Chương trình văn hóa nghệ thuật Festival cầu Long Biên 2010, với chủ đề Cầu Rồng kể chuyện Thăng Long– Hà Nội– Cây cầu của Hòa bình, Hội nhập và Phát triển sẽ diễn ra từ ngày 19-21/11 với nhiều hoạt động đặc sắc.
Đây là chương trình chào mừng 1000 năm Thăng Long– Hà Nội, có sự tham gia của 69 quốc gia có Đại sứ quán tại Việt Nam.
Cầu Long Biên sẽ trở thành bảo tàng lịch sử lớn nhất, trưng bày những hình ảnh và hiện vật về sự hình thành và phát triển của dân tộc, đất nước qua 10 thế kỷ với 2 chiều: Chiều ký ức và chiều ước mơ.
Cây cầu ký ức thể hiện quá khứ hào hùng của dân tộc. Chiều đi từ Long Biên đến Gia Lâm được phân kỳ làm 10 thế kỷ (1010 – 2010). Mỗi thế kỷ đều trưng bày chọn lọc nhiều loại hình nghệ thuật tranh ảnh, tư liệu, hiện vật, trang phục cổ…
Cây cầu ước mơ nói về tương lai của Hà Nội của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập phát triển. Chiều từ Gia Lâm về Hà Nội sẽ trưng bày nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa, mỹ thuật…của hằng trăm nghệ sĩ trong và ngoài nước thể hiện tình yêu đối với Thăng Long – Hà Nội.
Chủ đề ba là Bạn bè quốc tế với Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội: Là điểm nhấn Festival Long Biên 2010 với chủ đề hòa bình- hội nhập- phát triển.
Những đoạn cầu mất nhịp được trưng bày cờ của 70 quốc gia giới thiệu 70 thủ đô với hàng chữ Chào Hà Nội 1000 năm văn hiến bằng ngôn ngữ của chính quốc gia họ. Cả cây cầu Long Biên sẽ được trang trí thành con rồng thời Lý, với đầu rồng lớn cao 8m, dài gần 50m, ngậm minh châu chầu về Thăng Long. BTC khuyến khích mọi người mặc những trang phục ngày xưa, hiện đại, trang phục các dân tộc, trang phục bộ đội, trang phục tự sáng tạo để cùng với trang phục của 69 quốc gia đến tham dự.
Cùng với việc tái hiện những nhân vật tiêu biểu trong lịch sử văn hóa dân tộc như: Lạc Long Quân và Âu Cơ; 4 vị Thánh Tứ bất tử Việt Nam; Thạch Sanh; Tấm Cám; chú Cuội, Vua Lý Công Uẩn…sẽ là triển lãm 1000 bức tranh thể hiện ước mơ của trẻ em khuyết tật Việt Nam; Diễu hành của nhiều tầng lớp cựu chiến binh, các tiết mục biểu diễn ôn lại truyền thống đấu tranh giữ nước và những chiến thắng oanh liệt của quân và dân thủ đô gắn liền với ký ức cầu Long Biên; Không gian Ẩm thực Việt Nam, quốc tế; Không gian Hà Nội xưa với các thiếu nữ gánh hoa, gánh cốm, … trên cầu Long Biên trên nền nhạc gợi nhớ về Hà nội xưa; Trình diễn Âm nhạc truyền thống: Ca trù, hát xẩm, chèo, tuồng, quan họ, cải lương…
Đặc biệt, sẽ có chương trình hòa nhạc đặc sắc, biểu diễn một sáng tác mới của nhà soạn nhạc người Pháp Christophe Hache tác phẩm mang tên Trên Cây Cầu Long Biên và ca khúc Thấy Hà Nội làm thay đổi cách nhìn của con người, trên đoàn tàu từ ga Hàng Cỏ qua các tuyến phố đến Cầu Long Biên và dạ vũ quần chúng (Bal musette) với những bài hát, điệu nhảy đặc trưng của thập niên 30-50.
Nguồn: toquoc