Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc củaViệt Nam
Phân chia hành chính: bao gồm 1 thành phố trực thuộc và 8 huyện.
Diện tích địa lý: 6.383,9 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 637.500 người
Mật độ: 100 người/km²
Núi Hàm Rồng
Theo tương truyền, thủa hồng hoang, có đôi rồng đang mải mê quấn quýt bên nhau trong khi cơn hồng thuỷ đang ào ạt dâng sóng mà vẫn không hay. Đến khi choàng tỉnh, hốt hoảng rời nhau, rồi quẫy mình lên, nhưng không kịp. Tức thì mỗi con rời ra một nơi. Đến bây giờ rồng nàng tuy hoá đá, nhưng bản năng sinh tồn còn mãnh liệt vẫn cố ngước nhìn theo rồng chàng bên phía Hoàng Liên phía tây.
Núi Hàm Rồng được giao cho công ty xổ số tôn tạo và quản lý. Du khách hãy chống tay lên đầu gối hoặc chống cây gậy trúc leo từng bậc, chỉ một lát thôi là tới vườn lan trăm hình vạn sắc. Liên tiếp, trước mắt là một bình nguyên thu nhỏ rực màu hoa đào, hoa cỏ giữa tiết xuân. Đi nữa là rừng đá với cảm giác như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh, mà người xưa đã khéo tưởng tượng đó là những móng vuốt, lông vây của rồng. Trong cái hốc nơi vách đá kia như đang ẩn náu điều gì bí ẩn, bất chợt hiện ra qua ý tưởng của mỗi người. Lần theo vách đá là đường lên cổng trời một và hai, bạn sẽ đứng trên mỏm đá ngất ngây trong cảm giác bay lượn mà thoả mắt nhìn xuống toàn cảnh thành phố trong sương. Nơi đây trời đất gặp gỡ, kia là chàng mây không giấu giấc mộng với nàng đá, dưới ánh sáng mờ ảo lung linh. Tới đây không những được tận hưởng cảnh sắc của đất trời, mà còn thưởng thức không khí trong lành của khí trời Sa Pa. Thế là bao ưu tư, phiền muộn trong lòng bỗng tan biến. Ngước lên, sẽ thấy nàng rồng như còn hối tiếc điều gì chưa hoàn tất của một thời sung sức. Du khách muốn thoả trí tò mò xin hãy leo lên mà thì thầm to nhỏ với con rồng đá.
Ai đến Sa Pa, không thể không leo núi Hàm Rồng mà trò chuyện với đá, với cỏ cây, gió hoang và mây trời để tăng thêm nghị lực cho ngày mai lại tiếp tục những cuộc hành trình mới đầy thú vị.
Núi Cô Tiên
Bắc Hà là một huyện vùng cao của Lào Cai, nằm trong vùng cao nguyên đá vôi của vòm sông Chảy. Theo vòng cung điệp trùng từ phía bắc huyện Si Ma Cai về gần tới gần thị trấn Bắc Hà ở độ cao trên 1000m, du khách gặp núi Cô Tiên đứng đơn lẻ ngất trời.
Đến với núi Cô Tiên – đến với địa thế có tầm nhìn. Trên vách đá phẳng rộng như được bàn tay nghệ nhân đẽo gọt tạo am nhỏ, đặt tượng bà Quan Âm mặt quay về phương Nam, khách du lịch không những được thưởng thức những nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của người vùng cao, mà còn được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, và núi Cô Tiên sừng sững ngay trước mặt du khách. Bao quanh thị trấn như tràn ngập trong biển mây khi mùa hoa mận nhỏ, phiên chợ náo nhiệt với đầy đủ với sắc màu váy áo, dinh thự Hoàng A Tưởng trầm tĩnh uy nghi và những ngôi nhà tân thời, những thảm lúa, nương ngô, cánh rừng xanh ngắt, con đường ngoằn nghèo uốn quanh các quả núi… chứng minh cho sự thịnh vượng của một vùng đất.
