Tỉnh Kampot của Vương quốc Campuchia giáp biên với tỉnh Kiên Giang. Để vào địa phận tỉnh này phải qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Xà Xía trước đây). Sau khoảng 30km đường với một nửa là đoạn mới được mở rộng chưa kịp tráng nhựa, chúng tôi vào đến thị xã Kampot.Một địa điểm du lịch,nghĩ mát hoàn toàn mới
Cả đoàn đều ngạc nhiên trước một quảng trường với tượng đài bêtông tạc toàn cây ăn trái, chính giữa là một trái sầu riêng khổng lồ, xung quanh là những chùm chôm chôm, măng cụt, thơm, dừa vốn là đặc sản của tỉnh Kampot.
Cùng với tỉnh Battambang, Kampot được coi là “vương quốc trái cây” của Campuchia. Danh hiệu ấy được thể hiện rõ nét tại chợ chính Samaki của thị xã Kampot, nơi có những “núi” sầu riêng tỏa hương thơm ngạt ngào, quyến rũ. Chúng tôi thích thú nếm thử những trái mơ tròn cỡ một nắm tay, màu vàng nghệ do người bán là một phụ nữ bản xứ nói được tiếng Việt mời. Ruột trái mơ có 3-4 múi dày cơm, giống như múi măng cụt, màu trắng như sữa, chấm muối ớt ăn có vị chua hoang dã. Có người bảo đó là măng cụt rừng. 1kg mơ giá 30.000 đồng VN.
So với khoảng sáu năm trước khi chúng tôi đến, nay thị xã Kampot phát triển nhà cửa, đường sá nhiều hơn hẳn. Chúng tôi đi qua con đường khá đẹp cặp bờ sông, hai bên bờ sông là bãi cát vàng thoai thoải. Con sông này chảy ra biển cách thị xã chừng 20km. Vắt ngang sông là chiếc cầu Eiffel, hao hao cầu Long Biên, nhưng hư hỏng, không còn sử dụng nên xe qua lại bằng chiếc cầu bêtông cách đó không xa.
Một điểm đến của du khách vào dịp cuối tuần là thung lũng Tek Chhou xanh ngát, cách thị xã Kampot khoảng 20km, với bốn phía là núi và một dòng suối thơ mộng chảy qua những vườn cây ăn trái. Bên bờ suối là dãy chòi lá phục vụ khách nghỉ ngơi, ăn uống, chủ yếu là sầu riêng, loại sầu riêng cơm dày hột lép, vị béo bùi ngân nga cổ họng. Vài cô sơn nữ mời khách dùng thử những chiếc bánh gói bằng lá thốt nốt đem nướng chín, bên trong là bột nếp trộn dừa nạo. Một gói 10 bánh giá 20.000 đồng.
Cũng thu hút khá nhiều du khách khi đến Tek Chhou là một vườn thú nuôi một vài loài thú rừng nay hầu như vắng bóng trong thiên nhiên. Từ đây có thể nhìn thấy dãy Tà Lơn lừng danh chạy bất tận với đỉnh cao nhất 1.080m. Đường lên đỉnh đẹp như lên đèo Hải Vân.
Theo sách hướng dẫn du lịch của Kampot, trên đỉnh cao ấy còn có các lâu đài, khách sạn, nhà thờ, cung điện của hoàng gia Campuchia ngày trước. Đầu năm 2008, một sòng bạc có từ thời thuộc địa Pháp được Công ty Sokimex của Campuchia cải tạo thành khu nghỉ dưỡng. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát thành phố Kep mênh mông biển xanh dưới mây trời.
Thành phố Kep được người Pháp phát hiện từ năm 1908. Theo tư liệu, tên Kep là biến âm của từ tiếng Pháp “cap” (mũi đất nhô ra biển), nhưng cũng có người cho rằng vào thời xa xưa của đất nước chùa tháp, hoàng tử Ksor khi tới đây đã xây dựng một khu nghỉ mát được đặt tên người khai sinh nó, dần dà tên gọi Ksor trở thành Kep.
Xe lượn qua những đồi dốc thật ngoạn mục, chẳng mấy chốc đã thấy biển xanh ngắt trước mặt. Vừa bước xuống xe, mùi hải sản nướng đã khuấy động khứu giác! Người ta chen nhau mua và thưởng thức các món tươi ngon. Dưới bãi biển, nhiều người bản xứ ngâm chân trong nước, trên tay là chiếc rọ đựng hải sản tươi sống chờ phục vụ du khách.
Con đường chạy giữa núi và biển dài 5-6km ở Kep có lẽ là một trong những cung đường đẹp nhất Campuchia nhờ xanh và sạch đáng khâm phục. Tại một mũi đất nhô ra biển là tượng một thiếu nữ to cao được dân địa phương gọi là nàng tiên cá nhưng có tích hệt như tượng vọng phu ở Việt Nam. Gần đó là tượng một con ghẹ khổng lồ. Thành phố du lịch Kep không chỉ đẹp về cảnh sắc thiên nhiên mà còn nổi tiếng về hải sản, nhất là ghẹ.
Trời dứt mưa và dù còn âm u, chúng tôi vẫn nhìn thấy cuối chân trời, ngoài khơi xa là đảo và đảo chập chùng, trong đó có đảo Phú Quốc của chúng ta. Sóng điện thoại di động “nhóc” máy. Cô Kiều Loan, hướng dẫn viên của đoàn, bảo sóng từ Mũi Nai (Hà Tiên), còn anh tài xế người Campuchia cho là sóng từ Phú Quốc.
Cuộc vui cuối tuần với Kampot kết thúc trong ánh nắng tràn ngập con đường đưa chúng tôi về lại quê nhà.
PHÙ SA LỘC