Yogyakarta (hay còn gọi là Jogjakarta) là cố đô của Indonesia– trung tâm văn hóa nghệ thuật đặc trưng nhất vùng Java. Dù độc hành, những ngày hối hả ở trung tâm mỹ thuật cổ điển và văn hóa batik, ballet, kịch, nhạc, thơ và múa rối này đã để lại trong lòng khách du lịch những ấn tượng không thể nào quên.
Trong một hành trình vội vã ở Yogyakarta, tôi biết mình không đủ thời gian để khám phá hết những đường nét và lối sống của cố đô lịch sử này, nhưng tôi hạnh phúc vì đã có cơ hội được đi bộ trên phố Malioboro, được nghe những giai điệu âm nhạc Java truyền thống một cách say đắm và mải mê, đến quên cả một cơn mưa bất ngờ ào ạt trút vào thành phố.
Nơi lịch sử chồng lên lịch sử
Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó rằng Yogyakarta là một nơi mà lịch sử chồng lên lịch sử, không thiêu hủy, cũng không chia cắt. Bằng chứng cho điều đó chính là sự tồn tại song song của các ngôi chùa Phật giáo, các ngôi đền Ấn giáo và các thánh đường Hồi giáo nguy nga ở Yogyakarta.
Nếu thủ đô Jakatar là trung tâm tài chính, kinh tế, công nghiệp của đảo Java (Indonesia) thì Yogyakarta chính là linh hồn của Java. Trong sự chuyển động không ngừng của cuộc sống, một mặt Yogyakarta đang cố gắng bảo vệ và gìn giữ nếp sống truyền thống, mặt khác đang trở thành một thành phố sôi động, hiện đại với hàng loạt quán xá trên phố và đối diện với nguy cơ tắc đường hằng ngày.
Đó chính là lý do để du khách tự trả lời câu hỏi vì sao trên đường phố, xe buýt to chở khách du lịch, xe tải chở hàng, ôtô con, xe máy, xích lô, xe đạp và xe ngựa lại có thể cùng tồn tại. Dù cuộc sống hiện đại đang cuốn Yogyakarta vào vòng xoáy không ngừng, thì cố đô này vẫn là chốn dừng chân đáng giá cho rất nhiều du khách.
Sôi động Malioboro
Malioboro là trung tâm mua sắm và buôn bán ở Jogia. Tôi tin thế. Đây là con đường tuyệt vời nhất ở Yogyakarta đối với tôi và với nhiều du khách cũng như với chính dân địa phương ở cố đô này.
Con đường cắt ngang thành phố, một đầu là nhà ga xe lửa Tugu và đầu kia là cung điện hoàng gia Kraton. Hàng trăm cửa hàng, cửa hiệu cung cấp vô số sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Indonesia như vải batik, quần áo, giày dép, mũ nón, túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ, phụ kiện, hàng lưu niệm…
Sự san sát và đầy ắp của hàng hóa, cửa hàng, kẻ bán người mua… dễ dàng làm du khách choáng váng và phải mất một thời gian kha khá mới có thể hình dung mình nên tiếp cận Malioboro thế nào để có thể mua về những món đồ hữu dụng và giá trị nhất.
Sosrowijayan là một con phố nhỏ rẽ vào từ Malioboro, gần về phía nhà ga Tugu. Với dân backpacker, Sosrowijayan là một nơi lý tưởng để tìm kiếm thông tin du lịch, xe cộ, di chuyển, khách sạn, nhà nghỉ và khám phá thế giới ẩm thực của Yogyakarta mà không cần tốn kém quá nhiều thời gian và tiền bạc.
Buổi tối, Malioboro trở nên chật hẹp và đông đúc hơn bởi sự góp mặt của hàng trăm cửa hàng, xe hàng lưu động tràn ra đầy vỉa hè và trên mặt phố. Ngoài mục đích buôn bán, những người dân Yogyakarta còn đến Malioboro như một thói quen sinh hoạt truyền thống. Họ đứng ngồi cạnh xe hàng, trên xe ngựa, xe xích lô để chuyện phiếm, uống trà, ăn vặt và hít thở không khí mát lành.
Đặc biệt, thanh niên Yogyakarta thường tụ tập thành nhóm chơi đàn, trống, các dụng cụ âm nhạc truyền thống và ca hát tưng bừng. Nam thanh niên Yogyakarta có thể vừa đứng bán hàng vừa hát vang vang, đôi khi không quan tâm đến việc du khách có mua hàng hay không, họ chỉ hát và chơi nhạc như họ muốn, điều đó khiến họ vui và mang lại niềm vui cho những người xung quanh. Thế là đủ.
Giữa Yogyakarta sôi động, giữa tiếng hát trên phố Malioboro sôi động, tôi biết nhiều du khách có thể cảm nhận được sự giản dị và bình yên trong cuộc sống ở cố đô Yogyakarta. Và tôitin mình sẽ còn nhớ về cố đô sôi động và mộc mạc ấy trong nhiều hành trình dài sau này…
THỦY TRẦN – Ảnh: ĐỨC GIANG