Chợ Sa Pa
Chợ Sa Pa là một hoạt động kinh tế văn hóa rất độc đáo, đây là nơi trao đổi mua bán nhiều loại hàng hóa, sản phẩm địa phương, đồng thời là dịp cho bà con vùng cao đi chợ phiên và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi…
Khi chiều xuống, trong khu vực chợ đã thấy chỗ này, chỗ kia túm tụm dăm bảy trai gái người H’Mông, người Dao đầu mày, cuối mắt nhìn nhau. Rồi khi màn đêm buông xuống, tù mù dưới bóng điện vàng nhạt, họ ngồi bên nhau ca hát, trò chuyện thâu đêm. Khi đã tìm được bạn tâm tình, họ trao kỷ vật cho nhau để rồi hẹn chợ sau gặp lại. Hoạt động văn hóa này đã có từ ngàn xưa và nay vẫn còn gìn giữ được. Chợ Sa Pa là nơi hấp dẫn khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc.
Chợ phiên Bắc Hà
Trên dường đi, du khách sẽ gặp núi cao, vực sâu và những thửa ruộng bậc thang. Khách du lịch nhiều khi phải dừng xe để thu vội những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ đó vào ống kính và sẽ gặp từng nhóm người dân tộc cười nói ríu rít dắt ngựa thồ hàng mang đến chợ bán. Để kịp phiên chợ, họ phải đi từ rất sớm thậm chí có những người đi từ ngày hôm trước đến trưa hôm sau mới đến được chợ.
Trước đây, chợ Bắc Hà họp trên một quả đồi thoai thoải, sau này chợ được xây mới trên nền bê tông và được chia ra từng khu vực bán hàng nên đã phần nào mất đi vẻ đẹp nguyên sơ. Chợ Bắc Hà là nơi bày bán đủ mọi sản vật của vùng cao, những vật dụng cần thiết cho người dân tộc: cày, cuốc, xẻng, dao các loại rau, hoa quả, mật ong.
Nhưng thu hút phụ nữ dân tộc và khách du lịch nhiều nhất chính là khu bán các đồ trang sức, váy, áo, vải thổ cẩm và cả những chiếc gùi bằng mây duyên dáng. Tại đây, bạn có thể tùy ý lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm, hoa mắt với những sắc màu rực rỡ của váy áo các thiếu nữ dân tộc Mông, Dao đỏ. Khách du lịch nước ngoài thường trầm trồ trước những bức tranh được dệt thủ công với những họa tiết sinh động, màu sắc hài hòa và đẹp mắt.
Đối với đàn ông vùng cao thì chợ cũng là nơi để một tuần họ có thể gặp gỡ cùng uống rượu bên chảo thắng cố. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Rượu đặc sản của người Mông bản Phố, được nhiều người biết đến bởi độ nặng và vị gắt rất đặc trưng. Khu bán ngựa là nơi thu hút nhiều đàn ông nhất, họ đến từ các bản làng xa xôi, thậm chí cả những người từ các tỉnh Bắc Giang, Hà Tây… cũng lên đây để buôn ngựa về xuôi.
Trong tiếng ồn ào mua bán, nghe đâu đó tiếng khèn và tiếng hát lúc trầm lúc bổng của các chàng trai trẻ như mời gọi các cô gái. Khách du lịch đến Bắc Hà, nhất là khách nước ngoài, rất thích thú với những khám phá mới về cuộc sống, phong tục của người dân nơi đây.
Trong xu hướng bị thương mại hóa các chợ vùng cao hiện nay thì Bắc Hà là một trong những nơi hiếm hoi còn giữ được bản sắc dân tộc, nét riêng độc đáo của các phiên chợ xưa. Đến Bắc Hà, bạn sẽ không gặp cảnh mời chào chèo kéo mua hàng, mà chỉ thấy những gương mặt thuần phác trong bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, họ đến chợ ngoài mục đích mua bán còn là để vui với chợ, vui với khách đi chợ. Chiều đến, chợ bắt đầu vãn khách; người đàn ông say rượu ngồi ngất ngưỡng trên lưng ngựa, người phụ nữ dắt ngựa về bản là một hình ảnh đọng lại trong tâm trí khách du lịch.
Làng thổ cẩm Tả Phìn
Những năm gần đây, khi du lịch Sa Pa phát triển đã làm xuất hiện một thị trường mua bán các đồ thổ cẩm với nhu cầu mua sắm của khách du lịch ngày càng tăng cao. Nắm bắt được tình hình đó, được sự giúp đỡ của huyện, làng thổ cẩm Tả Phìn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1998 cho đến nay.
Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm… với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch đến với Sa Pa. Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được “xuất khẩu tại chỗ” bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở chợ văn hoá dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm của thị trấn Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tả Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm thổ cẩm ở các hội chợ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức, cá nhân từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đă đặt hàng làng thổ cẩm Tả Phìn để bán lại cho khách. Thổ cẩm Tả Phìn còn được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch…
Thổ cẩm là một món quà không thể thiếu được cho du khách mỗi lần đặt chân tới Sa Pa. Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ để dùng trang trí, tô điểm thêm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu hay trong ngày cưới của các đôi trai gái. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc làm cho thổ cẩm Sa Pa không thể hoà lẫn được với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào.
Động Cốc San
Nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 7km, Cốc San đã từ lâu được biết đến như một điểm du lịch lý tưởng của người dân thị xã. Từ quốc lộ 4D, một con đường đất nhỏ có chiều dài khoảng hơn 1km dẫn vào Cốc San. Hai bên đường là những cánh đồng nhỏ và làng xóm của dân địa phương. Khi còn cách Cốc San khoảng 300 – 400m, bạn đã có thể nghe được tiếng suối chảy rầm rì.
Cốc San nằm giữa hai đồi thấp. Khe đồi tạo thành một con suối có độ dốc trung bình, ở đó có những thác nước xếp từ thấp lên cao tựa như những bậc thang. Các hang động ở Cốc San được phân bổ ở rất nhiều nơi, và có một điều rất đặc biệt là hầu như ở mỗi gầm một con thác, sau làn nước cong đổ từ trên cao xuống lại có một hang động. Phong cảnh Cốc San hài hoà và khoáng đạt. Mọi người mỗi khi đến đây đều cảm nhận được sự huyền bí diệu kỳ toát lên từ những ngọn thác, những mô đá và những hang động. Cứ độ vài chục mét lại có thác đổ, khoảng cách giữa các thác là những đoạn suối bằng lặng trong xanh chảy giữa hai bờ cát.
Cốc San có những bãi đá gồm nhiều phiến đá nhỏ to khác nhau, nhấp nhô trùng điệp. Ðặc biệt có nhiều phiến mặt rất bằng phẳng và rộng lớn có thể ngồi được vài chục người. Khí hậu ở Cốc San rất trong lành và mát mẻ khiến ta có cảm giác thật dễ chịu. Vào những ngày hè hoặc những ngày nghỉ lễ, rất nhiều người đến với Cốc San. Ða số họ là thanh niên, học sinh… Khi đến Cốc San ngoài việc thăm thú các phong cảnh, chụp ảnh… họ còn được tắm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh.
Chợ Mường Hum
Chợ Mường Hum nằm dưới thung lũng nhỏ, kề bên là suối nước trong vắt, xung quanh là những dãy núi cao ngất trùng mây. Cái chợ phiên cuối tuần ven suối Mường Hum này là nơi gặp gỡ, giao lưu, mua bán và vui chơi của bà con các dân tộc Hà Nhì, H’Mông, Hoa, Giáy, Dao Ðỏ, Dao Tuyển, Hán…
Ngày thường, ai đến đây cũng thích ngắm cảnh Mường Hum sơn thuỷ hữu tình, còn vào ngày chợ phiên cảnh bắt mắt du khách nhất là đoạn suối ven chợ. Bên bờ suối, bầy ngựa đợi chủ vào chợ tập trung bên suối với đủ sắc lông, thỉnh thoảng chúng cất tiếng hí vang khiến bức tranh sơn cước càng thêm sinh động, rất hiếm thấy ở nơi khác. Những chiếc cầu treo hay cầu đá bắc qua suối lúc nào cũng có người dắt ngựa qua lại…
Bên trong chợ ồn ào, tấp nập và khách không khỏi trầm trồ trước những bộ y phục “loá mắt” của các cô thiếu nữ dân tộc. Những cô gái, chàng trai ở bản làng đi chợ đâu chỉ để mua bán mà còn đi để tìm hiểu, để vui chơi, tìm bạn tình, vì thế ai cũng làm đẹp chẳng kém gì đi dự ngày hội. Các thiếu nữ H’Mông váy hoa gợi cảm, lại đội thêm mái tóc giả bằng len sợi nhuộm màu rực rỡ trông giống như một bông hoa biết đi, lung linh khoe sắc. Ðẹp không kém là bộ trang phục Dao đỏ: các thiếu nữ mặc áo quần màu chàm đen điểm xuyết hoa văn trên ngực tựa như những cánh bướm và đội chiếc khăn đỏ rực được kết thêm rất nhiều món trang sức bằng bạc, lúc nào cũng lấp lánh. Cả các em bé dân tộc Dao, dù còn được địu trên lưng mẹ nhưng cũng được mẹ chăm chút áo quần, khăn mũ và các em được mọi người thích ngắm nhất…
Thành cổ Trung Đô
Dòng sông Chảy tại đây thắt lại thành dòng sâu, hai bên là cánh rừng nguyên sinh. Những dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống như dải lụa, mờ ảo. Đây chính là suối Tiên. Qua suối Tiên 200m, du khách sẽ bắt gặp một hang đá có sức chứa cả trăm người, tạo thành một mê cung kỳ vĩ. Sau khi du ngoạn, du khách sẽ được tắm mình trong ánh nắng của đảo Hoa, một hòn đảo nhỏ đầy hoa thơm cỏ lạ.
