Đêm Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc (tỉnh Hà Giang) xa vời và sâu thẳm, khách du lịch sẽ nghe được tiếng khèn gọi bạn tình để đánh thức được núi rừng.
“Em ơi hãy đến với anh ở đầu nguồn sông Nho Quế, chúng mình sẽ thề sống với nhau suốt đời, anh sẽ chung tình với em như con ngựa già chí tình với chủ”.
Ban mai bừng lên, Lũng Cú lộng lẫy và đồ sộ với những ngọn núi cao chất ngất, những vỉa đá xanh lạnh thử thách lòng dũng cảm con người. Dòng sông Nho Quế như một con rồng uốn lượn, lấy thân mình làm đường biên giới phân chia giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Những cô gái Mông, Lô Lô, Pu Péo trong trang phục sặc sỡ của dân tộc mình thoăn thoắt gùi nước. Lũng Cú là vùng khát nước, khát lắm lắm, có những khi mấy tháng trời không có mưa, bà con các dân tộc không có nước sạch để dùng, những con suối cũng cạn. Chính vì thế mà đôi chân trần con gái nơi đây phải thật dẻo dai mới có thể đi tìm được nước.
3/4 diện tích của xã Lũng Cú là đá. Khách du lịch đến đây có cảm giác như sự sống của con người quá mỏng manh. Ấy thế mà cuộc sống nơi địa đầu Tổ quốc này lại không hề buồn tẻ. Đá xanh vẫn phải nằm dưới những đôi chân trần mềm mại. Tuy nhiên, toàn xã có đến 330 gia đình thuộc diện nghèo, chiếm trên 40% số hộ gia đình nơi này. Mùa đông rét cắt da mà trẻ con không đi giày dép, chỉ mặc một bộ quần áo mong manh. MTTQ xã đã phải phát động phong trào “Áo ấm cho người già và trẻ nhỏ” kêu gọi cả nước hướng về Lũng Cú thân yêu.
Thung lũng Thèn Ván rộng 50 ha, giống như một bông hoa tươi cực lớn trên mảnh đất này. Giữa những chênh vênh đá mà có một thung lũng bằng phẳng xanh rì quanh năm với đủ loại màu lúa, ngô, khoai, sắn. Những đôi trai gái yêu nhau thường xuống thung lũng hẹn hò. Những cô gái Lô Lô đã yêu chàng trai Mông, con trai Pu Péo lấy vợ người Dáy không còn là chuyện hiếm.
Đến Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc không ai lại không muốn một lần nếm thử món thắng cố tuyệt vời. Đây là món đặc sản của người Mông. Nguyên liệu chính để làm thắng cố là thịt ngựa, hoặc thịt trâu, bò. Các bộ phận như thịt, xương, tim gan… cho vào nồi nấu nhừ sau đó cho thêm rau vào, thậm chí thêm một ít bột ngô, khi chín có vị thơm phức, ngọt đậm trong lưỡi, rất bổ dưỡng. Món thắng cố đã mang lại cho bà con vùng cao sức khỏe, để họ có thể đi qua mấy ngọn núi cao vực thẳm mà không thấy mệt. Chè shan tuyết cũng là đặc sản ở Lũng Cú. Cây chè này đang là nguồn thu nhập của bà con nơi đây.
Cuộc vận động nhân dân các dân tộc trong xã bảo vệ biên cương Tổ quốc là mảng hoạt động quan trọng của MTTQ và đồn biên phòng Lũng Cú. Mặc dù đường biên hiểm trở nhưng bà con nhân dân luôn là tai mắt của bộ đội biên phòng, khi phát hiện người lạ xâm nhập thì kịp thời cấp báo. Mỗi bản, làng đều có tổ an ninh biên giới tuần tra giám sát tình hình, mỗi người dân đều nêu cao ý thức giữ gìn biên cương như bảo vệ chính gia đình mình.
Được sự hỗ trợ từ nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, bà con nhân dân các dân tộc sống trên miền đất địa đầu tổ quốc này đang tích cực phát triển kinh tế gia đình. Số hộ nghèo đang giảm dần. Đất rừng đã được giao đến hộ gia đình để tạo thu nhập ổn định, đó là giải pháp tích cực để bà con yên tâm làm ăn, bảo vệ quê hương.
Một nội dung quan trọng của Mặt trận trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là khôi phục lại lễ hội dân tộc, các trò chơi dân gian và may quần áo dân tộc mình. Những cô gái Mông, Lô lô, Pu Péo, Dáy… lại ngồi bên khung cửi dệt những tấm vải đủ màu sặc sỡ.
Mùa hè lên Lũng Cú, khách du lịch thấy những chú ngựa thồ chất ngất những trái lê, táo, mận, đào cùng bà con dân tộc xuống chợ phiên Lũng Cú. Men theo các triền núi chênh vênh mờ sương, con trai đem theo khèn, con gái cõng quẩy tẩu, cắp ô, tiếng lục lạc, tiếng ngựa hý âm vang cả núi rừng. Đàn ông tụ tập thành nhóm thổi khèn lá, khèn bè, đàn môi mời gọi bạn tình, rượu ngô trong vắt rót tràn bát để mời nhau bên những nồi thắng cố sôi sùng sục. Chiều về, tiếng vó ngựa xa dần, nhưng khách du lịch vẫn bị ám ảnh bởi đây đó âm vang tiếng khèn.
Nguồn: Đại Đoàn Kết