Tết năm nay, xuất hiện hiện tượng nhiều công ty môi giới dịch vụ lưu trú đổ xô mua, trữ phòng khách sạn và ra sức làm giá…
Dù cách đây ba tháng, các công ty lữ hành đã tiến hành ký hợp đồng với các khách sạn ở các thành phố du lịch trong dịp tết, nhưng vẫn bị động
- Nhà tour bể hợp đồng
Ngày 31.12, chị Mai Chi, quản lý mua hàng ở Fiditour ký hợp đồng phòng ốc với khách sạn PX 2 sao, tại Đà Lạt cho một nhóm khách sẽ lên ở vào mùng chín tết. Chủ khách sạn đã “thổi” giá tăng 40% so với giá thường. Nhưng cách đây vài hôm, chủ khách sạn huỷ hợp đồng với một câu “mong nhà tour thông cảm”. Trong dịp tết, do nhu cầu lưu trú cao, nhiều khách sạn sẵn sàng bỏ cả những hợp đồng đặt trước nếu có khách mua phòng lưu trú với giá cao hơn. “Trong trường hợp này, nhà tour chỉ biết ấm ức tìm cách xoay xở để đảm bảo không bị “bể tour”. Được dịp này, các khách sạn khác cũng tăng giá bạt mạng”, chị Chi nói.
Được biết, tình trạng lộn xộn về hợp đồng kiểu thế này thường xuyên xảy ra ở các khách sạn Đà Lạt vào những dịp cao điểm du lịch. Vì thế giá phòng ảo sẽ được đẩy tăng lên mùa sau cao hơn mùa trước khoảng 30%.
Phan Thiết, Nha Trang cách đây nửa tháng, du khách “book” phòng đi du lịch dịp tết chỉ có thể trông chờ vào những khách sạn mini, nhà nghỉ bình dân. Hầu hết các khách sạn, resort 2 – 5 sao đã được báo kín phòng. Trong chuyến tham quan gần đây tại Mũi Né, chúng tôi được biết hầu hết các resort đã được đặt kín trong dịp từ 25 tháng chạp đến 15 tháng giêng âm lịch. Tuy nhiên, theo phản ánh của các công ty lữ hành thì việc ký hợp đồng với đối tác khách sạn ở Phan Thiết, Nha Trang hay Vũng Tàu vẫn… đáng tin cậy hơn Đà Lạt.
- Bị “chơi chèn”
Năm nay, theo thông tin từ các nhà lữ hành, xuất hiện tình trạng có nhiều công ty (có đăng ký giấy phép trách nhiệm hữu hạn kinh doanh dịch vụ du lịch) trong năm ngồi chơi, tìm mối ký hợp đồng ôm phòng các khách sạn và đợi các dịp 30.4 hay tết tung ra bán lại cho công ty lữ hành kiếm lời. Thành phần này đã góp phần đẩy giá phòng ảo cao lên. Cho nên chuyện giá phòng Đà Lạt tăng 40%, Nha Trang và Phan Thiết đều “kẹt cứng” là dễ hiểu! Được biết, đến thời điểm cận tết, có khi nhắm bán không hết phòng thì các công ty này mới đi nài nỉ nhà lữ hành để lại phòng với mức giá… giảm 5 – 10%!
“Hiện nay những công ty “ôm phòng” kiểu này cũng đã chuẩn bị cho dịp du lịch lễ 30.4 rồi. Họ luôn đi trước và làm cho thị trường rối loạn!” – chị Chi ở Fiditour cho biết.
Tết năm nay, Sài Gòn và Hà Nội không đủ phòng phục vụ cho khách Việt kiều và thương mại. Trong khi đó, từ Phú Quốc, anh Phùng Xuân Mai, giám đốc khách sạn Sài Gòn Phú Quốc cho hay công suất phòng được “book” tháng giêng tại khách sạn của anh chỉ 89% và tháng hai là 80%. Giá phòng tết năm nay cao hơn năm ngoái 10%. Anh Mai cũng ước chừng công suất phòng trên đảo Phú Quốc trong dịp tết cũng chỉ đạt 70% (trên 1.200 phòng) vì dịch vụ vận chuyển đến Phú Quốc vẫn khó khăn. Hiện nay, vé máy bay đi Phú Quốc (6 chuyến/ngày) trong dịp tết cũng đã kín chỗ. Một số công ty như Saigontourist vừa giới thiệu dạng tour Rạch Giá – Kiên Giang – Phú Quốc theo đường biển với tàu chất lượng cao để khách có thể đến Phú Quốc ăn tết.
Tết năm nay, xu hướng du khách đi du lịch nhóm, tự túc sẽ tăng nhưng cái khó nhất sẽ là dịch vụ lưu trú. Vì thế, một số tuyến điểm không dễ đi và tập trung sự quan tâm của nhà tour sẽ thu hút đối tượng khách du lịch tự do. Và với kiểu du lịch có tính “dấn thân” này, họ sẽ phải chấp nhận dịch vụ chất lượng thấp và có thể phải chấp nhận cái cảnh cùng đi du lịch nhưng “kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” trong hành trình du xuân của mình!
Theo SGTT