Việt cổ dựng lại cổng Tam quan, cổng Áng ngoại, đình Thanh Liêm, lầu cổ và phố Sấu. Ở đây còn có một Nghênh Tân Các, dưới nước đầm súng nở đầy hoa. Nghênh Tân Các còn dành cho những người đàm đạo văn chương và thưởng thức áng thơ hay nơi này. Rồi bạn sẽ nghỉ ở nhà cổ Gia Viễn Ninh Bình hay ngủ ở nhà cổ miền Thọ Xuân, hay vùng Nga Sơn tỉnh Thanh Hoá. Những ngôi nhà cổ tạo hoa văn từ những bàn tay vàng nước Việt, nét chạm trổ tinh xảo, với nhiều loại gỗ quý từ nhiều miền quê Bắc bộ, Trung bộ. Nhà cổ nằm sát bên nhau không xa, tạo nên một nét văn hoá truyền thống. Như ngôi nhà cổ Ý Yên, hoặc ở vùng Thanh Liêm, vùng làng Ngọc, Khánh Hoà; mỗi nhà đều có nét kiến trúc riêng của một vùng quê, trong nhà có tranh phong cảnh đề thơ hoài cổ. Mỗi nhà cổ có hai phòng nghỉ, cửa sổ hướng ra vách núi, vườn tược, không gian mở trải rộng với thiên nhiên; khu vệ sinh lại thiết kế rất tiện nghi hiện đại.
Bạn có thể khám phá trong các ngôi nhà cổ của làng, trong đó có ngôi nhà cổ trưng bày một bảo tàng với những giá trị hiện vật đồ đá, đồ đồng, đồ gốm gắn với đời sống dân Việt từ hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước. Giá trị của các cổ vật qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá, đồ gốm sứ. Nền văn hoá Đông Sơn Thanh Hoá, được giới thiệu khá kỹ ở đây cùng các hiện vật cổ của nhiều vùng miền Bắc bộ. Bạn cũng ghé thăm nhà sàn ở ngay chân núi, núi không cao mà hiểm trở, sông không sâu mà nước xiết. Tất tất theo một phong cách giữ đúng nếp văn hoá Việt xưa. Và chỉ dám nghĩ, vẫn còn hơi thiếu những khóm tre xanh, búi lớn, những bụi duối gai, nhưng lại quá nhiều bụi chuối tây, và một cái sân đất thó nền nã.
Dễ dàng chọn món cơm quê
Ở làng Việt, bạn sẽ chọn được bữa cơm quê từ nhiều vùng miền trong thực đơn, canh cua cà pháo, cá kho, tép rang… Đặc sản của Ninh Bình còn có cơm cháy, thịt dê nướng, sung muối, cá om dưa, nem Yên Mạc.
Buổi tối nếu đi đoàn đông người, bạn có thể mời đội văn nghệ để được nghe hát dân ca, hát ru, trích đoạn chèo cổ, các điệu hò vùng Thanh Hoá, Nghệ An, và có thể nghe hát ca trù…
Dành riêng cho các bạn trẻ những dịch vụ đốt lửa trại, câu cá, đạp xích lô, đi xe đạp thăm làng nghề thêu ren nổi tiếng ở cố đô Hoa Lư – Ninh Bình. Bạn có thể ngồi trên thuyền đi Tam Cốc mua đồ thêu ren trên thuyền do người đi thuyền bán dạo trên sông Ngô Đồng đầy thơ mộng.
Từ làng Việt cổ, bạn có thể chọn ngày đẹp trời vắng khách thả thuyền đi ba hang, hang Cả, hang Hai, hang Ba, hoặc rẽ nước lên Bích Động lễ Phật. Chùa trên núi đang tái hiện một nếp chùa cổ xưa, bằng gỗ lim ngàn tuổi.
Nếu muốn thăm chùa có tượng Phật lớn nhất, thăm đền vua Đinh Lê, làng Việt cổ có dịch vụ đáp ứng những nhu cầu này.
Chị Đinh Hà ở bộ phận nhà bếp làng Việt cho hay vào thứ bảy, chủ nhật, khá đông khách nước ngoài, nhiều nhất là khách Pháp, Nhật, Anh và Đức. “Họ thường đi thăm thú khắp nơi ở Ninh Bình và về nghỉ ở làng Việt cổ này”. Không chỉ thu hút khách nước ngoài, làng Việt cổ dựng xong mấy ngôi nhà sàn nơi vách núi sẽ có một khu nghỉ bình dân cho khách thập phương đi lễ chùa…
Mùa lễ hội tháng giêng đông du khách nước ngoài đến làng Việt cổ, họ đi Tam Cốc để khám phá Hạ Long cạn; để ngủ sâu sau múi giờ bay, được ở trong ngôi nhà cổ kính của nước Việt ngay chân núi. Và vẻ đẹp làng quê xưa ở ngay trong hơi thở cảm nhận của mỗi người.
BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG VIỆT HẰNG – Theo SGTT
==================================================
Những khách phương xa đi du lịch Ninh Bình nên biết:
– Khi chọn món ăn nên xem thực đơn và giá cả ghi rõ, nếu chưa ghi hay gọi thêm món… nên hỏi rõ giá bao nhiêu, chớ ngần ngại.
– Mua hàng thêu ren: khăn trải bàn ăn, drap gối, drap thêu ren… cần phải mặc cả. Có người bán nói thách rất cao.
– Khi đi thuyền nên mang theo tiền lẻ, nếu cần chi thêm tiền “bo” cho lái đò hoặc hướng dẫn viên đi lẻ.
– Đi xe ôm thăm thú đó đây, nhất thiết phải thoả thuận giá hãy lên xe.
– Đi đoàn đông người nên thuê nhà sàn, nghỉ nhà sàn ngay trong khu làng Việt cổ. Nhà cổ thuận tiện cho gia đình có một đến hai con nhỏ.
– Phụ nữ không nên mặc váy đi du lịch đền chùa.
==================================================