Sau năm ngày họp thường niên tại Seville, Tây Ban Nha (kéo dài từ ngày 22 đến 30-6) của UNESCO (Ủy bản Văn hóa – khoa học và giáo dục của LHQ), danh sách di sản thế giới đã có thêm tám tên mới. Đồng thời thung lũng Dresden Elbe của Đức đã bị rút tên ra khỏi danh sách này.
Phế tích Loropeni (Burkina Faso): có diện tích 11.130m2, khu phế tích là một trong 10 pháo đài đá được bảo tồn tốt nhất tại khu vực Lobi và là một phần của 100 kiến trúc đá đóng kín thể hiện quyền lực của con đường buôn bán vàng đi qua Sahara.
Khu vực này nằm ở gần biên giới với Bờ Biển Ngà, Ghana và Togo với niên đại hơn 1.000 năm. Lohron và Koulango, hai dân tộc kiểm soát việc khai thác và chế biến vàng trong khu vực, là chủ sở hữu của kiến trúc này. Xung quanh Loropeni còn rất nhiều bí ẩn ở những khu vực chưa được khai quật.
Được biết khu vực này đã bị sa mạc hóa vào đầu thế kỷ 19 và một khi khai quật đầy đủ, nó sẽ cung cấp rất nhiều thông tin lý thú.
Đỉnh Wutai (Trung Quốc): Với năm ngọn khác nhau, đỉnh Wutai được coi là ngọn núi thiêng liêng của những tín đồ Phật giáo. Trên núi có 53 ngôi chùa khác nhau, trong đó có đền Foguan, ngôi đền bằng gỗ được xây dựng nơi cao nhất còn sót lại của nhà Đường với những tượng đất sét bằng kích thước người thật. Ngoài ra trên núi còn có đền Shuxiang xây từ đời nhà Minh với hơn 500 bức tượng mô tả cuộc đời đức Phật.
Trải dài từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 20, rất nhiều ngôi chùa đã được xây dựng tại đây. Những kiến trúc trên đỉnh Wutai thể hiện sự phát triển về kiến trúc cũng như sự ảnh hưởng của Phật giáo tại Trung Quốc trong hơn một thiên niên kỷ qua. Đỉnh Wutai cũng là ngọn núi cao nhất miền bắc Trung Quốc.
Thị trấn Cidade Velha (Cape Verde): Thị trấn Ribeira Grande – sau được đổi tên thành Cidade Velha vào thế kỷ thứ 18 – là thị trấn đầu tiên của thực dân châu Âu xây dựng tại vùng nhiệt đới. Thị trấn được xây dựng vào thế kỷ thứ 15 và là chứng nhân của sự xuất hiện người châu Âu tại châu Phi cũng như lịch sử buôn bán nô lệ.
Nằm ở phía nam hòn đảo Santiago, thị trấn còn giữ được những con đường cổ xưa cùng với hai nhà thờ, một pháo đài hoàng gia và quảng trường Pilloy với những cột cẩm thạch được trang trí công phu từ thế kỷ thứ 16.
Biển Wadden (Hà Lan – Đức): Bao gồm khu bảo tồn biển Wadden của Hà Lan và công viên quốc gia biển Wadden của Đức. Đây là một khu vực rộng lớn bao gồm những bãi biển phẳng, đầm lầy… được hình thành từ sự tương giao phức tạp giữa các yếu tố sinh học và vật lý. Đây cũng là nơi cư trú của nhiều loại sinh vật biển và thực vật. Ngoài ra nơi đây cũng là nơi trú đông và sinh sản của khoảng 12 triệu chim mỗi năm.
Theo đánh giá, Wadden là khu vực thiên nhiên có hệ sinh thái tiếp giáp biển rộng lớn vẫn chưa bị con người quấy phá nhiều.
Rặng Dolomites (Ý): Rặng Dolomites bao gồm 18 đỉnh ở độ cao trên 3.000m với diện tích hơn 141.903 hecta ở miền bắc của dãy Alps. Những vách núi dựng đứng cộng với những thung lũng hẹp sâu và dài, Dolomites là một trong những nơi có cảnh núi đẹp nhất thế giới. Nơi đây cũng có hệ thống núi đá vôi và chứa các dạng đất sông băng. Dolomites cũng là nơi bảo tồn tốt nhất hệ thống môi trường cacbon đại trung sinh với nhiều hóa thạch được tìm thấy.
Địa hình của Dolomites được hình thành bởi những quá trình năng động vẫn đang xảy ra như trượt đất, lũ lụt hay lở tuyết.
Quần thể mộ của đế chế Joseon (Hàn Quốc): Quần thể bao gồm 40 ngôi mộ nằm ở 18 địa điểm khác nhau được xây dựng trong năm thế kỷ từ năm 1408 đến năm 1966 để tưởng nhớ tới tổ tiên, thể hiện sự kính trọng với thành tựu của họ và ngăn không cho ma quỷ phá hủy linh hồn của các bậc tiền bối.
Tất cả những nơi được chọn để xây mộ đều có cảnh đẹp, với công thức quay lưng vào đồi, hướng về dòng nước ở phía nam và xa xa là một rặng núi. Ở mỗi ngôi mộ còn có một hệ thống các kiến trúc phụ như: điện thờ gỗ hình chữ T, một bếp hoàng gia, nhà cho người gác, cổng mái nhọn màu đỏ… Xung quanh còn có nhiều vật trang trí bằng đá với những hình tượng người và thú.
Núi thiêng Sulamain-Too (Kyrgyzstan): Nằm ở ngã tư của con đường quan trọng thuộc Con đường tơ lụa và chiếm hết thung lũng Fergana. Trong hơn 1.500 năm, Sulamain-Too là một cột mốc của những người đi trên con đường này và gọi là núi thiêng. Năm đỉnh và sườn núi của Sulamain-Too đầy những nơi thờ cúng và hang động với những hình khắc trên đá cùng với hai đền thờ Hồi giáo được xây dựng lại từ thế kỷ 16.
Hiện nay tại Sulamain-Too có 17 địa điểm để thờ cúng vẫn có người cúng tế hằng năm và rất nhiều điểm khác đã bị bỏ hoang. Người ta tin rằng việc thờ cúng tại đây sẽ giúp hết nhức đầu, đau lưng, vô sinh và sống lâu.
Sulamain-Too được đánh giá là ngọn núi thiêng tiêu biểu nhất của khu vực Trung Á và đã được thờ cùng từ vài ngàn năm qua.
Hệ thống dẫn nước lịch sử Shushtar (Iran): Kiệt tác thể hiện sự sáng tạo này được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.
Hệ thống bao gồm hai con kênh chính xây dựng trên sông Karun mà hiện nay con kênh Gargar vẫn còn được sử dụng để cung cấp nước cho Shushtar thông qua một hệ thống đường hầm dẫn nước, tạo thành một cảnh tượng tuyệt đẹp khi nước đổ xuống bồn chứa. Nước được dùng để cung cấp cho một khu vực trồng vườn cây ăn trái rộng hơn 40.000 hecta. Ngoài ra còn phải kể đến tháp trung tâm Salasel dùng để điều khiển toàn bộ hệ thống nước.
Đ.K.L. (Theo UNESCO.org)