Làng Mai Xá (hay còn gọi là Làng Mai) là một trong 65 ngôi làng cổ (theo sách Ô Châu cận lục của Tiến sĩ triều Mạc là Dương Văn An) thuộc châu Minh Linh, phủ Tân Bình, xứ Thuận Hoá (nay thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).Địa điểm để khách du lịch khám phá .
Cho đến nay, Mai Xá vẫn còn hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam như cây đa, bến nước, sân đình.
Theo ông Trương Sĩ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị (Wikipedia), người khai khẩn đất này – Năm Trương đã cùng anh em họ Lê, họ Bùi thành lập Mai Xá (khu vực Điền Xá có rừng Mai ghép thành tên “Mai Xá”.
Sau này do có nhóm người nhập cư làm nghề chài lưới dọc sông Thạch Hãn nhập cư xóm nhỏ gần ngã ba sông Cánh Hòm, xóm ngụ cư có tên Mai Xá Thị. Để phân biệt với Mai Xá Thị, làng Mai Xá phải thêm chữ “Chánh” (Chánh hiệu, chính không phải phụ). Từ đó, Mai Xá còn có tên gọi khác là làng Mai Xá Chánh.
Đến thế kỉ 17 do nhiều biến động về đất đai, dân cư phát triển đông đúc, một số di cư lên miền Tây Gio Linh để khai hoang sản xuất lương thực, lập nên các phường: Bình An (Gio Bình), Phú Thọ, Ninh Xá, Phú Ốc (Gio Hoà), Lịch Sơn, Phú Nhuận, Nam Dương (Gio Sơn), Trung An (nông trường Cồn Tiên), gọi là làng “Bát phường Mai Xá”.
Làng Mai Xá phía Bắc giáp với Lâm Xuân, phía Nam có dòng sông Hiếu chạy qua, phía Đông giáp với xã Gio Việt và phía Tây giáp với xã Gio Quang. Ngôi làng nằm tọa lạc nơi ngã ba sông của 3 con sông lớn ở Quảng Trị, đó là sông Thạch Hãn, sông Hiếu và sông Cánh Hòm. Nhờ vậy, giao thương thủy ở Mai Xá rất thuận lợi. Và vì làng nằm ở ven sông cho nên từ ngày đầu mới hình thành, Mai Xá đã nhanh chóng trở thành một nơi có số dân cư đông đúc. Đặc biệt, vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần, khi ông cho nạo vét, khai thông sông Cánh Hòm, thì vị trí của làng Mai Xá liền trở thành một thương điếm sầm uất.
Làng ngày nay không chỉ đi vào lịch sử với huyền thoại Bà mẹ Gio Linh nuôi con đánh giặc mà còn nổi tiếng với những di tích và cảnh đẹp của một làng quê Việt Nam đình làng, chợ, bến đò, khe lạch và rừng cây nguyên sinh. Trong đó, đình làng Mai Xá đã sớm được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Đình này lần đầu tiên được xây dựng cách nay gần 5 thế kỉ trên một gò đất cao, nơi có dòng sông Hiếu chảy qua phía trước ngôi đình. Tương truyền rằng, người khai canh ra làng Mai Xá là Năm Trương và ngôi đình làng cũng được xây dựng cùng với quá trình phát triển của làng. Sân đình làng Mai Xá là chứng nhân thầm lặng của biết bao thăng trầm lịch sử. Tại sân đình này, người dân làng Mai Xá Chánh đã hưởng ứng lễ truy điệu nhà cách mạng Phan Chu Trinh, cũng như phong trào đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. Đình làng cũng từng là trụ sở bí mật của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội….
Ngoài những di tích, vùng đất này một phong cảnh tuyệt đẹp của một làng quê yên bình. Một trong những phong cảnh đẹp nhất của làng Mai Xá có thể kể đến đầm Hà Côộc – nơi được cho là “đất lành chim đậu”. Đây chính là khu rừng nguyên sinh còn sót lại của làng, quy tụ nhiều loài chim sinh sống mà trong đó nhiều nhất là cò.
Nhờ có phong cảnh đẹp lại nằm trên trục đường xuyên Á dẫn xuống biển Cửa Việt, đầm Hà Côộc luôn thu hút nhiều du khách đi qua con đường này dừng lại chụp hình để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của một làng quê khi hoàng hôn buông xuống. Bên cạnh đó, có thể kể thêm một cảnh đẹp khác của làng Mai Xá là phong cảnh Lòi Rú – Bàu Đôông, đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Nguồn: Đất Việt