Không chỉ đắm mình nơi bãi biển hoang sơ trải dài hay khám phá những điểm du lịch kỳ thú, các tour mới đến với vùng biển đảo đầy nắng gió xứ Quảng cũng là một cách “tiếp sức ngư dân bám biển, bám đảo, giữ vững chủ quyền Tổ quốc máu thịt mến yêu”…
Từ Sài Gòn vượt 875km đường trường bằng ôtô, bãi biển Khe Hai (xã Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi) mà người dân địa phương quen gọi là bãi tắm Thiên Đàng trong veo vỡ òa trước mắt, hứa hẹn những ngày thỏa thuê vùng vẫy sóng biển.
Lạc chốn thiên đàng
Biển chưa có khu dân cư nên còn đầy nét hoang sơ quyến rũ. Lúc bình minh lên tỏa ánh hồng dương trên làn nước biển trong vắt là thời khắc tuyệt vời nhất để khách du lịch hòa mình giữa muôn trùng con sóng mơn man vỗ về. Bờ cát lài thoai thoải, ra xa cả cây số nước vẫn chỉ ngang ngực. Kề bên khu du lịch Thiên Đàng là tổ hợp Chu Lai resort và Phi Trường resort, nối liền biển Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Điều thú vị là ở bãi biển giáp ranh hai tỉnh này, khách du lịch có thể cùng lúc tắm biển ở hai tỉnh khác nhau. Và điểm nối hấp dẫn giữa hai bãi biển Chu Lai và Khe Hai chính là làng chài sát biển.
Sáng trên bãi biển thích thú xem điệu múa đón bình minh của lũ còng cáy, dã tràng. Chiều xuống gió nồng nàn từ hướng biển là lúc dân chài bày ra những món cua, cá, ốc tươi rói mới đánh bắt, mùi hương dân dã hút chân khách phương xa nếm thử những món ngon mộc mạc. Đêm dìu dịu buông trong ánh lửa trại bập bùng, thấp thoáng ngoài bãi biển rầm rì sóng vỗ… mới thấy như lạc vào chốn thiên đàng thật sự.
Rời những bãi biển đẹp hoang sơ, khách cũng no mắt với bộ sưu tập 10.000 cổ vật của khu bảo tàng tư nhân nằm ven bãi biển Khe Hai – Chu Lai, ngắm nhìn bộ sưu tập cổ vật khổng lồ, từ những hũ tiền cổ thời Tây Hán (thế kỷ 3) đến bộ sưu tập gốm sứ Đồng Nai, gốm nung Sa Huỳnh, văn hóa Óc Eo, văn hóa Champa, văn hóa Đại Việt; bộ sưu tập súng thần công với khẩu súng hỏa hổ mà quân vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã sử dụng trong cuộc tấn công quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu 1789…
Lý Sơn kỳ ảo sắc màu
Trong vô số điểm đến kỳ thú của Quảng Ngãi, Lý Sơn mới là điểm đến được trông đợi để khám phá nhất. Quanh đảo có nhiều miệng núi lửa và nhiều bãi đá đen chạy dọc các bãi biển, vốn là nham thạch thoát ra từ các miệng núi lửa.
Có đến thăm nhà lưu niệm hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo mới hiểu phần nào những huyền tích oai hùng về đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) từ hàng vài thế kỷ trước. Và rồi cùng rưng rưng vọng về quá khứ hào hùng của cha ông nơi Âm Linh Tự, quần thể mộ gió, nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa và các chiến binh đã bỏ mình trên biển.
Thiên Khổng Thạch Tự – chùa Hang là điểm đến khó bỏ qua trên đảo, bởi ngôi chùa vốn là một hang đá tự nhiên xây dựng từ hơn 300 năm trước với những khối đá mang những vòng xoáy trôn ốc đầy ấn tượng, trông như những chú ốc khổng lồ đứng nghênh đón gió biển. Những cây bàng vuông cổ thụ phía trước chùa Hang vốn được các chiến binh đem giống từ Hoàng Sa về trồng mấy trăm năm trước.
Một điểm đến mời gọi khác là chùa Đục nằm dưới chân miệng núi lửa với tượng Quan Thế Âm cao 27m nhìn ra đảo Bé. Đỉnh núi là miệng núi lửa, nơi du khách phóng tầm mắt xuống cảnh những ruộng lúa, vườn đậu xanh mơn mởn và biển xanh trong trập trùng xa khơi. Rồi những kiến trúc cổ độc đáo ở đền thờ Lăng Chánh, đình làng An Hải, đền thờ Cá Ông, dinh Tam Hòa… Nếu có dịp đi thuyền quanh đảo, bạn còn được ngắm nhìn những rạn san hô kỳ ảo sắc màu..
Còn nhớ trên chuyến tàu từ đảo Lý Sơn trở về đất liền, một du khách đã nói một câu thật thấm thía: “Đến Lý Sơn bây giờ là tiếp sức cho ngư dân bám biển, bám đảo, giữ vững chủ quyền Tổ quốc máu thịt…”. Lòng lại hẹn lòng một ngày không xa trở về cùng tiếp sức cho ngư dân vùng biển đảo thân yêu.
KHÁNH NGỌC