Du lịch Udon Thani, Thái Lan, có nhiều cái để nhớ, để ngẫm, để thú vị. Trong tất thảy những điều lan man ấy, con phố Tara ở trung tâm Udon hội tụ các món ăn – chơi đặc sệt kiểu Thái, đủ tạo ấn tượng cho những ai từng một lần hưởng dịch vụ vỉa hè của nó
Cách thủ đô Vientian của Lào chưa đầy 70km, Udon Thani – một tỉnh biên giới Thái Lan, cách Bangkok 560km hướng đông bắc, thu hút khách du lịch văn hoá, với các địa danh nổi tiếng về chùa chiền, đền miếu, đặc biệt là khu di tích khảo cổ học Ban Chiang của thời kỳ đồ đồng, có niên đại từ hơn 2.000 năm trước Công nguyên, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1992. Tuy nhiên, còn có một Udon rất ấn tượng với những đặc sản thú vị trên con phố Tara.
Phố massage
Massage chân là đặc sản khách du lịch ưa chuộng sau khi đã chồn chân mỏi gối khắp Udon Thani dạo chùa chiền, chợ búa. Dễ thấy các dịch vụ massage chân rải rác đây đó khắp các ngả đường ở Udon, nhưng tập trung đông đúc nhất, sầm uất nhất với gần 20 tiệm massage vỉa hè nằm liền nhau là ở phố Tara, ven hồ Nong Prachak ngay trung tâm Udon Thani.
Từ 12 giờ trưa, các lều bạt, ghế dựa bày ra vỉa hè hướng tầm nhìn về hồ Nong Prachak, càng muộn về chiều, các tiệm massage tấp nập khách ra vào. Ai đến con phố này cũng thật khó từ chối một suất massage chân với giá tiền Việt 50 ngàn cho đúng 1 giờ đồng hồ để kỹ thuật viên đánh vật không chừa một lỗ chân lông nào với các động tác day, ấn, điểm, bóp, xoa, chặt, bẻ khắp lòng bàn chân đến tận bắp vế, bắp đùi.
Chị Thanida, một kỹ thuật viên massage vỉa hè, quê ở huyện Kumphawapi cách trung tâm tỉnh Udon 43km, với thâm niên bốn năm nghề cho biết: “Khách Việt Nam cũng hay đến đây, thăm bà con ở Udon Thani, chiều ra bờ hồ tập thể dục, dạo chơi hay ghé vào massage chân cho khoẻ. Mỗi ngày trung bình một kỹ thuật viên ở đây làm ít nhất 5 người từ lúc mở cửa 12 giờ trưa đến 10 giờ tối. So với làm nghề nông ở quê thì thu nhập từ massage chân khá hơn nhiều”.
Từng dãy ghế nằm xếp lớp, trên đó là những khách đang lim dim tận hưởng cảm giác phục vụ massage chân kiểu Thái ngay vỉa hè, vừa ngắm người qua lại, hít thở không khí trong lành với những đợt gió mát rượi thổi từ phía bờ hồ, văng vẳng lại là tiếng nhạc dance sôi động của sân thể dục nhịp điệu công cộng ven bờ hồ Nong Prachak với hàng trăm người tập luyện mỗi buổi chiều, trông toàn cảnh con phố thật vui nhộn, hào hứng, nhưng cũng rất nhẹ nhàng, thanh thản và yên bình.
Và ẩm thực vỉa hè
Càng về chiều, thật khó để tìm được một chỗ đậu xe trên con đường Tara, sau khi đã lượn tới lượn lui hơn 15 phút đồng hồ. Anh lái xe người Lào mặt nghệch ra: “Chiều ở đây lúc nào cũng đông, người ta đi tập thể dục toàn đi xe hơi, rồi ghé vào các tiệm bóp chân thư giãn, sau ra vỉa hè ăn tối mới về nhà, bởi vậy kiếm chỗ đậu xe trên đường này khó lắm”.
Tara chỉ là một đoạn đường ngắn, chiếm hơn nửa trong số đó là tiệm massage chân và các dịch vụ tô tượng, vẽ tranh cho thiếu nhi, nhưng điểm thích thú nhất đối với khách du lịch phương xa là những món ẩm thực kiểu Thái bày la liệt đủ màu sắc, nồng vào mũi đầy mùi vị và sự hấp dẫn.
Tara còn được gọi bằng một tên khác là “đường ẩm thực an toàn” (safety food road) – được gắn biển hiệu bằng tiếng Anh hẳn hoi. Từ 5 giờ chiều, những xe bán gỏi đu đủ, ba khía, sò huyết… cay xè, tươi rói, quầy nước ép trái cây tươi, quán lẩu, quán nướng san sát nhau vô cùng nhộn nhịp. Món lẩu Thái ở Tara được xem là món khoái khẩu nên chưa đầy 6 giờ đã kín chỗ ngồi với chừng gần 20 bàn. Một nồi nước lẩu, kèm đủ thứ từ thịt bò, rau, cá, tôm, sò, trứng gà… bày chật cả bàn ăn, ai nấy sì sụp chan húp, xuýt xoa vì vị cay đến vã mồ hôi trong nỗi sướng khoái.
Tara chỉ nhộn nhịp đến tầm 9 giờ, sau khi đã no căng với đủ món đặc sản kiểu Thái, khách lục tục ra về, ai cũng tươi cười hớn hở vì ngon và rẻ. 10 giờ, các hàng quán lần lượt đóng cửa, trả lại con đường Tara vắng vẻ cho đến tận trưa hôm sau.
Bài và ảnh Nguyễn Đình