Cách TP Lào Cai 50 km về phía đông bắc, huyện Mường Khương được thiên nhiên ưu đãi về địa hình, khí hậu, cùng sự biến thiên của lịch sử đã tạo cho vùng đất này có những danh lam thắng cảnh kỳ vĩ và huyền thoại làm nức lòng bao nhiêu khách du lịch.
Ngoài nét đẹp văn hoá truyền thống của 14 dân tộc anh em đang được lưu truyền, Mường Khương còn có quần thể hang động Hàm Rồng ở khu vực thôn Na Bủ, xã Tung Chung Phố, cách trung tâm thị trấn 1 km. Quần thể hang động Hàm rồng vây quanh các bản làng của người Nùng, Pa Dí, Tu Dí và cánh đồng Tùng Lâu, Na Bủ – một vựa lúa của Mường Khương.
Động Hàm Rồng là một quần thể hang động gồm 4 hang, trong đó có 2 hang chính nối liên hoàn với nhau có chiều dài 750m, cửa chính vào động là nơi bắt nguồn của dòng suối Tùng Lâu trong vắt quanh năm, uốn mình tạo thành dòng thác Pao Tủng – một thắng cảnh tuyệt diệu hấp dẫn du khách. Trong động có nhiều nhũ đá màu ánh bạc trong suốt, đan xen nhau, tạo thành bức màn gió rất đẹp. Hai bên vách động là những nhũ thạch nhiều hình thù, buông xuống tự nhiên như dải áo cà sa khổng lồ. Nếu được tôn tạo, trong động có thể bơi thuyền đi lại dễ dàng. Đây là hang động chứa nhiều yếu tố dân gian phong phú và hấp dẫn, phần nào phản ánh đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Mường Khương. Do các yếu tố đó mà quần thể hang động Hàm Rồng đã được xếp hạng di tích danh thắng Quốc gia.
Lũng Pâu là tên gọi một hang động nằm sâu trong lòng dãy núi đá vôi sừng sững, ít hơi nước. Chính nơi đây vào thập niên 60 (thế kỷ XX) đã phát hiện một trống đồng Pha Long (Hêgơ1) nổi tiếng có niên đại cách đây 4 nghìn năm. Trong động còn có nhiều hình thù bằng đá như một kho công cụ sản xuất, như cày, bừa, cuốc, trâu, bò, lợn, gà…
Mường Khương còn có hang động Sừ Ma Tủng, Mười Ngựa (Tả Ngải Chồ), Nấm Oọc (Nấm Lư), Cao Sơn… Các hang động này đều ẩn mình trong lòng dãy núi đá vôi cao chót vót, xưa kia nơi đây là căn cứ hoạt động chống Pháp, tiễu phỉ của quân và dân ta.
Ngoài vẻ đẹp và khí hậu ôn hoà do thiên nhiên ban tặng, Mường Khương còn là vùng đất bảo lưu nhiều vốn văn hoá dân gian truyền thống của 14 dân tộc anh em, như “Hội cúng rừng cấm bang” của người Nùng, “Lễ 23/6” của người Pa Dí, “Hội Sải Sán”của người Mông… Trong các lễ hội, các trò chơi dân gian như ném pao, kéo co, đẩy gậy, múa khèn; hát giao duyên, dân ca… diễn ra trong khung cảnh đông vui làm tăng thêm sự hấp dẫn của vùng đất xứ Mường.
Nguồn: Báo Lào Cai