Đèo Ngang, địa danh quen thuộc với bao người từng vào ra trên con đường thiên lý Bắc – Nam, là dãy núi chạy từ rặng Hoành Sơn ra tới biển làm thành ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh. Vùng đất từng được ví như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước VN. Rất thích hợp cho các khách du lịch muốn tìm hiểu , khám phá.
Từ TP Đồng Hới (Quảng Bình) theo quốc lộ 1A ra phía bắc khoảng 75km, hoặc từ TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) vào phía nam khoảng 70km là đến đèo Ngang. Ở đây dãy núi Trường Sơn như một lưỡi kiếm đâm ra tận biển, tạo nên vùng núi non với cảnh sắc sơn thủy rất đỗi hữu tình. Đèo dài 6,5km, quanh co uốn lượn theo triền các dãy núi, từ xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) bên nam, vươn dần lên đỉnh và đổ xuống xã Kỳ Nam (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bên bắc.
1. Đứng trên đèo nhìn xuống phía đông là biển Đông xanh ngời trước mặt, với những đảo Hòn La, đảo Yến, vũng Chùa, mũi Roòn… ở phía Quảng Bình. Phía Hà Tĩnh là những dải ghềnh đá lô nhô đâm ngang ra bờ biển tạo thành những bãi tắm rất đẹp, cát trắng mịn màng. Mặt biển với những con thuyền nhỏ dập dềnh trên sóng nước trập trùng. Thấp thoáng dưới chân đèo phía bắc, phía nam là những ngôi nhà, dòng suối chảy quanh co, uốn khúc bên những ruộng lúa làm ta nhớ đến những câu trong bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá, lá chen hoa/ Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà”…
Phía tây đèo là núi dựng đứng, vững chãi như bình phong xanh ngắt với ngàn mây bay lởn vởn buổi chiều tà trên ngọn núi cao 1.046m – đỉnh cao nhất của dãy Hoành Sơn. Khách du lịch đi xe máy hoặc ôtô, khi đổ xuôi xuống mái đèo phía nam khoảng 400m sẽ thấy một dãy núi cao hàng trăm mét sừng sững chắn ngang trước mặt. Càng đến gần, bức tường xanh cũng như đang chạy nhào tới, tạo nên cảm giác kỳ lạ mà không đèo nào có được.
2. Lên tới đỉnh đèo, nơi có tấm bảng phân chia địa phận hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh, rẽ theo con đường mòn nhỏ bên phải triền núi độ 500m, thấp thoáng giữa rừng thông là di tích Hoành Sơn quan. Đây là cửa ải Hoành Sơn trấn giữ con đường thiên lý Bắc – Nam, gợi biết bao suy tưởng về một thời Đàng Trong – Đàng Ngoài phân tranh. Cửa Hoành Sơn cao hơn 4m, được xây từ triều Minh Mạng thứ 14 (1833) hiện còn nguyên vẹn, cùng hai nền móng của tường lũy bằng đá chạy theo hai hướng vào núi và xuống biển. Trước đây phía cửa mỗi bên có 1.000 bậc đá để lên xuống theo triền núi cao. Nay cửa bên nam không còn bậc đá, bên bắc chỉ còn khoảng vài trăm bậc, nhưng đã được làm lại nhiều.
Xuôi theo quốc lộ 1A, từ đỉnh đèo đổ xuống phía Hà Tĩnh khoảng 500m là gặp phía bên phải những bậc đá leo lên cửa Hoành Sơn. Khách du lịch có thể dừng xe, theo những bậc đá lên tham quan di tích. Bước trên từng bậc đá, thấy như còn ẩn hiện dấu chân tiền nhân một thời xuôi ngược. Cũng nơi này đã in dấu chân Bác những ngày đi bộ theo gia đình từ làng Sen vào Huế…
Dừng xe trên đỉnh đèo Ngang, đứng giữa trời gió lộng, ngắm núi rừng hay biển xanh, nghe tiếng thông reo giữa ngàn mây mới thấy thật thư thái tâm hồn.
3. Từ cửa Hoành Sơn nhìn xuống phía bắc là hồ nước U Bò. Quốc lộ 1A từ cửa hầm đường bộ xuyên qua đèo Ngang bây giờ chạy cắt ngang hồ nước này. Phía nam là hồ nước Quảng Đông lấp lánh ánh bạc mỗi buổi bình minh. Hai hồ nước nằm ngay dưới chân đèo, nước trong xanh quanh năm. Trên đường qua đèo, từng đoạn ngắn lại bắt gặp những dòng suối nhỏ đổ từ trên đỉnh núi đá về, róc rách chảy qua những chiếc cầu. Dừng xe ngồi nghỉ, rửa mặt, tay chân bên dòng nước trong vắt, mát lạnh mới thật thú vị.
Cách khoảng 600m dưới chân đèo về phía nam là đền thờ công chúa Liễu Hạnh, nằm trong cụm di tích, danh thắng gồm đèo Ngang, Hoành Sơn quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, biển Hòn La, vũng Chùa, đảo Yến… Đền nằm trong tán lá rừng xanh mát, cách cửa hầm đường bộ xuyên đèo Ngang phía nam hơn 100m. Có từ thời Thiên Hữu (1557) nhà Hậu Lê, theo thời gian đền bị hư hỏng nhiều, sau đó được tỉnh Quảng Bình phục hồi theo nguyên mẫu. Theo người dân địa phương, đền thờ này khá linh thiêng, vì thế vài năm trở lại đây có rất nhiều du khách thập phương ghé thăm, hương khói…
LAM GIANG