Những lễ hội đặc biệt chỉ có trong tháng 4 trên khắp thế giới này sẽ là một cẩm nang thú vị để bạn có thêm “lý do” mơ về những chuyến du lịch đáng nhớ trong cuộc đời mình.
1. Lễ hội rước dương vật (6-4)
Tổ chức ở đền Kanayama tại Kawasaki, Nhật Bản, hình tượng trong lễ hội là hình tượng dương vật được thể hiện dưới nhiều cách khác nhau.
Truyền thuyết kể rằng có một con quỷ răng sắc nhọn nằm ẩn trong chỗ kín của cô gái và cắn nát dương vật của hai chàng trai trẻ trong hai đêm động phòng với cô.
Cô gái đã cầu xin người thợ rèn làm cho mình một dương vật bằng thép để bẻ gãy răng con quỷ.
Ngày nay, lễ hội thu hút khá nhiều khách du lịch tham quan bởi hình tượng dương vật khá ngộ nghĩnh. Trong lễ hội cũng thường tổ chức các hoạt động quyên tiền để đẩy mạnh việc nghiên cứu phòng chống HIV.
2. Lễ hội âm nhạc Coachella (11-4 đến 13-4)
Là một trong những lễ hội âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới diễn ra tại Câu lạc bộ Polo Empire, Indio, California, Mỹ. Hằng năm có khoảng 250.000 người tới tham dự lễ hội để thưởng thức âm nhạc dù nhiệt độ nơi đây có khi lên tới 42 độ C.
Xung quanh khu vực diễn ra sự kiện nhà tổ chức cho lắp đặt các thiết bị trực tuyến, cửa hàng bách hóa, nhà tắm công cộng, trạm điện thoại, cửa hàng điện thoại di động và cả quán cà phê với wifi miễn phí.
Từ năm 2001, lễ hội Coachella được tổ chức thường niên và ngày càng nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của công chúng.
3. Lễ hội té nước Songkran, Thái Lan (13-4 đến 15-4)
Đây là thời điểm hàng triệu người dân Thái Lan mong chờ nhất trong năm bởi ai được té nước nhiều thì càng may mắn.
Theo quy luật vận hành của Mặt trời thì sự xuất nhập của các vì sao là khác nhau, tổng cộng là mười hai lần, khớp thời gian vừa tròn một năm. Một số nước như Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia cổ đại đều lấy lễ hội Songkran là dịp đón năm mới.
Vì cũng là tết cổ truyền nên người dân Thái ai nấy đều phấn khởi háo hức, treo đèn trang trí, nhà nhà tưng bừng ánh điện, phố phường náo nhiệt. Phật giáo là quốc giáo nên họ chuẩn bị cho lễ hội bằng hoạt động tắm Phật trên chùa.
4. Lễ hội năm mới của người Nepal (10-4 đến 19-4)
Vào tháng 4 hằng năm, Nepal bắt đầu tổ chức lễ hội Bisket với sự hiện diện của hai vị thần đạo Hindu kéo cỗ xe qua thành phố Bhaktapur để cầu chúc may mắn trong năm mới.
Trong lễ hội được xem là năm mới của người Nepal, hình ảnh vị thần Bhairava và bản sao nữ Bhadrakali được đặt trong hai cỗ xe lớn và kéo tới một quảng trường rộng để cầu chúc may mắn trong năm mới.
Nepal là một trong số các quốc gia có nhiều lễ hội nhất thế giới. Ở đây có tới 120 ngày lễ trong một năm, phần lớn là lễ hội tôn giáo. Mỗi lễ hội như vậy thường kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng. Gần như ngày nào thành phố Kathmandu cũng tràn ngập không khí của lễ hội.
5. Lễ hội Passover của người Do Thái (15-4)
Là một trong những lễ hội Do Thái được chờ đón nhất, Passover được tổ chức để kỷ niệm ngày người Israel được giải phóng khỏi chế độ nô lệ ở Ai Cập cách đây hơn 3.000 năm.
