Nhu cầu về khách sạn cao cấp tại Việt Nam đang tăng đáng kể. khách du lịch hiện nay có xu hướng chọn loại hình khách sạn theo tiện nghi và dịch vụ hơn là chỉ quan tâm đến giá cả.
Hôm qua (8/6), Công ty Grant Thorton Việt Nam đã thông báo kết quả của chương trình Khảo sát Ngành dịch vụ khách sạn thường niên. Cuộc khảo sát năm 2011 nằm trong chương trình nghiên cứu về khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ trung cấp đến cao cấp tại Việt Nam.
Mặc dù có nhiều biến động bất lợi về kinh tế nhưng theo nghiên cứu này, năm 2010 được coi là một năm thành công của ngành du lịch Việt Nam. Số lượng du khách nội địa và quốc tế đạt mức kỷ lục mới, cùng với đó là sự tăng chung về giá phòng và công suất sử dụng phòng.
Khu nghỉ dưỡng 5 sao Furama ngày 4/6/2011. Người Việt chiếm số lượng lớn du khách tại đây
Số lượng khách quốc tế tăng 34,8%, khiến giá thuê phòng trung bình tăng lên 83,3 USD/đêm. Cùng với đó, tỷ lệ khách nội địa lưu trú tại các khách sạn cũng gia tăng, cho thấy số lượng ngày càng nhiều người Việt Nam đi nghỉ trong nước và ở tại các khách sạn cao cấp.
Mức lợi nhuận của ngành du lịch cũng tăng với chỉ số trung bình EBITDA (thu nhập trước lãi suất, thuế và các khấu hao từ 27,1% lên 35,6%).
Công suất sử dụng phòng trung bình của các khách sạn cao cấp tăng 1,9%, trong khi giá thuê phòng tăng 6,8%.
Xét theo xếp hạng sao, đáng chú ý là công suất sử dụng phòng của nhóm khách sạn 4 sao và 5 sao có mức tăng lần lượt là 5,3% cà 5%, trong khi đó công suất khách sạn 3 sao giảm 1,6%. Điều này cho thấy nhu cầu của khách hàng đang hướng sang các khách sạn có chất lượng cao. Tiện nghi và dịch vụ của khách sạn được coi trọng hơn cho dù giá cả vẫn tăng.
Về cách thức đặt phòng du lịch, số khách hàng đặt phòng qua các đại lý và công ty du lịch chiếm 45,4%. Khách hàng đặt phòng trực tiếp với khách sạn chiếm 29%, trong khi đặt phòng qua mạng chiếm 10,1%, còn lại là các kênh đặt phòng khác. Tỷ lệ đặt phòng qua Internet ở Việt Nam vẫn kém xa các nước phát triển.
Nguồn: VnMedia.vn