“Chưa tới Kyoto là chưa đến Nhật Bản”- khách du lịch đều nhận xét như vậy khi du ngoạn xứ Phù Tang. Bởi Kyoto là cố đô còn lưu giữ được nét cổ kính với kiến trúc đền đài đậm chất Nhật Bản, có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn. Những quán bar và cà phê hiện đại dường như mang lại hơi thở mới pha vào nét tĩnh lặng nơi đây.
Dưới ánh nắng thu êm dịu, bạn đồng nghiệp của Hãng thông tấn Kyodo (Kyodo News) thường trú tại phân xã Kyoto tự hào giới thiệu:
“Nếu là hoa, xin làm Sakura
Nếu là người, xin làm Samurai”
Sakura ( Hoa Anh đào), Samurai ( Võ sĩ đạo) là những nét tiêu biểu cho văn hoá truyền thống Nhật Bản, mà văn hoá truyền thống của Nhật Bản lại được biểu hiện rõ nhất tại cố đô Kyoto, là một thành phố cổ kính, còn bảo tồn nhiều di tích lịch sử, giá trị văn hoá truyền thống, cả về vật chất và tinh thần được nuôi dưỡng qua hơn 1000 năm lịch sử. Khác với những toà nhà chọc trời và hiện đại ở Tokyo. Đến Kyoto, chúng tôi có cảm giác yên bình và thanh thản đến kỳ lạ. Xa cách khỏi sự vội vã, hối hả, tất bật ở Tokyo, nhịp sống ở Kyoto ẩn sau những ngọn đồi phủ đầy cây xanh, hoa lá, ẩn dưới những ngôi nhà xây theo lối cổ, như chậm hẳn lại, nhẹ nhàng, trong lành có nét tương đồng với vẻ đẹp thơ mộng bên đôi bờ sông Hương như cố đô Huế của Việt Nam.
Đất nước “ Mặt trời mọc” có hai mùa đẹp nhất là mùa hoa anh đào và mùa lá đỏ. Hoa anh đào bắt đầu nở vào mùa xuân và kéo dài cho đến đầu hè. Trong khi đó, khi mùa thu đến khoảng từ cuối tháng chín tới giữa tháng 11, lại là mùa “rừng phong chuyển sắc” từ xanh sang đỏ. Nhiều người gọi đó là mùa lá đỏ.
Thú thưởng ngoạn, theo dõi sự đổi màu của lá phong về mùa thu được người Nhật gọi là “momijigari”. Đến đây vào mùa lá thay màu, bạn sẽ cảm nhận được những nét đẹp thiên nhiên thật hấp dẫn. Phần lớn người Nhật cho rằng đây là mùa đẹp nhất trong năm. Họ thích những khoảng thời gian này vì thời tiết ổn định, lý tưởng cho việc đi du lịch.
Đến Kyoto, thấy thấp thoáng nhiều ngôi nhà cổ được bảo tồn ẩn hiện bện những ngôi nhà cao tầng hiện đại, chúng tôi liên tưởng tới phố cổ Hà Nội, chợt chạnh lòng thầm nghĩ đến Thăng Long- Hà Nội, gía như 36 phố phường đất Hà thành là di sản quý giá của cha ông để lại mà cũng được bảo tồn như nơi đây.
Chủ tịch Báo Kyoto ShimBun Osamu Saitou, một Nhật báo có uy tín ra đời từ năm 1930, hiện với tia-ra phát hành buổi sáng 520.000 bản, buổi chiều 300.000 bản, tiếp chúng tôi đã say sưa giới thiệu về lịch sử cố đô này: Kyoto hiện là một trong 7 thành phố lớn nhất Nhật Bản với số dân khoảng 1,5 triệu người. Thành phố này trước kia là Thủ đô của Nhật Bản, nay là tỉnh lỵ của tỉnh Kyoto, và là một phần chính của vùng đô thị Kansai. Nơi đây gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản. Qua các hiện vật khảo cổ, khoa học đã khẳng định loài người đã định cư ở khu vực Kyoto từ 10.000 năm trước Công nguyên. Tuy nhiên, chứng tích về các sinh hoạt của con người trước thế kỷ 6 không có nhiều. Vào thế kỷ 8 để tránh ảnh hưởng của giới tăng lữ Phật Giáo xen vào quốc sự, Nhật Hoàng đã chọn dời đô từ Na-ra đến khu vực Kyoto ngày nay để tạo khoảng cách với các trung tâm Phật Giáo đương thời. Thành phố mới đó, bấy giờ mang tên Heiankyo ( Bình An Kinh), trở thành kinh đô Nhật Bản năm 794. Sau đó, thành phố được đổi tên thành Kyoto (Kinh Đô). Kyoto giữ địa vị là kinh đô của Nhật Bản cho đến thế kỷ 19 khi được triều đình dời về Edo (Tokyo) năm 1868 vào triều Minh Trị duy tân. (Cho đến nay nhiều người Nhật vẫn cho rằng Kyoto là Thủ đô chính thống của Nhật Bản). Khi Edo được đổi tên thành Tokyo (Đông Kinh) thì Kyoto được gọi là Saikyo ( Tây Kinh) trong một thời gian ngắn. Giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ đã xem xét khả năng ném bom nguyên tử xuống Kyoto nhưng cuối cùng đã chọn Hiroshima và Nagasaki thay cho Kyoto vì không nỡ huỷ diệt “vẻ đẹp của thành phố” này. Kyoto là thành phố lớn duy nhất của Nhật Bản vẫn còn các tòa nhà thời trước Thế chiến thứ hai như tòa thị chính truyền thống machiya. Tuy nhiên, sự hiện đại hóa đang dần phá vỡ Kyoto truyền thống, như Nhà