Vậy là tôi đã du lịch đến Nga lần thứ tư. Bốn lần sang Nga. Tôi nói vui với các bạn Nga, cũng có chút thật lòng: “Đã sang lần thứ tư, không gọi là sang nữa mà là về”. Thật là như vậy.
Tuy ở không lâu, đi không nhiều nhưng tình cảm gắn bó thân thiết của tôi với thiên nhiên, đất nước, con người Nga thật dồi dào, nồng thắm. Và tôi nghiệm ra do tình cảm riêng của mình và phần không nhỏ là qua văn học.
Tuổi ấu thơ tôi đã thấm đẫm những trang sách của Puskin, Turgueniev, Tolstoi, Dostoievski, Tchekov, L. Leonov… Những trang sách văn học Nga mở tầm mắt tôi, soi rọi tâm hồn tôi, tôi nhìn thấy và cảm nhận tận đáy lòng ánh nắng chiếu xiên trên thân cây bạch dương, dòng nước rỉ ra từ trong lòng đất, tiếng vó ngựa của xe tam mã, tiếng cười trong trẻo của nàng Natasha…
Xuống sân bay chúng tôi lên xe hơi đi ngay về hướng Petersburg, trục đường chính nối liền hai thành phố lớn cũ và mới ngót ngàn cây số. Thật mệt nhọc nhưng lòng thật vui. Chúng tôi đã đến nước Nga rồi! Dừng lại giữa đường, ga Tver, rẽ vào Valdai. Nghe nói ngày xưa Puskin nhiều lần qua đây. Tôi hình dung nhà thơ đi xe ngựa trạm, gặp gỡ ông Benkin, nghe kể chuyện “Phát súng”, dự đánh ván bài ghê gớm có “Con đầm bích” thần sầu…
Chúng tôi nghỉ vài ngày ở Valdai, vùng hồ nổi tiếng. Đang tháng 7 mùa hè trời khô ráo, không khí mát mẻ trong lành. Giờ giấc có hơi “trúc trắc” một chút, đã hơn mười giờ đêm vẫn còn nắng. Nhưng tôi đã quen rồi, cũng tháng này năm ngoái tôi sang Nga, cũng đi theo con đường này đến ở những nơi này.
Nhưng việc lặp lại không khiến tôi nhàm chán, trái lại càng háo hức hơn, muốn được nhìn ngắm nghe thấy kỹ hơn, lắng nghe hơi thở hương vị đất đai cây cỏ, tìm hiểu sâu hơn cuộc sống con người xứ sở lớn lao này.
Valdai có nghĩa là “nước sạch”, đúng như vùng đất nó mang tên. Dân cư thưa thớt, thành phố chỉ có 18.000 dân nhưng có tới hơn 300 hồ nước. Đi đâu cũng thấy hồ và những vạt rừng bạch dương chạy dài. Nhiều nhà nghỉ kiểu izba ven hồ, đi vào bằng những con đường đất trải sỏi. Người dân đa số làm công việc chế biến gỗ, còn lại làm công chức, du lịch, giáo dục… Có một khu rừng quốc gia lớn ở Valdai.
Thật ra cả vùng là một vườn quốc gia, chính quyền không đặt nặng vấn đề sản xuất, người dân là những người giữ rừng, mọi người cùng nhau giữ rừng. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Đó là điều tôi thấm thía nhất khi sang Nga. Đi đâu cũng thấy rừng, cây cối xanh tươi. Giữa Matxcơva có hẳn một vùng rừng nguyên sinh
Suốt mấy ngày ở Valdai chúng tôi viếng bảo tàng chuông, thư viện Romanov hàng mấy trăm năm tuổi, có rất nhiều sách của tác giả VN dịch sang tiếng Nga, tu viện Iverski nguy nga, bề thế chiếm trọn cả một hòn đảo trước đây bị phá tan trong những năm nước Nga thăng trầm, vừa mới được xây lại năm 2009, tốn 60 triệu USD hoàn toàn do tiền của dân chúng đóng góp
Chúng tôi bơi xuồng trên hồ, đi bộ vào trong rừng. Bên kia hồ là một dinh thự đồ sộ trắng toát ẩn hiện trong khu rừng bạch dương. Có phải dinh thự nhà Rostov trong Chiến tranh và hòa bình đó không? Có phải cánh rừng này là nơi họ tổ chức cuộc đi săn lừng danh đó không? Không chỉ là một cuộc đi săn, đó là một màn phô diễn thiên nhiên Nga tuyệt vời, không văn chương nào sánh bằng.
