Chúng tôi đến Ninh Bình gặp hai điều may: thời tiết bỗng dịu mát trong đợt nắng nóng và anh bạn đồng nghiệp của Báo Ninh Bình dẫn đường rất am hiểu mảnh đất cố đô.
Từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đi vào đến núi Bái Đính chỉ khoảng 20km. Xa xa, ngôi chùa như hai búp sen khổng lồ mọc vững chãi trên vách núi, nối tiếp nhau, với những mái đao cong vút, xanh biếc. Dẫu không phải lần đầu đến với vùng đất cố đô, nhưng vẫn còn “lơ mơ” về vùng đất được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”, nên chúng tôi háo hức ngắm cảnh và nghe “hướng dẫn viên không chuyên” giới thiệu “một góc” Ninh Bình.
Dọc đường lên chùa Bái Đính, chúng tôi men theo khu du lịch sinh thái Tràng An còn nhiều nét hoang sơ nhưng lộ rõ vẻ đẹp khoáng đạt, giàu ý tưởng sáng tạo của người yêu mến và dốc sức cho du lịch Ninh Bình.
Ở Ninh Bình nổi lên hai “đại gia” ngành xây dựng: Xuân Trường và Xuân Thành. “Đại gia” Xuân Thành (doanh nghiệp Xuân Thành) tài trợ xây nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Ninh Bình và vươn ra xây dựng các công trình ở các tỉnh, thành phố khác. Còn “đại gia” Xuân Trường (doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường) chỉ đầu tư xây dựng các công trình trong tỉnh, mà nổi bật là khu du lịch sinh thái Tràng An, trong đó có chùa Bái Đính – ngôi chùa xác lập nhiều kỷ lục nhất Việt Nam.
Phong cảnh trước Bái Đính.
Bắt đầu từ thành phố Ninh Bình và trải dài theo những sườn núi, con sông là tuyến đường mới mở, là dòng sông nhân tạo đang được đào đắp nối những vùng du lịch của vùng cố đố với tuyến du lịch chùa Hương và các vùng phụ cận. Nghe nói, khu du lịch Tràng An rộng gần 3.000 ha, chia thành 5 khu chức năng: khu bảo tồn đặc biệt, khu trung tâm, khu hang động (chạy dài 20 km với nhiều hang đẹp được nối với nhau bởi gần 30 thung nước liền mạch), khu dịch vụ du lịch và khu tâm linh núi chùa Bái Đính. Chúng tôi ngồi ôtô “cưỡi ngựa xem hoa” vẫn thấy từng đoàn thuyền nan chở khách du lịch trên sông, qua các thung bảng lảng mây trời, nước non liền dải trùng điệp giữa sắc xanh tạo bức tranh thuỷ mặc mỹ lệ. Men bên đường là hàng cây bồ đề mới trồng kéo dài tới tận chùa Bái Đính (được ghi vào kỷ lục: Lễ trồng cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam).
Chùa Bái Đính mới khánh thành, nhưng vẫn còn nhiều hạng mục đang tiếp tục thi công, nên quãng đường trước cổng chùa lầy lội, nhất là lúc trời chợt đổ mưa. Những người thợ vẫn mải miết xây dựng cổng, đường lên chùa, bãi đỗ xe… mặc du khách tấp nập đổ về chiêm bái chùa mỗi lúc đông hơn. Đứng giữa sân chùa ngước lên thấy những mái cong, tháp cao vươn vút lên; khoảng sân được lát đá rộng thênh thênh. Theo anh bạn đồng nghiệp thì khu vực chùa Bái Đính cổ rộng 27 ha, không chỉ thờ Phật tổ, thờ Thần núi và Chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Chùa được đức thánh Nguyễn Minh Không phát hiện khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông. Anh bạn kể: Khi tìm được thuốc chữa bệnh cho vua, ông xuống núi và đứng vái (bái) để cảm ơn thần, phật đã phù hộ độ trì – nên có tên là Vái Đứng, sau gọi là Bái Đính!? Còn chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự), xây dựng trên đồi núi cao tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Khi hoàn tất sẽ rộng 700 ha, gồm các hạng mục: tam quan nội, tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, chùa thờ Phật Pháp Chủ, điện Tam Thế, hành lang La Hán, giếng ngọc, tháp Bồ Đề 9 tầng, khu thờ Mẫu, khu thờ Tổ, khu tháp mộ sư, khu nhà tăng thiền viện, khu nhà khách, khu bảo tàng Phật giáo…
Tượng phật nghìn mắt, nghìn tay.
Dẫn chúng tôi ngược từng bậc thang được lát đá (loại đá có sẵn ở vùng Ninh Bình), anh bạn đồng nghiệp giới thiệu từng nét riêng, từng bức tượng, với sự thiết lập các kỷ lục nhất với chùa, tượng phật, chuông đồng… Chúng tôi gặp đầu tiên là 500 tượng La Hán, mỗi tượng cao 2,4 mét, nặng khoảng 4 tấn bằng đá nguyên khối đặt hai bên tả – hữu, từ nét mặt đến kiểu dáng đứng, ngồi không giống nhau. Lần lượt sờ tay lên những bức tượng, du khách luôn miệng tấm tắc ngợi khen sự tài hoa của nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân của Hoa Lư (Ninh Bình) đã tạc trong nhiều tháng ròng. Qua từng bức tượng, chiêm bái từng sắc thái của con người trong cuộc đời, có lẽ du khách tìm đến cái tâm an tĩnh khi đến chùa này.
Sau Tam Quan, La Hán đường là điện Tam Thế nằm trên đồi cao gồm ba tầng mái cong, có 12 mái ở bốn phía, trong điện đặt ba tượng Tam Thế bằng đồng, mỗi tượng nặng 50 tấn. Kia là chùa Pháp Chủ, gồm 2 tầng mái cong, có 8 mái ở bốn phía, trong chùa đặt pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn – kỷ lục tượng phật lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi kịp chụp ảnh bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam” ngày 4/5/2006.
Leo lên tháp chuông xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, hình bát giác, cao 22 mét thấy chuông đại lớn nhất Việt Nam nặng 36 tấn. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam (phá kỷ lục Việt Nam)”, ngày 12/12/2007. Bên kia là tháp bồ đề cao nhất trong các chùa hiện nay. Thêm một kỷ lục nữa là: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”…
La Hán đường.
Lên đến chân pho tượng Di Lặc (lớn nhất Việt Nam), mọi người thấm mệt, nhưng bù lại, được phóng tầm mắt bao quát cả khu chùa rộng lớn, với những mái cong. Xa hơn, là thấy cả vùng Gia Viễn, Hoa Lư ngời lên sắc xanh giữa miền quê rợp bóng cây, những triền núi đá nhấp nhô, soi bóng hồ nước, dòng sông uốn lượn, vươn mình ra phía biển. Bỗng thấy tâm hồn thư thái, thả theo trời mây, non nước phiêu bồng.
Lúc chúng tôi rời ngôi chùa lớn nhất, giữ nhiều kỷ lục Việt Nam, con đường đã chật khách du lịch. Và vẫn dặn lòng còn quay lại thăm vùng du lịch Ninh Bình đầy quyến rũ từ chùa Bái Đính đến khu du lịch Tràng An; vùng Tam Cốc – Bích Động; rừng quốc gia Cúc Phương; đền thờ vua Đinh – Lê… luôn gọi mời./.
Nguồn: Báo Lào Cai