Thác Trị An như hình ảnh người phụ nữ khóc thương chồng đến hóa đá trong truyền thuyết, còn thác Hoà Bình như một bức tranh thuỷ mặc tuyệt đẹp trầm lắng trong tiếng chuông chùa.Đến với Đồng Nai , khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng những ngọn thác kỳ thú này.
Hoang sơ thác Trị An
Đây được xem là con thác cuối cùng của sông Đồng Nai với truyền thuyết đẹp về nguời phụ nữ biến thành đá vì khóc thương chồng.
Thác Trị An hùng vĩ với những vách núi đá cheo leo, với dòng nước đập mạnh vào những khối đá giữa dòng hay rải rác dưới chân thác, tạo nên những âm thanh như tiếng khóc nỉ non. Càng về sau, dòng chảy mở rộng ra thành dòng suối hiền hoà tưới mát ruộng vườn.
Đến thác Trị An, khách du lịch không những được chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà còn ngắm hồ Trị An thơ mộng trong những chiều hoàng hôn, những đêm trăng sáng. Bạn có thể ngồi trên con thuyền trôi giữa hồ hay ghé vào những hòn đảo nhỏ trên hồ, thưởng thức những món cá chuột tươi ngon (cá có mắt, đầu giống chuột, kêu chít chít khi bị câu lên khỏi mặt nước), hay cá Hoàng Đế, sản vật của hồ.
Thác Trị An ở trên sông Đồng Nai, gần Xóm Cát, cách Biên Hòa khoảng 36 km.
Êm Đềm thác Hoà Bình
Thác Hòa Bình toạ lạc tại xã Sơn Phú, huyện Tân Phú, Đồng Nai, gần chùa Linh Phú. Có hai đường vào thác, một là từ khe Thanh Lương băng qua những vách đá chênh vênh tiến vào bên trong. Hướng thứ hai là con đường đá ngoằn ngoèo bên hông chùa. Phương án 2 dễ đi hơn nhưng quang cảnh không đẹp bằng, hay cảm giác phiêu lưu khi băng qua những vách đá cheo leo, bước vào những mảng tranh tối, tranh sáng không nhiều bằng hướng thứ nhất.
Dù đến bằng hướng nào thì khi đứng trước ngon thác cao khoảng 100m với 5 tầng nước ẩn hiện sau rừng tre xanh ngát, với sự hài hoà đến tuyệt đối của bức tranh rừng – thác, du khách đều ngỡ ngàng như đang dừng chân tại chốn thiên thai. Dù tuôn xuống từ trên cao, dòng chảy của thác êm đềm và thơ mộng, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát chứ không ồn ào như những thác khác.
Mênh mông thác Ba Zọt
Toạ lạc ở xã Phú Hoà, Định Quán, Đồng Nai, thác Ba Zọt cách quốc lộ 20 khoảng 8km. Hai bên đường vào thác tùy theo mùa mà thơm ngát hương thơm của những loại hoa, quả. Địa hình thác giống như hai chiếc ly xếp tầng lên nhau. Dòng nước chảy từ chiếc ly cao hơn, xuống đĩa thấp hơn, len qua những tầng đá, nên thác có khá nhiều dòng chảy, trong đó có 3 dòng chảy lớn nhất. Tên gọi của thác bắt nguồn từ đó.
Điều đặc biệt ở thác là sự đối lập hoàn toàn giữa cái khô cằn của những bãi đá góc cạnh với hồ nuớc rộng bao la với đảo Tình nhân xanh um giữa hồ bên dưới. Dong thuyền trên hồ, câu cá hay thưởng thức món cá lăng tại các quán gần thác là những trải nghiệm thú vị khi đến nơi này.
Nên thơ thác Mai
Thác Mai toạ lạc tại huyện Định Quán, Đồng Nai, cách quốc lộ hơn 20km. Đường vào thác khá vắng nên không nên đi nếu có ít người.
Gọi là thác, nhưng thác Mai không có dòng nước tuôn ào ạt từ trên xuống mà len lỏi và trải dài qua những triền đá. Cách “cảm” thác tốt nhất là tắm trong những ghềnh nước nhỏ, cảm nhận cái lạnh của nước, cái trơn của đá và rêu.
Đến thác mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là từ Giáng sinh đến giữa tháng giêng, khi hoa mai nở trắng trên triền núi. Núi rừng như khoác lên một chiếc áo mới đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. Đừng quên đến hồ nước nóng trước khi mặt trời mọc để ngắm hơi nước lãng đãng trên mặt hồ, hay ngâm chân vào bồn nước nóng sau để làm dịu đôi chân sau khi vượt thác.
Hùng vĩ thác Giang Điền
Trong các thác ở Đồng Nai, đây là ngọn thác có sự can thiệp nhiều nhất của con người. Nhưng cũng nhờ đó đường đến thác Giang Điền dễ đi hơn, thác cũng an toàn hơn với những nhóm bạn thích cắm trại, hay chơi các trò chơi mạo hiểm.
Ngoài ngọn thác cao khoảng 20m, ngày đêm cuồn cuộn chảy, cái duyên của nơi này là truyền thuyết về tình yêu sắt son của đôi trai gái, cái nên thơ của dòng suối uốn lượn quanh bãi cỏ xanh ngát, của chiếc cầu tre chênh vênh trên mặt nước, của đàn cá tung tăng bơi lội.
Nguồn: TITC