Làng Cát Cát ở Sa Pa
Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú… Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.
Ở làng Cát Cát, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng đã có từ lâu đời và tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Quy trình chế tác bạc gồm nhiều công đoạn. Trước hết, họ cho bạc vào nồi trên bễ lò đun đến khi nóng chảy thì rót vào máng. Chờ khi bạc nguội lấy ra dùng búa đập, rèn sao cho thanh bạc có kích cỡ to, nhỏ, dài, ngắn, vuông, tam giác, tròn, dẹt hay kéo thành sợi. Tiếp đó, họ giũa cho thật nhẵn và nếu cần trang trí thì dùng đinh để chạm khắc, tạo hoa văn nổi hoặc chìm rồi mới uốn hình sản phẩm. Cuối cùng là bước đánh nhẵn, làm trắng và bóng. Sản phẩm chạm bạc ở Cát Cát rất phong phú, tinh xảo nhất là đồ trang sức của phụ nữ như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn…
Một điều hấp dẫn du khách khi đến Cát Cát là người Mông ở đây còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán độc đáo, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu cô từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.
Kiến trúc nhà cửa người Mông làng Cát Cát còn nhiều nét cổ: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà có vì kèo ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.
Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu nướng…
Đá vợ đá chồng
Phía đầu bãi đá khắc cổ cạnh con đường trục chính liên xã (cũ) có một tảng đá nằm dưới vùng sình lầy. Hòn đá có hình người nằm phủ phục, đầu quay xuống phía hạ huyện. Ở cuối bãi đá đó, cách chừng 2km, có tảng đá lớn cũng hình người nằm phủ phục, đầu quay lên, hai tảng đá có hình dáng giống nhau.
Đồng bào H’Mông ở quanh vùng Hầu Thào – Tả Van có kể lại: Từ lâu lắm rồi, ở mãi phương Bắc xa xôi đã xảy ra một cuộc chiến thảm khốc giữa hai bộ tộc. Kẻ chiến thắng là một tộc trưởng tàn ác, hắn còn có một tên phù thủy gian manh làm quân sư. Tên quân sư gian manh rắp tâm chiếm đoạt người con gái độc nhất của tộc trưởng.
Nàng tiểu thư xinh đẹp – con gái tộc trưởng lại đem lòng yêu chàng trai con tộc trưởng chiến bại trong cuộc chiến tranh vừa qua. Những ngày hai bộ tộc còn chung sống hòa bình thì tình yêu của đôi trai gái đẹp biết bao. Nghe lời xúc xiểm của tên quân sư, chiến tranh giữa hai bộ tộc đã xảy ra. Dù vậy, đôi trai gái vẫn quyết tâm bảo vệ hạnh phúc và họ đã cùng nhau trốn chạy về hướng nam mong rằng sẽ tìm được hạnh phúc ở nơi xa lạ.
Được tin, tộc trưởng huy động quân lính đuổi theo. Tên phù thủy quân sư uất ức nguyện rằng: “Nếu hai đứa trẻ đến suối Kim Hoa mà thoát vào đêm thứ mười thì hắn sẽ chọn thất bại. Nếu ngày mười một mà chưa qua suối Kim Hoa thì đôi trẻ sẽ hóa đá”.
