Có nhà thơ đã ví ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là những bậc thang khổng lồ xếp chồng lên nhau cao mãi, cao mãi để bắc lên trời…
Chúng tôi đến Mù Cang Chải lúc gần chính ngọ. Cái thị trấn vùng cao quanh năm mịt mù sương khói của tỉnh miền cao Yên Bái vẫn nằm im lìm trong ánh nắng vàng rạo rực. Nắng hào phóng dát vàng núi đồi trập trùng và ngút ngàn nương rẫy vùng non cao Tây Bắc. Nắng khoe sắc gương mặt mộc mạc đồng rừng của thiếu nữ Mông. Dân tộc này chiếm tới hơn 90% dân số Mù Cang Chải, chia ra thành bốn nhóm là Mông hoa, Mông đen, Mông đỏ và Mông trắng. Số còn lại là người Thái và người Kinh.
Chợ huyện ở đây đầy các sản vật nổi tiếng của Mù Cang Chải: heo cắp nách, gà đen, chè Shan Tuyết… Gà đen Mù Cang Chải nức tiếng thơm ngon, thịt chắc mà vẫn mềm, có lẽ do leo đồi núi nhiều và ăn thóc lấy từ loại lúa trồng trên những thửa ruộng bậc thang xanh mướt phì nhiêu.
Heo cắp nách cũng là đặc sản ở huyện lỵ này, mỗi con chỉ nặng khoảng vài ký. Người Mông nuôi heo bằng cách thả rông quanh nhà. Trong chợ, giá một ký heo cắp nách là 100.000 đồng.
Cũng giống như nhiều thị trấn miền núi mà chúng tôi đi qua trong suốt hành trình khám phá vòng cung Tây Bắc, Mù Cang Chải đã có điện, đường, trường, trạm, đồng bào dân tộc có xe gắn máy đi lại, có tivi để xem, âm thanh karaoke xập xình cũng phần nào xua tan cái buồn vùng núi. Hơn thế, bạn đừng ngạc nhiên khi gặp một cô gái Mông xúng xính váy dân tộc và “nói theo cách của bạn” với điện thoại di động dùng sóng Viettel…
Đường sá được nhà nước đầu tư khá tốt, giao thông thuận tiện nên Mù Cang Chải bây giờ không còn là địa danh mới nghe đã thấy xa lắc xa lơ như trước đây nữa.
Sau khi dừng chân tại chợ Bình Lư (thuộc thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu), chúng tôi đi qua thị trấn Than Uyên, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Lai Châu và Yên Bái và từ đây vượt 40km trên quốc lộ 32 để tới Mù Cang Chải. Phong cảnh hai bên đường thật kỳ vĩ với những đồng lúa trải dài như vô tận nằm giữa núi rừng mênh mông dưới nền trời xanh biếc.
Những con đường như quốc lộ 32 là huyết mạch, là xương sống nối liền miền xuôi với miền ngược, là nhịp cầu giữa thành thị và bản làng. Nếu không có quốc lộ, những cây cầu, những con đường đèo băng rừng xuyên núi thì không biết đến bao giờ ánh sáng văn minh mới về với bà con dân tộc được.
Từ khi ruộng bậc thang ở ba xã của Mù Cang Chải là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia, lượng khách du lịch đổ lên đây tăng vọt, chủ yếu là khách du lịch quốc tế. Du khách Đức chiếm tỷ lệ lớn nhất, song có lẽ cũng chưa nhiều lắm vì đơn giản, khách lên Mù Cang Chải không có nhiều nơi để nghỉ đêm, ngoại trừ Suối Mơ và một nhà nghỉ tư nhân ở thị trấn.
Từ trung tâm thị trấn, đi khoảng chín cây số thì đến xã La Pán Tẩn để thăm ruộng bậc thang. Con đường nhỏ chạy quanh xã hết vòng lên lại lượn xuống quanh co như dải lụa mềm bao bọc những dãy núi trùng điệp mới được chính quyền huyện làm để phục vụ khách du lịch sau khi ruộng bậc thang được “lên đời”.
Hai bên núi, cả dưới thấp lẫn trên lưng chừng trời, cơ man nào là ruộng bậc thang. Những mảnh ruộng xanh nhức mắt lớp nọ nối tiếp lớp kia, cứ thế phủ lấy đất, ôm lấy đồi và kéo xa tít tắp về phía chân trời. Không bút nào tả hết vẻ đẹp kỳ vĩ ấy.
Chọn một điểm dừng chân trên cao, cố thu hết những bậc thang lúa khổng lồ ngút ngàn ấy vào trong tầm mắt nhưng chỉ thấy độc nhất một màu xanh ngắt của những ruộng lúa quây tròn lấy nhau và tiếp nối liên tục tạo thành hình mâm xôi. Cả huyện Mù Cang Chải có 2.200 hécta ruộng bậc thang, trong đó riêng La Pán Tẩn có 198 hécta, và theo lời Vàng Văn Vũ, cậu trai người Mông, thì tính cả ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thì diện tích ruộng bậc thang là 500 hécta và được giữ gìn nguyên vẹn.
Năm trăm hécta ruộng này chính là di tích, là di sản của người Mông được nhà nước công nhận. Và ruộng bậc thang, vốn gắn bó với người Mông đời đời kiếp kiếp, cũng là hình ảnh gắn với cuộc sống định cư của họ. Vũ tự hào khoe với chúng tôi rằng chỉ người Mông mới trồng lúa trên làn đáy, (nghĩa là bậc thang), còn người Thái ở Mù Cang Chải trồng lúa nước ở vùng đất thấp.
Không chỉ ở La Pán Tẩn, mà dọc cung đường từ Mù Cang Chải đi Tú Lệ dài 50km đâu đâu cũng trùng trùng điệp điệp ruộng bậc thang. Vũ cắt nghĩa cho tôi lý do người Mông sáng tạo ra loại ruộng độc đáo đã trở thành thứ di sản văn hóa không những của Mù Cang Chải, mà còn của cả vùng Tây Bắc này. Thì ra ở những vùng núi cao như Mù Cang Chải, đất canh tác hầu hết là loại feralit vàng đỏ phân bố trên độ cao xấp xỉ 1.000 m có độ dốc lớn từ 30% trở lên, trong khi địa hình bị chia cắt liên tục không thích hợp cho việc trồng lúa theo hình thức nương rẫy. Đồng bào Mông phải chọn những ngọn đồi thấp, rộng để làm ruộng bậc thang nhằm tận dụng nguồn nước suối và nước mưa chảy từ trên cao xuống.
Kỹ thuật xẻ nước của người Mông theo kiểu từ bờ ruộng trên xuống bờ ruộng dưới không liền mạch để hạn chế tối đa mưa lũ, tạo dòng chảy mạnh làm vỡ bờ và rửa trôi đất màu.
Lên Mù Cang Chải ngắm ruộng bậc thang, có lẽ lý tưởng nhất là dịp tháng 4, tháng 5, khi đồng bào vào vụ gặt. Hình ảnh bà con mải miết gặt lúa bên những ruộng lúa bậc thang chín vàng óng ả có lẽ là hình ảnh đẹp và thuần khiết nhất về đời sống bình dị của người Mông ở huyện lỵ vừa xa xôi nhưng đã gần gũi này.
Bài: THANH HIỀN – Ảnh: TIẾN VŨ
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần