Tu viện Tả Phìn (bản Tà Phìn, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nay đã bị bỏ hoang, rêu phong nhưng vẫn đẹp kì bí vẫn luôn hấp dẫn khách du lịch với những đường nét mang đậm phong cách kiến trúc thời thuộc Pháp.
Đường đến bản Tả Phìn quanh co uốn lượn cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km, đoạn đường ngắn đủ để khách du lịch có thể đi bằng xe máy để thoả sức ngắm nhìn núi rừng Tây Bắc nhất là dịp xuân về. Tu viện cổ này nằm dưới chân núi, được xây năm 1942.
Đây từng là nơi tu hành của 12 nữ tu theo lối khổ hạnh thuộc dòng Nữ tu của Hội thánh Kito cải giáo sinh hoạt truyền đạo. Năm 1945, do tình hình chiến tranh, đoàn nữ tu rời về Hà Nội, tu viện vì thế mà bị bỏ hoang thành phế tích cho đến ngày nay.
Đến với Tả Phìn, cảm nhận đầu tiên đối với mỗi người chính là sự bề thế và những nét kiến trúc độc đáo mà thời gian không thể xoá nhoà được. Tuy tu viện đã hoang phế từ lâu nhưng những đường nét cổ kính, trầm mặc, rêu phong chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch dừng chân chụp ảnh, tìm hiểu nguồn gốc của kiến trúc cổ của phương Tây được xây dựng trên vùng cao này từ cuối thế kỉ 19.
Tường thành bên ngoài là lớp đá ong, đi sâu vào bên trong, du khách sẽ thấy các mảng tường, ô cửa sổ rêu phong từng lớp nhưng vẫn kiên cố và chắc chắn. Mỗi bờ tường, viên gach… đều mang đậm dấu ấn thời gian. Hầu như khách du lịch nào cũng muốn chạm tay vào gạch, vào lớp rêu phong để cảm nhận sự cổ kính của tu viện.
Đặc biệt, trong cảnh hoang tàn đó, những cây đào vẫn đâm chồi nảy lộc và nở hoa rực rỡ mỗi độ xuân về. Nhiều bạn trẻ chuẩn bị kết hôn còn hành trình lên tận đây để chụp ảnh cưới nhằm ghi lại một khoảnh khắc đẹp đáng nhớ. Vì thế, đây chính là một trong những điểm tham quan thú vị của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Sa Pa.
Hàng năm, vào những ngày đầu xuân, Tả Phìn nô nức trẩy hội dưới chân núi, nơi đây thường diễn ra các nghi thức tưởng nhớ người xưa, nghi lễ ăn thề cố kết cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc. Người Dao Đỏ Tả Phìn đón Tết Nguyên đán với nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như lễ Tết nhảy, lễ hát giao duyên…
Hoà trong không khí lễ hội, khi những rừng hoa đào, hoa mận khoe sắc khắp bản làng thì tu viện như được tôn thêm sự thâm trầm, cổ kính, tạo thành một bức tranh xuân độc đáo nơi núi rừng Tây Bắc.
Nguồn: Đất Việt