Cách thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chừng 13 hải lý về phía đông nam, Cù lao Xanh là một trong bốn xã đảo còn được gọi là đảo Vân Phi, là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu.Địa điểm du lịch sinh thái mới .
Đảo có diện tích 365ha, gồm thôn Tây, thôn Trung, thôn Đông. Đảo cách Sông Cầu – Phú Yên 6km, xưa kia là đất của tỉnh Phú Yên, sau năm 1975, được sáp nhập về Quy Nhơn.
Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có Cù lao Xanh
Nhìn từ ngọn hải đăng
Trong các cụm đảo ở khu vực Quy Nhơn thì Cù lao Xanh là nơi có dân cư sinh sống với khoảng 3.000 người. Nhận thấy vị trí chiến lược của đảo, năm 1889,người Pháp đã xây dựng ở đây một ngọn hải đăng sớm nhất và hiện đại nhất Đông Dương.
Hải đăng cao 119m so với mực nước biển. Chỉ riêng phần tháp đã cao đến 19m. Trên đó bố trí một đèn chiếu sáng có khả năng phát xa đến 20 hải lý. Kể từ khi được người Pháp xây dựng, ngọn hải đăng Cù lao Xanh vẫn là người bạn thủy chung hắt tỏa ánh sáng chỉ đường dẫn lối cho những con tàu.
Với hơn nửa giờ đi bộ men theo ngọn núi ở phía đông của đảo, bạn sẽ chinh phục được ngọn hải đăng hùng vĩ này. Từ trên đỉnh hải đăng phóng tầm mắt bao quát cả bầu trời và biển đảo, bạn sẽ thấy đất nước mình vô cùng tươi đẹp và bạn cũng thêm yêu Tổ quốc mình.
Từ trên hải đăng nhìn xuống, bạn sẽ thấy Cù lao Xanh như một bàn cờ. Gần 500 nóc nhà như những ô trên cái bàn cờ ấy. Ven bờ bắc khoảng 170 chiếc thuyền đánh cá ven bờ của dân đảo neo đậu chờ ngày mai ra khơi. Cuộc sống thật yên bình với người dân xã đảo. Cạnh ngọn hải đăng này là tòa nhà làm việc được xây dựng cách đây hàng trăm năm theo lối kiến trúc của Pháp.
Tòa nhà được sơn màu vàng dịu mát mang vẻ đẹp bình dị mà rất hài hòa với cảnh quan chung. Trên nóc nhà là hệ thống pin năng lượng mặt trời. Kế bên là trạm phát sóng của Viettel. Bên dưới là doanh trại quân đội. Cuộc sống của những người lính, những người làm việc ở ngọn hải đăng, những giáo viên xa nhà đã thiếu thốn vật chất lại còn thiếu tình cảm gia đình. Có lẽ như vậy mà người dân Bình Định đã đồng cảm với họ bằng những câu ca dao
Cù lao Xanh thương anh ở đảo
Sông Hà Giao dạo khúc tâm tình
Mong sao hai đứa tụi mình
Như mây với nắng bóng hình có nhau.
Cù lao Xanh – sắc xanh quyến rũ
Đến nay trên đảo đã có hơn 100ha rừng phòng hộ được phủ xanh. Người ta gọi là Cù lao Xanh có lẽ cũng vì màu xanh của những rừng cây trên đảo. Trên nền trời nước bao la với những con sóng bạc đầu, Cù lao Xanh cứ lặng lẽ vươn mình khẳng định sức sống bất diệt của con người và cây cỏ.
Cuộc sống của người dân trên đảo phần lớn là tự cung tự cấp. Cho nên, nếu đến đây bạn sẽ cảm nhận như đang đi trong một thế giới thuần khiết tự nhiên. Những gì bụi bặm ồn ào của đời sống công nghiệp gần như vắng bóng trên đảo. Dân đảo rất thân thiện. Bạn có thể vào nhà họ nghỉ ngơi, mượn đồ đạc sinh hoạt nấu ăn. Họ đón bạn như đón những đứa con xa lâu ngày mới trở về nhà.
Trước khi bắt đầu cuộc hành trình này, bạn hãy nhớ mang theo một chiếc cần câu. Thế là chiều về bạn sẽ có được cái thú làm ngư ông câu cá như Lã Vọng thuở xưa. Cá ở đây thật nhiều loại, nào cá chim, cá kình, cá mó, cá phèn, cá lao… Hoàng hôn đến, bạn hãy nhóm lửa lên bằng những nhánh củi khô ở trên bãi biển để nướng cá. Ngồi bên bạn bè mà thưởng thức những con cá do chính mình câu được thì không gì thú vị bằng. Hương vị thơm ngon của cá tự nhiên chắc chắn sẽ làm bạn nhớ mãi.
Đến Cù lao Xanh mà bạn không đi tắm thì thật là tiếc. Bạn hãy thả đôi chân trần trên cát mịn mà cảm nhận từng đợt sóng biển dịu dàng mơn man vỗ về. Đeo cặp kính lặn vào, thế là bạn có dịp quan sát đáy biển nhìn những đàn cá tự do tung tăng bơi lượn. Ở đây có một dòng suối nước ngọt cho bạn tắm. Đó là suối Giếng Tiên.
Huyền thoại trên đảo kể rằng xa xưa các tiên nương chán cảnh đơn điệu ở chốn bồng lai mới rủ nhau xuống đây, vui đùa và khỏa thân trong dòng suối. Và rồi họ cũng không thể ở lại nên đành phải bay về trời với tâm trạng vô cùng lưu luyến. Từ đó suối này có cái tên quyến rũ: suối Giếng Tiên. Phải chăng chút dư hương của các tiên nữ còn lưu lại trong làn nước mà du khách cứ thấy mãi bâng khuâng?
Lưu luyến bước chân
Đêm xuống, chúng tôi ngồi bên nhau trên cầu tàu lắng nghe biển hát khúc tình ca, lắng nghe biển kể chuyện quê hương. Biển kể rằng xưa kia, cuộc sống của người dân trên đảo còn khó khăn lắm. Những người dân đảo phải oằn mình vật lộn với sóng gió biển khơi và vật lộn cả với đói nghèo. Kể từ khi ánh sáng điện phát khắp đảo thì cuộc sống của họ đã thay da đổi thịt từng ngày.
Điện về kéo theo nhiều sự đổi mới. Đường giao thông đã được đầu tư xây dựng bằng bêtông kiên cố. Trường học và trạm y tế cũng được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Học sinh ở đây rời đảo đi học đại học ở Quy Nhơn, TP.HCM… ngày càng nhiều. Và chính họ sẽ đem sức sống thanh xuân của mình về giữ gìn và phát triển sắc xanh của đảo.
Giờ đây một vận hội mới đang được mở ra cho dân đảo. Chẳng bao lâu nữa Cù lao Xanh sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn, luôn gọi mời và níu chân du khách. Du khách đến với đảo ngày càng nhiều hơn. Nơi đây rồi cũng sẽ trở thành trạm cung cấp xăng dầu, nước đá và những nhu yếu phẩm cần thiết cho những con tàu qua lại.
Chia tay rồi nhưng lòng tôi vẫn thấy đảo nhỏ quê hương như mắt xanh thiếu nữ đang chất chứa biết bao khao khát xuân tình.
PHẠM VĂN HỌC (ĐH Quy Nhơn)