Lần đầu tiên giá phòng khách sạn đang tăng lại sau ba năm nhờ nền kinh tế thế giới hồi phục, theo khảo sát toàn cầu của trang web đặt phòng trực tuyến Hotels.com công bốngày 14-9.
Danh sách giá phòng khách sạn (hai lần/năm) này dựa trên số liệu của khoảng 91.500 khách sạn ở 15.750 địa điểm.
Nhìn chung, giá đã tăng khoảng 2% trong quý 2 năm nay so với một năm trước. Đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ cuối năm 2007 vì khách du lịch thuần túy và khách doanh nhân bắt đầu “lên đường” trở lại. Cụ thể, giá phòng quý 2 đã tăng 1% ở châu Âu và vùng Caribê, 3% ở châu Mỹ và ổn định ở châu Á.
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Singapore là thành phố có giá phòng đắt nhất với trung bình 182 USD/đêm (tăng 27%), Tokyo đứng thứ 2 (165 USD/đêm, giảm 4%) và Sydney đứng thứ 3 (149 USD/đêm). Ở Úc, giá phòng giảm trung bình 2%, trong đó thành phố Gold Coast giảm 8%, còn 123 USD/đêm. Nhưng Sydney và Cairns đã đi ngược lại xu hướng chung khi tăng lần lượt 4% và 8%.
Capri, Geneva và New York đứng đầu danh sách những điểm đến có giá phòng khách sạn đắt nhất thế giới.Trong khi đó, giá phòng tại đảo Capri tăng 7% khiến đảo trở thành điểm đến đắt đỏ nhất về khách sạn, “nhổ bật rễ” vùng Monte Carlo (Monaco) khỏi vị trí đầu bảng năm 2009.
Tại thành phố Geneva và trên toàn Thụy Sĩ, giá phòng khách sạn trung bình đã tăng 8%, lên đến 254 USD, trong khi đó New York là thành phố có giá phòng đắt nhất tại Mỹ với mức giá tăng 14% so với một năm trước.
Bảy địa điểm khác cùng nằm trong top 10 “giá phòng đắt nhất”, gồm có thành phố Dubrovnik, Venice, Rio de Janeiro, Paris, Bali, London và Matxcơva.
Cuộc khảo sát cũng cho biết một số sự tăng giá lớn nhất đã xảy ra tại các thành phố liên quan đến các sự kiện lớn.Đó là sự tăng vọt giá cả tại thành phố Cannes, Pháp, chủ nhà Liên hoan phim Cannes hằng năm, và trên đảo Bali của Indonesia – nơi quay một phần của bộ phim Eat, pray, love (Ăn, cầu nguyện, yêu). Giá phòng tại Bali đã tăng 57%, mức tăng giá lớn nhất đối với bất kỳ điểm đến nào.
Sự tăng giá mạnh thứ hai được ghi nhận ở Cape Town, chủ nhà World Cup 2010, nơi giá phòng tăng 53%, trung bình 180 USD/đêm.
Theo Victor Owens, sự trở lại từ từ của thị trường du lịch doanh nhân và sự gia tăng trong du lịch nội địa Mỹ đã đóng góp vào sự tăng chung, nhưng sự tăng giá này không diễn ra trên toàn cầu. “Tất nhiên, vẫn còn những khoản đãi, đặc biệt là tại các điểm đến quốc tế như Abu Dhabi, Dubai và thành phố Reykjavik (Iceland) – giảm nhiều giá phòng khách sạn suốt nửa đầu năm 2010”,ông cho biết.
Giá một phòng khách sạn ở Abu Dhabi đã giảm trung bình 46%, và ở Reykjavik giảm trung bình 18% sau vụ phun trào núi lửa tháng 4 năm nay. Việc giảm giá ở Abu Dhabi bị thúc đẩy bởi sự gia tăng số lượng phòng khi các khách sạn mới được mở thêm và việc giảm số lượng khách công vụ do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thành phố thương mại này đã bị tác động bởi sự sụt giảm của thị trường du lịch doanh nhân quốc tế, cũng như người hàng xóm lớn hơn, Dubai, đã chứng kiến sự giảm giá 10%.
Giá phòng ở Matxcơva giảm 8%, ở Budapest giảm 7% và đều giảm 6% ở các thành phố Copenhagen, Cancun, Athens, Đài Bắc và Dublin.
Dưới đây là 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới về giá phòng khách sạn:
STT |
Thành phố |
Giá trung bình/phòng/đêm |
1 | Capri (Ý) | 267 (tăng 7%) |
2 | Geneva (Thụy Sĩ) | 254 (tăng 8%) |
3 | New York (Mỹ) | 224 (tăng 14%) |
4 | Dubrovnik (Croatia) | 221 (tăng 15%) |
5 | Venice (Ý) | 215 (giảm 3%) |
6 | Rio de Janeiro (Brazil) | 207 (giảm 12%) |
7 | Paris (Pháp) | 205 (tăng 7%) |
8 | Bali (Indonesia) | 203 (tăng 57%) |
9 | London (Anh) | 203 (tăng 14%) |
10 | Matxcơva (Nga) | 201 (giảm 8%) |
THƯỜNG NGA (Theo Reuters/Smh)