Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, trong tháng 2 tỉnh đã thu hút 725.822 khách du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế đến tham quan du lịch và hành hương, tăng gấp 4,37 lần so tháng 1.
Trong đó khách lưu trú tăng 4,6% và du khách quốc tế tăng 1,8%, đạt tổng doanh thu trên 24,5 tỷ đồng, tăng 7,8% so tháng trước.
Trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng giêng xuân Quý Tỵ, các điểm du lịch đã chủ động đầu tư nhiều mô hình phục vụ thiết thực gắn với tết cổ truyền của dân tộc để du khách trong nước và đặc biệt là du khách quốc tế tìm hiểu phong tục tết và thưởng thức các món ăn gắn với ngày tết cổ truyền quan trọng của dân tộc Việt Nam.
Các chùa chiền, am cốc còn phối hợp với địa phương tổ chức nơi đậu đỗ, trông giữ xe, tài sản cho khách đảm bảo trật tự, an toàn, tạo điều kiện cho du khách khi đến hành hương lễ Phật.
Bên cạnh đó 12 nhà hàng khách sạn lớn trong tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi như giảm giá phòng cho du khách, tổ chức các món ngon Nam bộ chủ lực trong các ngày tết và Rằm tháng giêng.
Khách sạn Victoria Châu Ðốc đã trang trí khách sạn theo tết truyền thống của người Việt Nam gồm có bàn thờ tổ tiên, cây mai, biểu diễn gói bánh tét, đờn ca tài tử… thu hút 628 lượt khách nghỉ chủ yếu là khách quốc tế; Khách sạn Bến Ðá Núi Sam (thị xã Châu đốc) không tăng giá phòng; khách sạn Đông Xuyên, khách sạn Long Xuyên-Cửu Long (thành phố Long Xuyên) áp dụng chính sách ưu đãi giảm 20% giá phòng và miễn phí nước suối, trái cây cho khách, tổ chức gánh hàng rong.
An Giang là tỉnh biên giới nằm ở phía Tây Nam của tổ quốc, vừa có đồng bằng vừa có miền núi, nổi tiếng với vùng Bảy Núi thiêng liêng, huyền bí, có Phật di lặc lớn nhất cả nước cao 36m trên đỉnh Núi Cấm và quần thế di tích cấp quốc gia Núi Sam với Lăng Thoại Ngọc hầu, Miếu Bà Chúa Xứ Núi sam, Chùa Hang được tỉnh gắn với phát triển du lịch bằng mô hình du lịch tâm linh tín ngưỡng đứng đầu các tỉnh phía Nam, thu hút mỗi năm trên 5 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến hành hương, tham quan, tìm hiểu.
Sau Tết Nguyên đán và Rằm tháng giêng xuân Quý Tỵ là bắt đầu mùa lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam (Thị xã Châu Đốc) kéo dài đến tháng 4 Âm lịch.
Rút kinh nghiệm của các năm trước, tỉnh An Giang đang triển khai kế hoạch cùng với thị xã Châu Đốc tổ chức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm tra kiểm soát giá, niêm yết giá cả thị trường; bảo vệ an ninh Biên giới phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng mùa lễ hội…
Tại các cửa ngõ ra vào tỉnh bằng đường thủy (tại hai bến Long Xuyên-Đồng Tháp, Long Xuyên-Thành phố Hổ Chí Minh-các tỉnh miền đông Nam bộ) bố trí 16 phà từ 100-200 tấn để đưa rước khách qua sông và đường bộ cũng bố trí tuyến xe buýt từ Lộ tẻ (giáp ranh Long Xuyên-Kiên Giang, Long Xuyên Cần Thơ-các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) đến các khu điểm du lịch hành hương Núi Sam, Núi Cấm với phương châm phục vụ “Trật tự – an toàn – lịch sự – văn minh”./.
Theo: Du lịch Việt Nam