Tehran đang giữa mùa xuân. Sau một mùa đông có nhiều đợt tuyết rơi và kéo dài, đây là lúc cây cối ra lộc biếc. Thỉnh thoảng lại có trận mưa xuân, đủ cho cây càng xanh và hoa càng nở rộ. Tiết trời dịu mát này mà chọn một nơi gần sa mạc để du lịch là thích hợp.
Chúng tôi chọn thành phố Yazd ở miền trung Iran, gần sa mạc. Chỉ một chuyến xe đêm, chưa đầy tám giờ là đến Yazd, thành phố cách thủ đô 600km. Dân số thành phố hiện nay là hơn 500.000 người, toàn tỉnh gần 1 triệu.
Theo các nhà khảo cổ phương Tây, Yazd là một trong những vùng có con người đến sinh sống lâu đời bậc nhất trên thế giới: từ 7.000 năm trước.
Hỏa giáo và ngọn lửa vĩnh cửu
Yazd có cộng đồng Hỏa giáo (Zoroastrianism) đông đúc nhất Iran. Hỏa giáo do giáo sĩ Zarathustra sáng lập hơn 1.000 năm trước Công nguyên – cũng là tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại.
Nói Hỏa giáo người Việt có thể thấy hơi xa lạ, nhưng nếu đã đọc Zarathustra đã nói như thế, bản dịch từ cuốn Thus Spake Zarathustra của triết gia người Đức Nietzsche, coi như phần nào nắm bắt cái thần của triết học Hỏa giáo. Hỏa giáo tồn tại được một thời gian ngắn ở xứ Ba Tư rồi bị đàn áp, phải bỏ chạy sang Ấn Độ. Ở Bombay ngày trước, tôi đã đến thăm cộng đồng Hỏa giáo và tháp Bình Yên của họ (Tower of Silence).
Tổng số tín đồ Hỏa giáo trên thế giới hiện nay là 150.000 người, chủ yếu sinh sống ở Ấn Độ. Cộng đồng Hỏa giáo ở Bombay rất phát đạt trong kinh doanh và công nghiệp. Loại xe ôtô Mazda là lấy tên thần Ánh Sáng của tôn giáo này. Theo đó, Hỏa giáo còn có tên là Mazdaism hoặc Magism. Ảnh hưởng của cộng đồng Hỏa giáo ở Ấn Độ có ý nghĩa đến mức mỗi khi xảy ra bất đồng giữa Ấn Độ và Pakistan thì họ được coi là một kênh liên lạc.
Ở “chính quốc” Iran, Hỏa giáo bây giờ là cộng đồng không đáng kể. Trong vùng Yazd, tín đồ Hỏa giáo chỉ 5.500 người, ở vùng sâu vùng xa họ phải có hiệu cắt tóc riêng và hàng quán riêng vì người Hồi giáo và các tôn giáo khác không cho chung đụng.
Đến thành phố Yazd, không ai có thể bỏ qua hai tháp Bình Yên trong quần thể di tích của Hỏa giáo. Tháp Bình Yên là nơi dùng để thiên táng, xây trên hai đỉnh núi gần nhau. Theo một con đường ngoằn ngoèo chênh vênh lên đỉnh núi, người ta bước vào tháp Bình Yên nay đã bỏ hoang. Trên cao lộng gió, không khí thanh sạch, thật sự là bình yên hoặc là sự yên tĩnh đời đời.
Theo tập quán, người Hỏa giáo đặt tử thi vào từng ô trên nền đá, chờ cho kền kền rỉa hết thịt rồi thu lượm xương bỏ vào cái giếng ở chính giữa tháp. Đến khi nào xương cốt chất đầy, người ta đổ hóa chất vào để tiêu hủy.
Triết lý của thiên táng: Hỏa giáo tôn thờ sự sạch sẽ của đất, nước, lửa và không khí… vì vậy người ta không hỏa táng để làm ô uế lửa và không khí, không thủy táng để làm ô uế nước, không địa táng để làm ô uế đất. Nhưng tục thiên táng không phù hợp với quan niệm của thời đại mới, nên từ những năm 1960 tín đồ Hỏa giáo ở Yazd đã phải bỏ tháp thiên táng và chấp nhận tục mai táng trong nghĩa trang ở dưới chân núi. Người ta mai táng tử thi trong những ngôi mộ bêtông, hạn chế việc làm “tổn hại” cho đất.