Đêm thứ mười đôi trai gái đến thượng nguồn suối Kim Hoa (nay là đất Tả Van – Hầu Thào) thì cô gái không may sa xuống bãi sình lầy còn chàng trai đã vượt qua bãi sình lầy, không thấy cô gái, chàng trai liền quay lại để tìm, chạy được một quãng, mệt quá, chàng gục xuống. Trời sáng, chàng hóa đá đầu vẫn quay về phương Bắc – nơi người vợ còn ở đó. Còn cô gái cũng đã hóa đá đầu quay về hướng nam như cố chạy theo chồng. Vì thế, tảng đá chồng lớn hơn tảng đá vợ và chúng có hình dạng giống nhau.
Người già trong vùng nói rằng hai tảng đá hình như vẫn lần tìm đến nhau. Ở phía phải và trái của hai tảng đá vẫn tồn tại hai cánh rừng nhỏ, cả hai cánh rừng đều có những cây cổ thụ và có hai miếu thờ, một của đồng bào Giáy, một của đồng bào H’Mông thờ mối tình chung thủy của chàng trai, cô gái.
Nước khoáng Tắc Kô
Dân vùng cao vốn quen uống nước suối, nước mạch, vì đó là nguồn sữa của đất.
Đương buổi cày nương giữa nắng trưa, hay đương cuộc hành trình đường xa, gặp một con suối reo vui giữa rừng, gặp một mạch nước nhỏ từng giọt tí tách, ta ngắt một tàu lá, khum lại, hứng lấy nước mà uống, nước mát lạnh chạm vào cơ thể, làm cho cơn khát dịu lại, tinh thần sảng khoái hẳn lên.
Đi suốt ngày
Trời nắng chang chang
Bỗng tìm thấy mạch nước nguồn ngầm trong vắt
Vục đầu xuống
Lại xốc ba lô bước tiếp đường dài
Mỗi một con suối, mỗi một mạch nước có vị ngọt riêng. Cũng như mỗi người, mỗi vùng có nết tính, sắc thái khác nhau. Bởi thế mà rượu – sự thăng hoa của ngũ cốc và nước ở mỗi vùng, mỗi lòng mạch có hương vị và độ mặn nồng, đắng cay riêng. Ở Tắc Kô có một mạch nước như thế!. Theo con đường ngoằn ngoèo từ thị xã Lào Cai vào thị trấn nghỉ mát Sa Pa, qua khỏi địa phận Mường Tiên, theo tiếng địa phương, vùng đất dễ gây ấn tượng bởi con suối trong vắt, ngay cạnh bờ suối có một gốc cây đa bây giờ đang có nguy cơ lụi tàn mà khách bộ hành thường thắp hương cầu may, có một mạch nhỏ khiêm nhường chảy rỉ rả không làm cho ai để ý. Bên cạnh đó, là một ngôi nhà, mái ngói phủ đầy rêu phong. Mạch nước ấy khiêm nhường như thế, nhưng nghe nói không biết có đúng, nó đang chiếm lĩnh một vị trí trong viện bảo tàng ở nước Pháp? Vì chính mạch nước ấy đã từng là nguyên liệu dồi dào của hãng nước khoáng Đông Dương xưa kia!.
Hang động Tả Phìn
Bản Tả Phìn cách thị trấn Sa Pa 12km, chếch về phía bắc, nơi có hai dân tộc Dao và H’Mông cư trú.
Cách trụ sở UBND xã Tả Phìn gần 1km về phía bắc có dãy núi đá vôi, là một nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn. Trong dãy núi này có một quả núi nhỏ, dưới chân núi nứt ra một cửa hang, chiều cao khoảng 5m, rộng khoảng 3m, mở ra một lối đi xuyên xuống đất. Đi khoảng hơn 30m trong tối tăm, gập ghềnh sẽ gặp một hang động. Từ đây động chia đi rất nhiều ngả chúc xuống lòng đất chỉ vừa một người chui lọt, nhiều đoạn cheo leo phải bám vào những tai đá, đu người mà lên xuống. Đi theo những vách nhỏ này càng tỏa ra nhiều lối, thậm chí có những ngách đi vòng vèo, rích rắc và cuối cùng vẫn trở về vị trí ban đầu.
