Phú Xuân – Thuận Hóa – Thừa Thiên Huế đã trải qua hơn 700 năm xây dựng và phát triển. Từ trung tâm kinh tế chính trị của Đàng Trong và kinh đô của Nước Việt Nam dưới triều Nguyễn, nay trở thành Cố đô.
Thừa Thiên Huế đang bảo tồn chân dung của một kinh đô với hàng trăm công trình nghệ thuật tinh xảo, phong phú, đa dạng về phong cảnh, đậm đà bản sắc truyền thống dân tộc, hoà quyện vào cảnh quan kỳ diệu của thiên nhiên, có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hoá nghệ thuật, kết tinh của nền văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, đây còn là nơi lưu giữ nhiều di di tích gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều ngôi chùa mang đậm bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như sông Hương núi Ngự, Bạch Mã, Hải Vân, Lăng Cô, Tam Giang – Cầu Hai… Thừa hưởng được một tài nguyên văn hóa có giá trị tiêu biểu, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp; đồng thời, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao mang tầm quốc tế đã được tổ chức rất thành công trong những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy đủ điều kiện để đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia. Sau khi nhận được ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đang gấp rút hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức Năm du lịch quốc gia 2012 để trình Ban chỉ đạo Quốc gia thông qua. Trong đó, tỉnh đề xuất lấy chủ đề của năm du lịch là “Huế – kinh đô cổ – trải nghiệm mới”. Qua những hoạt động được tổ chức, văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đã được biết đến nhiều hơn, nó không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn lan tỏa mạnh ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Du khách đến với Huế, đến với Việt Nam ngày một nhiều hơn, góp phần khẳng định du lịch Thừa Thiên Huế, du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn.
Từ quan điểm đó, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến đề xuất một số chương trình được tổ chức trong Năm du lịch quốc gia 2012, trong đó có sự phân công rõ ràng, cụ thể giữa đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp của mỗi một chương trình.
Tựu chung lại có một số chương trình sẽ diễn ra trong Năm du lịch quốc gia 2012 như: Giải leo núi Bạch Mã mở rộng; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Liên hoan âm sắc miền di sản gắn với sự giao lưu của các địa phương có di sản được UNESCO công nhận; Liên hoan du lịch quốc tế “Điểm hẹn di sản thế giới – Huế – Việt Nam” gắn với các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch; Lễ hội Phật đản và lễ hội Hoa đăng gắn với khung cảnh uy nghiêm, trầm mặc của các ngôi chùa Huế và sự thơ mộng của dòng sông Hương; Festival Huế 2012, Khám phá phá Tam Giang, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Huế – Việt Nam năm 2012; Ấn tượng mưa Huế…. Trong số các chương trình của Năm du lịch quốc gia, Festival Huế 2012 được xác định là điểm nhấn then chốt.
Festival Huế 2012 sẽ diễn ra từ ngày 7-15/4/2012 với chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, “ Điểm hẹn các di sản thế giới, nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” từ các châu lục và hội nghị toàn thể lần thứ 13 Liên đoàn các thành phố lịch sử. Festival lần này vẫn xác định Cộng hòa Pháp là đối tác chính, ngoài ra lựa chọn một số quốc gia khác có đoàn nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc để mời tham gia. Bên cạnh các đoàn nghệ thuật nước ngoài, sẽ mời một số đoàn nghệ thuật của trung ương, thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các vùng văn hóa tiêu biểu khác của Việt Nam.
Phạm vi tổ chức của Festival Huế 2012 chủ yếu tập trung tại TP. Huế và một số khu vực của các huyện, thị xã, trong đó sẽ tiếp tục khai thác vẻ đẹp của Đại Nội, của sông Hương; đồng thời, nghiên cứu để tổ chức một số chương trình tại Cồn Dã Viên, hình thành các điểm dịch vụ, trung tâm dịch vụ phục vụ du khách tại phố cổ Gia Hội, đường dọc sông Hương ở Phú Cát (đường Trịnh Công Sơn), đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…
Ngoài các chương trình nghệ thuật chính mang đậm bản sắc văn hóa Huế đã được tổ chức qua các kỳ Festival Huế, sẽ lựa chọn một số chương trình như Đêm Hoàng Cung, lễ hội Áo Dài… để nâng cao chất lượng và tăng số lần tổ chức. Tăng cường tổ chức các lễ hội có tính cộng đồng để thu hút nhiều người dân và du khách tham gia như Lễ hội Hương xưa làng cổ ở Phước Tích, Chợ quê ngày hội ở Cầu ngói Thanh Toàn… đồng thời, sẽ nghiên cứu tổ chức một lễ hội mới gắn với sự kiện 325 năm Chúa Nguyễn Phúc Thái chọn Phú Xuân làm thủ phủ xứ Đàng Trong.
Việc kết nối giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương để tổ chức Năm du lịch quốc gia thể hiện qua việc phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các trang thông tin điện tử, báo chí, triển lãm, hội chợ, hội nghị xúc tiến… Đồng thời, các địa phương sẽ tổ chức các hoạt động như Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng, Đêm phố cổ Quảng Nam, Lễ hội tri ân ở Quảng Trị, lễ hội hang động Việt Nam ở tỉnh Quảng Bình, Lễ hội khao lề thế lính ở Quảng Ngãi, Lễ hội Lam kinh ở Thanh Hóa, Lễ hội Làng Sen ở Nghệ An…
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn phối hợp các địa phương xây dựng, bổ sung và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch “Một điểm đến 5 di sản thế giới”, “Huế – với hành trình qua các kinh đô Việt”, “Huế trên con đường xanh huyền thoại”, “Huế trên con đường xuyên Á”, “Đông Dương – 3 Cố đô – Một điểm đến”, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn – Một điểm đến”, “Ngược dòng thời gian theo chân Bác Hồ”…
Tỉnh Thừa Thiên Huế tin tưởng rằng, là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, năm 2012, Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia – một sự kiện du lịch lớn gắn với Festival Huế 2012 sẽ giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, hệ thống các di sản văn hoá, thiên nhiên đặc sắc, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và tạo tiền đề quan trọng để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xứng đáng là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, trung tâm y tế chuyên sâu của đất nước./.
Nguồn: VEN.vn