Trong lễ hội mọi người cùng gia đình và bạn bè ngồi quanh bàn ăn, đọc kinh hồi tưởng cuộc hành hương rời khỏi Ai Cập. Họ cũng ăn những loại thực phẩm mang tính biểu tượng trên một chiếc đĩa mang tên Seder. Đây là một lễ hội tôn giáo thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn của người Do Thái đối với Chúa cũng như thể hiện khát khao tự do của họ.
Năm nay, lễ hội Passover diễn ra vào ngày 15-4.
6. Ngày thứ sáu Tuần thánh (18-4)
Ngày thứ sáu Tuần thánh – Good Friday là ngày lễ diễn ra vào thứ sáu trước lễ Phục sinh. Lễ này kỷ niệm sự đóng đinh vào thập giá và sự chết của Chúa Giêsu tại Canvary.
Thứ sáu Tuần thánh là một ngày lễ linh thiêng đối với người theo Kitô giáo. Đặc biệt vào ngày này, cầu nguyện thường được coi trọng với việc đọc những đoạn Phúc âm viết về những sự việc dẫn tới sự đóng đinh Chúa Giêsu vào thánh giá.
7. Chủ nhật Phục sinh (20-4)
Chủ nhật Phục sinh – Easter sunday là một trong những dịp lễ hội quan trọng nhất hằng năm trong văn hóa phương Tây. Ngày lễ có nguồn gốc từ Thiên Chúa giáo để tưởng nhớ cuộc khổ nạn, lìa trần và sống lại của Chúa Giêsu.
Truyền thống xưa kia, đám cưới thậm chí bị cấm trọn mùa chay. Về hình thức, đến tận ngày nay, trong nhiều giáo đường Công giáo, người ta vẫn tránh chưng hoa. Trong khoảng 2 tuần dẫn đến lễ Phục sinh, một số nơi còn dùng vải che phủ tất cả thập giá cùng tượng ảnh chư thánh, hàm ý tôn kính, thương xót cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
8. Lễ hội Jazz tại New Orleans, Mỹ (25-4)
Được xem là nơi khai sinh nhạc jazz, nên phần lớn lễ hội ở New Orleans liên quan đến âm nhạc. New Orleans Jazz Festival là lễ hội lớn nhất ở đây.
Cũng tại đây, khách du lịch sẽ có thể tìm gặp và giao lưu với các nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng thế giới hay đắm mình trong tiếng nhạc jazz trên du thuyền chạy dọc sông Mississippi.
9. Koningsdag (26-4)
Một trong những ngày lễ quốc gia phổ biến nhất ở Hà Lan, Koningsdag đánh dấu ngày sinh của vua Willem-Alexander.
Lễ hội đầu tiên được tổ chức vào năm 1885 nhân kỷ niệm sinh nhật của công chúa Wilhelmina, sau khi công chúa trở thành nữ hoàng thì lễ hội được biết đến như ngày nữ hoàng. Từ năm 2013, khi nữ hoàng Wilhelmina thoái vị và truyền ngôi cho con trai mình là Willem-Alexander thì lễ hội được đổi tên thành tên của vua.
Không phụ thuộc vào giới tính của quốc vương, người Hà Lan ăn mừng bằng cách mặc quần áo màu cam, màu nước trong cuộc diễu hành và bán các mặt hàng như đồ chơi cũ, hồ sơ, sổ sách trong chợ trời lớn.
10. Lễ hội phù thủy đêm (30-4)
Đêm phù thủy được tổ chức trên toàn miền trung và miền bắc châu Âu – nhưng đặc biệt yêu thích tại Đức, nơi nó được gọi là “Walpurgisnacht”. Trong văn hóa dân gian Đức, ngày 30-4 là lúc phù thủy ăn mừng bởi sự xuất hiện của mùa xuân với những điệu nhảy và đốt lửa trên núi Brocken, nằm cách thị trấn Schierke khoảng 5km.
Tương tự Halloween, lễ hội này cũng tập trung vào các đấng siêu nhiên, có nguồn gốc ngoại giáo của mình. Walpurgisnacht được đặt tên theo Thánh Walburga, một nữ tu thế kỷ thứ 8.
Nguồn dulich.tuoitre.vn