Đi theo đường của vách lớn, ta có thể cảm giác như xuyên lên vách núi, đường đi ngoằn ngoèo, khi lên lúc xuống, chỗ phình to chỗ giống người thiếu phụ đang bồng con, chỗ giống các nàng tiên đang tắm, chỗ giống mâm xôi khổng lồ với những mảng nham thạch xù xì phớt trắng, hệt những mảng san hô bám viền xung quanh, có chỗ giống như những dãy cột nhà trắng mịn buông từ trên nóc xuống…Đặc biệt chỗ rộng nhất lòng động trên vòm cao khoảng 8m, các nhũ đá rủ xuống, đan thành dãy “đăng ten” uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích, những giọt nước từ đỉnh núi thấm dần rồi đọng lại nơi chóp của nhũ đá thánh thót nhỏ giọt, như điểm từng nhịp trong không gian hư ảo.
Vào sâu ta gặp một tảng đá lớn nằm hơi nghiêng, trên nền đá in hình những vết chân gà, ngay chóp đá bên phải còn hằn lên những vệt lõm hệt như móng chân ngựa. Một vách đá đối diện, những dòng chữ Pháp được khắc bằng vật cứng, cho đến ngày nay mặc dù bụi thời gian phủ lên ta vẫn còn đọc được.
Hang động Tả Phìn có rất nhiều bí ẩn với chúng ta, cần được bảo vệ và giữ gìn.
Bãi đá cổ Sa Pa
Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá có kích thước, hình khắc khác nhau như: tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, hình người đang toả hào quang, hình người cách điệu và một số mô tuýp khác về hình người, hình kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa… Đặc biệt, có các tảng đá được khắc trên đó những khối chữ vuông giống với chữ Nôm Dao.
Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa… Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết. Bãi đá cổ Sa Pa vẫn nằm đó ẩn dấu những bí ẩn của người cổ xưa, thách thức các nhà khoa học. Từ tháng 10/1994, Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện nay, di tích này đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Thành cổ Nghị Lang
Hiện nay thành còn nhiều dấu tích. Phía đông là sông Chảy – một chiến hào tự nhiên nước chảy xiết cuồn cuộn, từ ngòi Lự đến ngòi Ràng là những đoạn luỹ cổ, tre ken dày và bên kia sông Chảy là bãi soi Bầu (từ cổ nghĩa là bề trên, chỉ anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ). Tương truyền đó là bến thuyền, là căn cú quân sự của các chúa Bầu, ở đó có đồi khao quân. Phía bắc thành một bên dựa vào núi cao hiểm trở, chân núi là ngòi Ràng – một con suối rộng từ 6 – 8m làm chiến hào chở che. Ngang bờ chiến hào, các chúa Bầu còn cho trồng luỹ tre theo hình tam giác ken chặt bờ thành. Phía nam và tây thành đều dựa vào các dẫy núi cao. Trong thành có lầu chỉ huy, có xưởng rèn vũ khí, sản xuất gạch ngói, có trại lính và hệ thống chợ búa trường học.
Đặc biệt, thành còn có ngôi chùa Phúc Khánh quy mô lớn nhất vùng. Chùa nằm trên một ngọn đồi. Hiện nay nền ngôi chùa vơí nhiều tảng đá kê cột chùa vẫn còn. Ở đây còn lưu giữ một bia đá lớn hình chữ nhật khổ 33x55mm có con rùa đội bia, trên bia nổi bật hàng chữ “Phúc Khánh Tự”.
Phía tây bắc thành có hệ thống hồ sen du ngoạn của chúa Bầu với phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” khá đẹp. Cạnh hồ là quần thể các lò gốm, lò gạch cổ. Suốt trên vạt đồi rộng hàng ngàn m² còn ngổn ngang các hiện vật gốm cổ, nhiều nhất là ngói cổ thời Lê Trung Hưng. Ở hàng Căm Véo – một điểm chốt tiền tiêu phía tây thành tìm thấy một khẩu súng lệnh bằng đồng dài 40cm , đường kính dài 12cm, trên thân khẩu súng còn khắc hai hàng chữ “Nghị Lang thủ ngự”. Đây là khẩu súng lệnh mang số hiệu 29 của vị thủ lĩnh đơn vị bảo vệ thành Nghị Lang.