Dạo 12-13 tuổi bắt đầu tập tành đọc sách, tôi đọc được một cuốn sách tên Giữa chốn ba quân, in bằng giấy gòn dày xộp, truyện nước ngoài nhưng tên người tên đất đều viết thành tên Việt, kiểu sách dịch những năm 1930-1940. Tôi đọc không hiểu gì nhiều, quên đi, sau đó nhớ lại, nhiều năm sau vẫn nhớ, câu chuyện có cái gì đó in sâu vào tâm khảm không thể nào quên.
Sau này tôi có dịp đọc lại cuốn đó, đúng theo nguyên tác là cuốn Người con gái viên đại úy của Puskin. Chuyện tình cờ vặt vãnh vậy thôi nhưng tôi thấy có gì linh ứng với văn chương Nga, từ từ, lặng lẽ nhưng thấm sâu.
Chúng tôi đi tiếp con đường ngày xưa Puskin đã đi, hướng về thành cổ Nodgorod với di tích đền đài cả ngàn năm tuổi, hai bên đường vẫn những cánh rừng bạch dương chạy dài, những ngôi nhà gỗ đơn sơ, lặng lẽ như hàng trăm năm rồi vẫn vậy. Tôi nhớ lại chuyện Người con gái viên đại úy, hình dung chàng sĩ quan trẻ tuổi đi trên đường tôi đang đi, vẫn những căn nhà gỗ đơn sơ như thế này, ra tiền đồn gặp người con gái viên đại úy, gặp người lãnh tụ nông dân Pugasov, nảy nở mối quan hệ kỳ lạ.
Ở Petersburg tôi đi thăm Viện bảo tàng Dostoievski lần thứ hai chỉ cách năm, tuy tôi đã đọc hết tác phẩm của ông, biết rõ tiểu sử của ông. Tôi nói vui: “Tôi còn nhớ rõ anh chàng Raskonikov sau khi gây án lấy bọc vàng giấu dưới khúc gỗ, đoạn chỗ nào bên bờ sông Neva”. Tôi biết tất cả, nhưng nhìn thấy tận mắt ngôi nhà ông ở, chiếc bàn ông ngồi viết, chiếc tràng kỷ ông nằm lúc lâm chung, mối xúc cảm dâng lên trong tôi dào dạt, hành trình “tội ác” và “trừng phạt” hiện rõ trong tôi hơn bao giờ hết.
Chúng tôi khép kín chuyến thăm Nga bằng chuyến xuôi trở về phương nam, ghé Matxcơva rồi về Kaluga, viếng nhà Natalia Puskina, vợ nhà thơ Puskin, nghe chuyện về phát súng định mệnh… Chúng tôi thăm vườn nhà, đi qua chiếc cầu gỗ bắc qua con lạch nhỏ. Hoa nở khắp nơi, những cây dại cũng nở hoa, cả một rừng hoa tiễn chúng tôi ra thẳng sân bay…
Cảm ơn thiên nhiên Nga, con người Nga. Cảm ơn văn học Nga đã đưa tôi đến trước với nước Nga. Thời nào ở đâu cũng vậy, văn học là cầu nối không gì sánh bằng, bền chặt với mọi quốc gia, mọi con người.
LÊ VĂN THẢO