Lễ công bố Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ được lãnh đạo tỉnh tổ chức trong “Tuần lễ văn hóa – du lịch Đất Mũi” vào ngày 24/4 tại tỉnh.
Với tổng diện tích trên 371.000 ha, Cà Mau bao gồm 3 vùng trọng yếu là U Minh Hạ, vườn quốc gia Đất Mũi và tuyến rừng phòng hộ ven đê biển Tây. Nơi đây có một hệ sinh thái động thực vật phong phú và đa dạng, với hàng nghìn loài. Trong đó có nhiều loại động vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới như: khỉ đuôi dài, bồ nông chân xám, rẻ mỏ cong hông nâu…
Theo ông Trần Phú Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, vùng đất Cà Mau còn là bãi đẻ, ương dưỡng ấu trùng của các loài hải sản mới để cung cấp nguồn giống tự nhiên đa loài cho cả vùng rộng lớn trong vùng biển Vịnh Thái Lan.
“Thành tích này là một vinh dự mà cũng là trách nhiệm đối với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Chúng tôi phải lên kế hoạch bảo tồn và phát triển những tài nguyên, nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên vùng đất này” ông Cường nói.
Trước đó, tháng 5/2009, tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối Quốc tế về chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO tại Hàn Quốc, Mũi Cà Mau được xét duyệt với 100% số phiếu của các đại diện tham dự. Đây là vùng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và nổi tiếng trên thế giới về năng suất sinh học cao nhất trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Việc công nhận này đồng nghĩa với việc Mũi Cà Mau đã chính thức gia nhập vào mạng lưới 554 khu dự trữ sinh quyển của 107 quốc gia trên thế giới.
Lễ công bố Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ được lãnh đạo tỉnh tổ chức trong “Tuần lễ văn hóa – du lịch Đất Mũi” vào ngày 24/4 tại tỉnh.
Hải Duyên