Sách “Đại nam nhất thống chí” mục cổ tích còn ghi: “ Chúa Bầu cây cối xanh tốt, những đêm thanh vắng, người địa phương thường nghe tiếng trống chiêng và ngọn lửa lúc sáng lúc tối”.
Lịch sử đã sang trang, nhưng dấu tích oanh liệt hùng cứ một phương chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương của các chúa Bầu vẫn luôn in đậm trong truyền thống người dân.
Thắng cảnh Hang Tiên
Ngược dòng sông Chảy khoảng 6km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Hai bên là cánh rừng nguyên sinh, phủ lên cảnh quan một miền khí hậu trong lành mát mẻ.
Những dòng suối nhỏ từ trên cao đổ xuống như dải lụa, mờ ảo, lất phất như mưa bay. Dòng nước như người thợ điêu khắc lành nghề đục vào vách đá tạo nên những đài sen nổi, những nhũ đá muôn hình vạn dạng. Kia là chú voi đang cúi đầu uống nước, đây là con đại bàng cất cánh bay lên… và hội tụ lại thành bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây chính là suối Tiên.
Qua suối Tiên 200m là gặp hang lớn có sức chứa cả trăm người, cảm giác như một mê cung kỳ vĩ do thiên nhiên ban tặng, đã xếp thành tầng, thành lớp, tạo những rào luỹ tự nhiên. Ngược lên khoảng 500m là dòng nước nhỏ tí tách tạo thành nhũ đá như những tháp cổ to nhỏ với ánh sáng hiếm hoi hắt vào lấp lánh như ánh lân tinh. Nhiều khi phải đeo mình vào bờ đá, bám vào các rễ cây mới tới đường lên trời, du khách thấy mình thực sự được trải qua cuộc thăm viếng động Tiên. Sau thời gian du ngoạn, ta được tắm mình trong ánh nắng nơi đảo hoa, một hòn đảo nhỏ đầy hoa thơm cỏ lạ, sóng nước vỗ về dập dình bên bờ đá. Hang Tiên gắn liền với huyền thoại ba nàng tiên; truyền khẩu rằng, xưa kia có ba nàng tiên được vua cha cho đi thăm thú cõi trần gian, thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, các nàng không muốn trở về. Đã hết hạn, không thấy con về, Ngọc Hoàng nổi giận sai Thiên Lôi xuống trị tội. Ba nàng chốn trong hang cao hơn mặt nước khoảng 200m ngự trên vách thành. Do không chấp hành chiếu chỉ, Thiên Lôi nổi giận giẫm sạt một góc núi nơi ba nàng tiên trú ngụ. Biết không thoát khỏi trừng phạt, ba nàng đã gieo mình tự vẫn. Xác ngược dòng nước trôi xuống hạ lưu nơi trung tâm xã Bảo Nhai hiện nay, được dân làng vớt lên làm miếu thờ mang tên miếu Ba Cô, tục truyền rất thiêng. Nhiều du khách viếng thăm, vãn cảnh tắm suối Tiên đắm mình trong ánh ban mai bên đảo hoa và đều cầu mong các nàng ban phúc cho sắc đẹp, sức dai và phú quý.
Núi Phan Si Păng
Với chiều dài 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Phan Si Păng…
Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít)…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao khoảng 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Pơmu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai. Bên cạnh pơmu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn…Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập tràn trong muôn sắc các loài hoa: lay ơn, thược dược, bgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Si Păng có tới 330 loài.
Lên cao 2.400m, gió mây quyện hoà với cây rừng, có lúc xòe tay ta tưởng đã nắm được mây. Từ độ cao 2.800m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng, trong xanh. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25-30cm, cả thân cây trơ trụi, phần ngọn có một chút lá phất phơ, nên loài trúc này gọi là trúc phất trần. Xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ hoàng liên…Đất xương xẩu trơ cả gốc, gió thổi không ngớt, khí hậu lạnh giá…
Trên điểm cao 2.963m có cột mốc đánh dấu năm 1905 người Pháp đã tới chinh phục đỉnh cao. Lên cao nữa là một khối đá khổng lồ, được kê lên bởi những hòn đá nhỏ tựa chiếc bàn. Đỉnh Phan Si Păng đấy! Tiếng địa phương gọi “Hua-si-pan”, nghĩa là phiến đá lớn khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phan Si Păng cao ngất giữa trời mây được kết cấu bởi những phiến đá như vậy.
