Phát triển du lịch biển là ưu tiên hàng đầu của ngành du lich Việt Nam, do đó, bên cạnh xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển du lịch giai đoạn 2010- 2020, tầm nhìn 2030, Tổng cục Du lịch tiến hành xây dựng nhiều đề án phát triển du lich các vùng miền, trong đó có Đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020.
Khẳng định trên được Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn đưa ra tại hội thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lich đến năm 2020, tầm nhìn 2030″ do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội.
Theo Đề án phát triển du lịch biển, đảo giai đoạn 2011-2020, đến năm 2020, Việt Nam sẽ hình thành được 5 khu vực du lich biển có sức cạnh tranh cao trong khu vực, đó là khu Hạ Long-Cát Bà; Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An; Nha Trang-Cam Ranh, Phan Thiết-Mũi Né, khu du lịch Phú Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lich biển giàu tiềm năng như Vân Đồn-Cô Tô; khai thác tour du lịch ra Trường Sa-Hoàng Sa; đầu tư, khai thác cảng du lịch chuyên dụng…
Một điều cốt lõi luôn luôn được chú trọng là việc phát triển du lich biển đảo phải gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế-xã hội.
Trong bài thuyết trình “Những chỉ tiêu phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030,” Phó Giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lich cũng cho biết khu vực duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng cho tới Bình Thuận sẽ là khu vực có mức tăng trưởng du lịch cao nhất cả nước trong giai đoạn tới bởi khu vực này có tiềm năng về du lich biển, đảo.
Thêm vào đó, các tỉnh, thành phố trong khu vực này rất quan tâm tới phát triển du lịch, coi đây là yếu tố mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương cũng như trong khu vực.
Một số địa phương trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã tạo được ấn tượng với du khách quốc tế như Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Mũi Né (Bình Thuận), Đà Nẵng…
Theo ông Phạm Trung Lương, khu vực Tây Nguyên mặc dù có tiềm năng khai thác du lich song sẽ là khu vực có tốc độ phát triển thấp nhất cả nước do nhiều yếu tố khác nhau. Một vấn đề khác cũng được ông Lương đưa ra là hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ gây tác động tiêu cực và là thách thức với phát triển du lịch nước ta trong giai đoạn tới, nhất là với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Quy hoạch tổng thể phát triển du lich Việt Nam giai đoạn 2010-2030 cũng nhấn mạnh việc phát triển du lịch với cả thị trường nội địa và quốc tế. Chỉ tiêu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam đến năm 2020 là khoảng 10,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 47,5 triệu lượt, mang lại doanh thu 19 tỷ USD cho ngành du lich.
Đến năm 2030, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự báo là khoảng 18 triệu lượt, khách nội địa là 58 triệu lượt và mang lại doanh thu trên 36 tỷ USD.
Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển ở các thị trường Đông Bắc Á, ASEAN; duy trì ở thị trường Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu và mở rộng ra thị trường Trung Đông, Ấn Độ…
Theo Tổng cục Du lịch, 5 tháng đầu năm 2011, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 2,5 triệu lượt, khách nội địa là 14 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010./.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+