Trong đền thờ của Hỏa giáo thường xuyên có một ngọn lửa để thờ, gọi là ngọn lửa vĩnh cửu vì được giữ không bao giờ tắt. Ngọn lửa trong ngôi đền Ateshkadeh có từ năm 470 dương lịch, truyền qua nhiều nơi trước khi được lấy về đền này vào đầu thế kỷ 20. Ngọn lửa hiện đang cháy trong một cái lò bằng đồng, đặt trong căn phòng có những lớp tường kính bao quanh. Mọi người chụp ảnh ngọn lửa qua bức tường kính ấy.
Những kỳ quan của Yazd
Thành phố Yazd nổi tiếng về hệ thống điều hòa nhiệt độ cổ điển (badgir). Trên các mái nhà đều có xây điều hòa kiểu này, trông như những ngọn tháp. Khá tinh xảo về mặt kỹ thuật, hệ thống điều hòa nhiệt độ được coi là một kỳ quan của vùng Yazd.
Kênh dẫn nước ngầm dưới mặt đất (qanat) là một kỳ quan khác. Dù đã có hệ thống thủy lợi hiện đại, khắp Iran vẫn có khoảng 50.000 qanat như vậy. Thợ đào kênh của vùng Yazd do đó làm không hết việc. Vào bảo tàng nước, qua những hiện vật và bộ ảnh miêu tả tỉ mỉ, người ta sẽ hình dung được kỹ thuật và nghệ thuật đào kênh ngầm. Khi xuống hầm làm việc, thợ đào kênh mặc đồ trắng, khăn quấn đầu cũng màu trắng, đề phòng sập hầm, chết thì đã có sẵn đồ trắng coi như khâm liệm luôn.
Nhà cổ của Yazd phần lớn xây bằng gạch màu đất sét, gạch chỉ phơi nắng mà không nung, màu vàng nhạt, hơi xanh. Những ngõ phố cổ tường đất màu nâu đỏ. Những pháo đài đồ sộ như Narein ở Meybod, hơn 1.000 năm tuổi, cũng bằng gạch phơi nắng.
Ở trung tâm thành phố, đền Jameh có vòm cổng cao nhất Iran. Hai tháp hai bên cổng cũng thuộc loại cao nhất: 52m. Khách du lịch có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc đền thờ Hồi giáo Ba Tư và nghệ thuật khảm gốm màu độc đáo từ mái vòm xuống đến những bức tường. Từ thành phố, đi thêm 100km nữa sẽ đến sa mạc Kavire Bafgh. Đã đến đây thì không ai bỏ qua cơ hội được cưỡi lạc đà đi vào sa mạc.
Có một sự kiện liên quan: ngày 24-4-1980, quân đội Mỹ xâm nhập sa mạc này để thực hiện cuộc hành quân Móng vuốt đại bàng (Operation Eagle Claw). Kế hoạch của Mỹ là giải cứu con tin, gồm 52 nhà ngoại giao Mỹ bị Iran bắt giữ sau cách mạng Hồi giáo 1979. Tám trực thăng và ba máy bay C-130 tập kết trong sa mạc để từ đó bay về thủ đô Tehran.
Vừa vào cuộc thì bão cát nổi lên, hai trực thăng bị cát vào động cơ, một chiếc đâm xuống đất, chiếc kia phải cố bay về tàu sân bay USS Nimitz. Đến lượt chiếc trực thăng thứ ba cũng trục trặc, nhưng dụng cụ sửa chữa và phụ tùng lại ở trong chiếc đã bay đi. Chiếc thứ tư bay lên thì đâm vào một máy bay vận tải C-130 Hercules chở dầu, cả hai bốc cháy làm chết tám người Mỹ. Kế hoạch thế là phải hủy bỏ. Tổng thống Carter bị mất điểm và thua trong cuộc tranh cử tổng thống cùng năm ấy.
Chúng tôi đến Yazd sáng sớm ngày 29-4, nhưng trước đó đã đọc tin về lễ kỷ niệm 31 năm Mỹ bị thất bại trong sa mạc Yazd. Hằng năm thành phố Yazd tổ chức lễ kỷ niệm vào đúng ngày 24-4, là dịp để nêu cao tinh thần cách mạng Hồi giáo của đất nước Iran.
HỒ ANH THÁI