Phan Si Păng được ví là nóc nhà Việt Nam và của Đông Dương sừng sững đang chinh phục lòng ham mê leo núi của các du khách ưa mạo hiểm.
Dinh Hoàng A Tưởng
Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, chủ nhân là Hoàng Yến Chao dân tộc Tày, bố đẻ của Hoàng A Tưởng. Trải qua hơn 80 năm tồn tại cùng thời gian, phủ bao lớp rêu phong cổ kính vẫn đứng uy nghi nổi trội giữa một nơi dân cư đông đúc, phố xá tấp nập.
Trước năm 1945, Bắc Hà là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, có giai cấp thống trị và bị trị, người bóc lột và kẻ bị bóc lột, trong đó tầng lớp bóc lột là các thổ ti mà điển hình là cha con Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng.
Trong suốt thời gian trị vì, được thực dân Pháp ủng hộ, cha con Hoàng Yến Chao – Hoàng A Tưởng đã ra sức bóc lột nhân dân, chiếm giữ các vùng đất màu mỡ, bắt dân bản phục dịch hầu hạ nộp các hiện vật có giá trị, đồng thời độc quyền bán muối, hàng tiêu dùng, khai thác lâm thổ sản, thuốc phiện và lương thực, thực phẩm cho các đồn binh Pháp và bọn tay sai. Dựa vào tiềm lực kinh tế, thổ ti Hoàng Yến Chao cho xây dựng một dinh thự bề thế và mời thầy địa lý chọn đất, hướng nhà với hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc thiết kế và trực tiếp thi công.
Địa điểm được chọn theo thuyết phong thuỷ trên một quả đồi rộng hướng đông nam, đằng sau và hai bên phải trái có núi, phía trước có suối và núi “mẹ bồng con”. Địa hình tổng thể có thế “sơn thuỷ hữu tình” đẹp, hợp với cảnh quan khí hậu Châu Á nhiệt đới.
Ở giữa sâu vào trong là nhà chính. Hai bên tả, hữu là nhà phụ, trước là bức bình phong, giữa là sân trời. Vào dinh phải bước lên mấy bậc cầu thang từ hai bên lại, rồi tới phòng chờ, sau đó mới bước vào khoảng sân rộng để hành lễ và múa xòe. Nhà chính hai tầng có diện tích 420m². Các cửa nhà hình vòm. Tuy các cửa cao thấp không đều, nhưng cân đối, hành lang có lan can. Trước các cửa đều đắp pháo nổi. Cả hai tầng nhà chính đều có ba gian. Bốn gian hai bên phải trái của cả hai tầng là nơi sinh hoạt gia đình. Gian giữa cả hai tầng dùng làm nơi hội họp. Mặt chính trang trí bằng nhiều hoạ tiết công phu. Hai bên phải và trái có đắp nổi hai câu đối với nội dung chúc gia đình dòng họ hiển vinh…
Hai bên tả hữu là hai dãy nhà ngang có bố cục và kiến trúc giống nhau. Mỗi dãy đều hai tầng nhưng thấp hơn nhà chính, mỗi tầng cũng có ba gian với tổng diện tích 300m² mỗi gian đều có chức năng sử dụng riêng. Tiếp giáp với hai dãy nhà còn có hai nhà phụ cũng gồm hai tầng nhưng kiến trúc đơn giản và dùng làm nhà kho, cho lính và phu ở, tổng diện tích mỗi nhà 160m².
Vật liệu xây dựng gạch ngói sản xuất tại chỗ bằng cách mời chuyên gia Trung Quốc; sắt, thép và xi măng được mua từ dưới xuôi chở bằng máy bay.
Xung quanh có tường xây bao gồm ba cồng (một chính, hai phụ) trổ nhiều lỗ châu mai và có lính gác với số lượng hai trung đội. Tổng diện tích toàn khu nhà lên tới 4.000m². Khu biệt thự này đang được gìn giữ, bảo quản và tôn tạo để khách tham quan có thể tìm hiểu về lịch sử xã hội vùng dân tộc miền núi một thời đã qua.
Sưu tầm Internet.