Ubud là một thị trấn nhỏ hấp dẫn khách du lịch nằm giữa đảo Bali (Indonesia). Nhiều du khách chỉ dự định tới Ubud một hai ngày, nhưng rồi đã ở lại lâu hơn để đắm chìm trong cái nôi văn hóa truyền thống Bali.
Giữa không gian trong trẻo, thanh bình, những con phố đầy ắp đồ lưu niệm làm từ gỗ, dân địa phương và lữ khách cùng thong thả bước dọc những vỉa hè đầy màu sắc…
1. Trung tâm Ubud nằm quanh một ngã tư, nơi giao nhau giữa đường Monkey Forest (Wanara Wana) và Raya, đường chính nối hai đầu đông – tây thị trấn. Cung điện Ubud là một địa điểm nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc với những chi tiết trang trí cầu kỳ, từ mái vòm, cổng vào, tường bao đến từng hạng mục thờ cúng… Vào những ngày lễ đặc biệt, nếu không mặc sarong, khách du lịch sẽ không được phép bước chân vào bên trong cung điện.
Cách cung điện Ubud một chút về phía bắc, Pura Marajan Agung là một ngôi đền dành riêng cho hoàng gia, nơi bạn có thể tìm thấy cổng vào lộng lẫy nhất. Pura Desa Ubud là ngôi đền chính ở Ubud, nơi diễn ra các nghi lễ cầu cúng tôn nghiêm của người theo đạo Hindu. Đi dọc đường Raya về phía tây, qua đường Kajeng là quán cà phê có tên Lotus với một hồ sen tuyệt đẹp, cuối con đường băng ngang hồ sen là những bậc thang dẫn lên ngôi đền Pura Tamna Saraswati (Cung điện nước).
Những ngôi đền và nhà cửa ở Ubud được xây dựng rất cầu kỳ, có nhiều đền nhỏ trong khuôn viên đền và vườn nhà với các chi tiết trang trí tinh xảo hút hồn du khách. Nghệ thuật trang hoàng của Ubud nói riêng và Bali nói chung là một trong những nét quyến rũ nhất của hòn đảo xinh đẹp này.
2. Nằm đối diện cung điện Ubud là chợ Ubud, một nơi tuyệt vời để khám phá và mua sắm đồ lưu niệm với vô số gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo làm từ gỗ.
Đôi khi du khách bị hút hồn theo những bức tranh sống động, đầy sắc màu của Bali và rồi lạc bước trong những ngõ ngách nho nhỏ của thị trấn. Ai cũng ngẩn ngơ trước những cổng nhà với bức bình phong cầu kỳ, hai vách vào thẳng đứng và mái vòm vươn lên nền trời kiêu hãnh. Để rồi chỉ cần bước vào trong, cả một thế giới kiến trúc Bali thu nhỏ như mở ra trước mắt với những ngôi đền nhỏ mái lợp cỏ ngả màu thời gian nằm xen kẽ những bụi cây, cụm hoa bên những lối mòn nhỏ xinh dẫn vào khu nhà ở.
Homestay là cách khách du lịch tới Ubud chọn để ở lại và trải nghiệm cuộc sống của dân địa phương. Mỗi căn phòng, mỗi tòa nhà thường tọa lạc trong một khu vườn khép kín, cách biệt thế giới bên ngoài bởi tường bao, nhưng bên trong là cả không gian xanh trong trẻo, gần gũi. Những bancông với ghế mây cũ kỹ, nền nhà sạch bong, khung cửa chạm trổ sơn son thếp vàng vừa kỳ bí, lạ lẫm vừa cuốn hút gọi mời. Buổi sáng ngồi nơi hàng hiên, nhâm nhi ly cà phê Bali thơm sực, nghe gió thổi, chim kêu… có cả những bancông nhìn thẳng ra là ruộng lúa đang vào vụ cấy xanh rờn.
Cuộc sống giản dị và bình yên thế, nên không ngạc nhiên khi tại ngôi nhà tôi ở có một gia đình người Thụy Sĩ đã homestay đến sáu tháng. Một phụ nữ Anh, một người Hà Lan, dù đi một mình cũng đã ở lại Ubud hơn một tháng. Khách du lịch yêu thích không khí trầm lắng và thanh bình của Ubud, yêu thích những khoảng thời gian chậm rãi chảy trôi qua miền đất này, quanh những ngôi đền, những làng nghề cách thị trấn vài chục phút chạy xe. Dịch vụ xe máy cho khách du lịch thuê phát triển tới mức bạn có thể dễ dàng hỏi thuê xe ngay trên vỉa hè từ một người bán vé xem ca múa nhạc, rồi mang xe về để dọc con đường dắt vào nơi homestay, để qua đêm vẫn tuyệt đối an toàn.
3. Đi bộ dọc đường Kajeng hay đường Suweta hướng về phía cánh đồng lúa ở ngoại ô là một việc rất đáng giá. Bạn có thể tha hồ quan sát, khám phá làng xóm và các ngôi đền dọc hai bên đường. Cuối con đường là một cánh đồng bát ngát, nơi chiều chiều du khách và dân địa phương tìm đến thư giãn, nghe gió chạy miên man trên những thửa ruộng xanh rờn, những hàng dừa vi vút, hít căng lồng ngực hương lúa đang vào đòng.
Tôi quen Ketut, một thanh niên đạo Hindu 21 tuổi khi đang lang thang quanh cung điện Ubud. Từ 18-19g30 mỗi ngày, Ketut bán vé biểu diễn chương trình âm nhạc truyền thống ở Ubud để kiếm chút hoa hồng. Mỗi sáng, Ketut đến công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chiều về cắt cỏ chăn bò và sẩm tối mới đi bán vé. Một lần, Ketut rủ tôi ra ngoại ô khi chương trình biểu diễn đã bắt đầu để hít thở không khí trong lành và ngắm đèn đom đóm. Chúng tôi im lặng khá lâu. Giữa bóng đêm phủ trùm khắp nơi, đèn đom đóm chỉ nháng lên rồi tắt. Gió thổi xiên qua cánh đồng, những tán lá dừa chấp chới lạnh. Ketut nhắc đi nhắc lại: “Chúng ta là bạn bè. Hãy quay trở lại Ubud cùng bạn bè và tìm tôi ở quanh cung điện nhé! Tối nào tôi cũng bán vé xem biểu diễn ở đó”.
Tôi không biết khi nào mới có cơ hội trở lại thị trấn êm ả và xinh xắn ấy để được ngồi uống cà phê dưới hiên nhà, nhìn mưa rơi tí tách hoặc leo lên gác hai ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh. Và hơn cả, tôi sẽ tìm ra Ketut trong hàng chục người bán vé xem biểu diễn nghệ thuật dạo quanh trung tâm Ubud để nói rằng: “We are friends” (Chúng ta là bạn bè)..
Tôi vẫn đợi một ngày như thế ở Ubud. Một Ubud lặng lẽ và bình yên…
MỘC HÀ