Cô bạn, là chủ của Trà Quế studio – một công ty lấy theo tên làng rau nổi tiếng của Hội An – tặng cho tấm bản đồ vẽ tay của phố cổ, có ghi chú bảy địa điểm “phải đến”: tất cả đều là chỗ bán đồ ăn.
Hình ảnh dễ thương thường thấy ở Hội An – Ảnh: Mai thành Chương |
Và tại những quán ăn nhỏ xíu, đậm phong cách cha truyền con nối này, tôi nhận ra câu chuyện về bản sắc của xứ mình: câu chuyện về con người, về cuộc sống, về văn hóa của mảnh đất này đều ẩn chứa trong những món ăn ngon đến ngỡ ngàng…
Từ tô cao lầu “di sản”…
Trong danh sách “phải đến” này, tô đậm nhất tất nhiên phải là món cao lầu của Hội An. Cô bảo đó là cao lầu “Heritage – di sản”.
“Gọi tên như vậy cho dễ nhớ, vì lần đầu tiên cách đây non chục năm lúc tìm đến quán cao lầu vô danh nằm trong con hẻm cụt ở đường Phan Châu Trinh, thị xã Hội An là lần theo một bài viết trên tạp chí Heritage của Hãng hàng không Việt Nam” – cô giải thích.
Cao lầu ở đây có công thức nấu rất đơn giản vì người dân chỉ sử dụng nguyên liệu và gia vị mộc, không có thứ gì kỳ bí để làm nên bí quyết độc môn. Hoặc giả có thể khen quán này ở chỗ làm gì cũng kỹ, nên chờ ăn tô cao lầu mà sốt hết cả ruột.
Cái cách mà ông chủ quán ngoài 60 tuổi rị mọ ngồi cắt từng miếng thịt cho vô tô mỗi khi khách gọi, đoán chừng là để mặt miếng thịt không bị khô và sạm đi sẽ mất ngon.
Vậy vì đâu cái quán này nổi tiếng? Đầu tiên là vì sự lâu đời của nó. Sau đến là cảm giác rất Hội An mà cái quán này mang lại: bàn nhỏ, ghế nhỏ nép một bên con hẻm. Đèn đường vàng vọt chiếu không rõ mặt người.
Bức tường bên hông vẫn loang lổ vết chà ximăng không đều tay, có lẽ là do nhà nghèo nên chủ nhà tự xây lấy thuở trước, chứ thợ thuyền miền Quảng Nam có tiếng là khéo tay nhất nước. Không có nhiều âm thanh phố chợ, không có tiếng vùng khác. Quán cao lầu này đặc quánh Hội An trong từng mảnh nhỏ nhất của không gian…
Người địa phương giải thích: nước nấu thì phải lấy ở cái giếng Bá Lễ được đào từ trăm năm trước mới có độ thanh và ngọt, rau thì phải từ làng Trà Quế mang vô mới có độ thơm do được chăm bón bằng thứ rong của dòng sông kế bên làng. Rồi phải nấu bằng củi, nấu đủ giờ đủ phút thì miếng thịt mới thấm…
Chia tay Hội An, vẫn nhớ nụ cười hồn hậu của ông già lụm khụm, tận tụy hỏi thăm: “Tụi con no chưa, hay ăn thêm miếng cao lầu chan nước xốt nữa, không lấy tiền đâu…”. Mình nghĩ, thương nhau thế là cùng. Trên những nẻo đường một lữ khách đi qua, có mấy ai thương mình đến vậy?
… Đến những ngôi nhà thứ hai
Thế nào là bản sắc Việt Nam? Đọc định nghĩa của giáo sư Trần Văn Giàu trong Bảo tàng Hà Nội mới hiểu những gì mà mình tìm kiếm đã được định hình từ lâu: Bản là của mình, sắc là dung mạo, gộp thành bản sắc là những tính chất đặc biệt vốn có, tạo thành phẩm cách riêng.
Vậy với người khách lữ thứ, bản sắc không là tình người, là sự hồn hậu chăm sóc của thổ địa, là phong vị quê nhà trong những món ăn thì còn là gì nữa?
Nói vậy sẽ e ấp mà thú nhận: đi hoài không hết nước mình. Bởi cứ qua khỏi những thành quách, lâu đài, thắng cảnh, phố thị là được dịp chiêm nghiệm những nét đẹp rất khác. Đó là những nhà thờ xây theo phong cách cổ điển nằm lọt thỏm giữa ruộng nếp cái hoa vàng của vùng Tiên Lãng, Hải Phòng.
Đó là những ngôi đình làng còn giữ vẹn nguyên những chạm trổ thủ công xa xưa ở gần phá Tam Giang, Huế. Hay đó là những đêm theo ghe đi bắt ba khía ở vùng giao thoa của dòng Cửu Long và biển Đông ở Năm Căn, Cà Mau…
Vì sao nói đi hoài không hết nước mình, bởi cái sự nặng lòng theo kiểu Chế Lan Viên: khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Và nơi nào cũng thấy vương vấn cái tình, và trong những cơn mê muội vẫn ghi vào lòng: đây chính là ngôi nhà thứ hai của mình.
Đó là cô giáo Phượng mồ côi nhờ công thức làm men rượu từ mấy chục vị thuốc nam mà trưởng thành, giờ vẫn sớm hôm ủ rượu ở xứ Bắc, đã chạy xe 30 cây số để mua cho được mớ cốm làng Vòng cho thỏa trí tò mò của “thằng em miền Nam ra chơi”.
Là truyền kỳ về người đàn bà một thân tảo tần làm gỏi cá trích ở Kiên Giang đệ nhất trấn, thức dậy khi gà chưa kịp gáy canh ba để ra cảng cá chờ mang những quà tặng biển khơi tươi lành nhất về để dạy mình nấu ăn…
Quê mình đâu chỉ có núi cao, sông dài, ruộng lúa thẳng cánh cò bay, mà còn là nơi sản sinh ra những món ăn ngon và lành không lẫn vào đâu được trong kho tàng ẩm thực của nhân loại. Đó còn là nơi sản sinh ra những con người biết yêu thương, san sẻ tình cảm với khách phương xa mà không ai có thể ngừng mơ ước được một lần trở lại.
Vậy nên, nếu có cuộc hành trình nào đó mà bạn mơ ước, hãy đi du lịch ẩm thực Việt Nam…
TRẦN NGUYÊN (TTO)