ga Kyoto. Kyoto nổi tiếng từng là nơi đăng cai tổ chức hội nghị quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và đã ra Nghị định thư Kyoto năm 1997 với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Người ta vẫn gọi Kyoto ngày nay là hiện thân của Nhật Bản cổ xưa huyền thoại. Hơn một nửa số đền chùa miếu mạo lâu đài nguy nga cổ kính ở Nhật đều tập trung ở Kyoto, trong đó có 14 đền đài nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, và hơn 1.700 kho báu và những tài sản văn hoá quốc gia quan trọng đã được chính phủ Nhật Bản phê chuẩn. Tất cả những ngôi đền chùa này đều thể hiện nét đặc sắc của văn hoá, chính trị của các thời đại đã qua. Một trong số những công trình nổi tiếng nhất ở Kyoto (mà có lẽ cũng là nổi tiếng nhất Nhật Bản) đó là chùa Kiyomizu – ngôi chùa đẹp tuyệt vời này đã được đưa vào danh sách đề cử cho 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Cái tên của ngôi chùa này nghĩa là dòng nước thanh khiết (Kiyo –thanh, Mizu – thuỷ). Chùa được xây dựng từ năm 778, là công trình lâu đời nhất trong số các kiến trúc cổ ở Kyoto, nằm trên vùng đồi Otawa. Chùa nổi tiếng với 3 dòng nước trong vắt chảy ra từ vách đá, tượng trưng cho 3 mong muốn lớn nhất của con người là tình yêu, sức khoẻ và tiền bạc. Ai đến đây cũng đều xếp hàng cầm gáo hứng nước thanh khiết từ trong vách đá chảy ra để uống một ngụm lấy may. Chùa có gian chính được dựng hoàn toàn bằng gỗ với 139 cột chống lớn. Đến mùa thu, Kiyomizu khoác lên mình tấm áo dệt bằng hàng ngàn cây phong lá đỏ như tiên cảnh bồng lai.
Dù đã công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng cố đô Kyoto vẫn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống mang cốt cách không hoà tan của người Nhật Bản. Là khách quý, chúng tôi đã được các bạn đồng nghiệp Kyodo News chiêu đãi giới thiệu văn hoá ẩm thực theo phong tục cổ truyền của Nhật Bản có Maiko, Geiko hát, múa, đánh đàn, mua vui trong các quán Ochaya ở những khu phố gọi là Hanamachi ở Kyoto. Kyoto hiện có 5 khu Hanamachi như thế, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến khu Gion còn khoảng 100 Ochaya hoạt động thường xuyên. Những Maiko, Geiko quỳ gối rót rượu Sa kê mời, tận tình phục vụ bữa khoản đãi chúng tôi tại một nhà hàng hai tầng bằng gỗ được giới thiệu có từ hơn một trăm năm nay. Những Maiko, Geiko mặc những bộ Kimono lộng lẫy sắc màu, trang điểm đậm nét theo lối cổ truyền, đều nói thạo tiếng Anh, quỳ gối rót rượu mời, tận tình phục vụ khách suốt bữa ăn hàng mấy giờ liền. Có sự khác nhau trong trang phục, kiểu tóc của Geiko và Maiko, nhưng thấy rõ nhất là các Maiko thường mặc Kimono rực rỡ sắc màu, tay dài, và các kiểu tóc thì tuỳ thuộc vào mỗi giai đoạn trong nghề của Maiko, được quấn bằng tóc thật của các cô và được trang trí bằng trâm hoa, rực rỡ hơn nhiều so với Geiko.
Sau thời gian khổ luyện đòi hỏi quyết tâm, đến 20 tuổi Maiko sẽ phải quyết định con đường phía trước của mình. Tiếp tục trở thành Geiko thì các cô chưa được phép kết hôn và lại tiếp tục công việc đánh đàn, hát múa lâu nay của mình và dìu dắt lớp mới vào nghề. Trước khi chính thức trở thành Geiko vài ngày, Maiko sẽ có lễ thay đổi kiểu tóc. Trở thành Geiko, các cô sẽ không búi tóc bằng tóc thật của mình mà phải đội mái tóc giả đã được búi sẵn gọi là katsura. Phải cắt mái tóc đã để dài và gắn bó với mình nhiều năm cũng là nỗi nuối tiếc cho không ít các Maiko trong buổi đầu trưởng thành Geiko. Về trang phục và cách trang điểm thì Geiko có phần trầm hơn, không rực rỡ như Maiko. Trước khi kết thúc buổi chiêu đãi có một Maiko cao niên đánh đàn Samisen, một đặc trưng của Kyoto như đàn tính dân tộc Tày của Việt Nam để Maiko, Geiko trẻ biểu diễn 5 điệu múa cổ của Nhật Bản ngay cạnh bàn ăn lưu luyến giã bạn với lời nhắn hẹn sẽ gặp lại.
Muốn có được một bữa tiệc như vậy phải đăng ký trước ít nhất 20 ngày; giá cả cực kỳ cao mà các bạn đồng nghiệp Kyodo News không cho chúng tôi biết. Tuy giá cả đắt đỏ nhưng bình quân hàng năm, Kyoto vẫn thu hút hơn 5 triệu khách du lịch, trong đó hơn 2/3 là khách du lịch nước ngoài.
Nguồn: Tamnhin