Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu, trong quí I/2013, các khu du lịch, khách sạn, bãi tắm trên địa bàn tỉnh đã đón và phục vụ trên 2,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong con số đã nêu, có trên 146 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước thực hiện hơn 781 tỷ đồng, tăng trên 70 % so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu từ dịch vụ lữ hành là 114 tỷ đồng.
Có được kết quả trên là do ngành du lịch của tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu đã nỗ lực tập trung đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, nhằm quảng bá, thu hút khách trong nước và quốc tế đến với địa phương. Theo đó, đã phát hành 3.000 sổ tay tuyên truyền những đơn vị được công nhận “Địa chỉ du lịch tin cậy của Bà Rịa–Vũng Tàu” giai đoạn 2012-2014 gửi đến các doanh nghiệp du lịch, thương mại, dịch vụ trên toàn tỉnh; tổ chức thực hiện bản tin du lịch, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin, hình ảnh về diễn biến của ngành du lịch địa phương trên website của ngành. Đồng thời, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã nâng cao chất lượng phục vụ, phòng nghỉ cũng như đa dạng các loại hình dịch vụ giải trí, thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
Nhiều địa phương đã biến lợi thế của mình để xây dựng tuyến du lịch biển và rừng, từ đó đã thu hút được đông đảo du khách tới thăm quan nghỉ dưỡng, như huyện Xuyên Mộc có 32km bờ biển, trải dài ven theo Khu bảo tồn thiên nhiên rừng Bình Châu – Phước Bửu.
Với lợi thế rừng nhiệt đới sát biển, những năm qua, huyện Xuyên Mộc đã thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch tập trung tại khu vực bãi biển Hồ Tràm, Hồ Cốc. Đến nay, trên địa bàn huyện có 103 dự án du lịch với tổng diện tích hơn 3.974ha được triển khai. Với định hướng khai thác tốt điều kiện tự nhiên, hiện đại hóa dần các trọng điểm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa – lịch sử, huyện sẽ tập trung xây dựng tuyến du lịch “rừng và biển” mở rộng từ suối khoáng nóng Bình Châu nối liền các Khu du lịch biển Hồ Cốc, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu đến Khu du lịch biển Hồ Tràm, tạo nên thế mạnh du lịch của Xuyên Mộc. Ngay trong năm 2013, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án du lịch đã thỏa thuận địa điểm, tạo tiền đề thuận lợi cho chiến lược phát triển du lịch sinh thái “rừng và biển” của huyện trong những năm tiếp theo.
Tại huyện Côn Đảo, đã có 40 dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn huyện đến năm 2020. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến một số dự án, công trình có tính đột phá, tạo động lực thu hút đầu tư và đẩy mạnh thực hiện các dự án khác. Với mục tiêu chiến lược phát triển Côn Đảo thành “đô thị du lịch biển”, ngoài việc khai thác tốt và thường xuyên nâng cấp các khu du lịch hiện hữu, còn có các dự án đã có chủ trương đầu tư đưa vào danh mục thực hiện đến năm 2020, gồm các khu du lịch: Bãi Nhát, Bãi Dương, bán đảo Con Ngựa, Hotel Resort Regency Hyatt- Bãi Đầm Trầu nhỏ. Các dự án đề xuất mới gồm các khu du lịch là Cỏ Ống, Bến Đầm, Đầm Tre và khu trung tâm.
Không chỉ riêng ở Côn Đảo và Xuyên Mộc, một số địa phương khác trong tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng có định hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái có tính liên kết chặt chẽ, tạo thành các “chuỗi” sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn cao, ngày càng thu hút nhiều du khách đến với Bà Rịa-Vũng Tàu./.
Theo: Du lịch Việt Nam