Ông Nguyễn Vĩnh Hảo, chủ nhân Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành tại TP. Quy Nhơn, sẽ giới thiệu trước công chúng bộ linga – yoni bằng vàng, bạc và đá quý, tìm thấy ở Bình Định.
Bộ linga – yoni bằng vàng, bạc và đá quý kể trên được một người dân tìm thấy trong quá trình xúc đất để làm gạch ở thị trấn Tuy Phước, sau đó, bán lại cho một thợ phân kim vàng và ông Hảo đã mua lại hiện vật từ người thợ phân kim nói trên.
Linga có đường kính 3,5 cm, cao 12cm, làm bằng vàng nhưng rỗng ruột. Bên trong, có lõi bằng đất xám. Trên đầu linga, có gắn một viên đá quý màu rất đẹp và phía dưới có 4 chốt vuông dùng để gắn vào đế (yoni). Yoni được dát bằng bạc, bên trong cũng là đất xám. Nếu tính cả đầu vòi có rãnh thoát nước, thì yoni có chiều dài 16,5 cm; trong đó, bộ phận hình chậu vuông cạnh khoảng 12,5 cm và phần rãnh thoát nước dài 4cm.
Linga và yoni là hai biểu tượng thường gặp trong văn hóa Chăm cũng như một số nền nghệ thuật chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Trong tín ngưỡng của người Chăm, thần Siva đóng một vai trò quan trọng hàng đầu và biểu tượng của Siva chính là linga, biểu trưng của bộ phận sinh dục của đàn ông mà nguồn gốc có trong tục thờ cúng các hòn đá hình trục, phổ biến trong dân gian từ thời thượng cổ ở khắp vùng Đông Nam Á. Theo các nhà nghiên cứu, linga còn là biểu tượng của chiếc cột trụ chống đỡ vũ trụ, của ngọn núi Meru huyền thoại và cũng là biểu tượng của sự vĩnh cửu và tính chất chính thống của mỗi triều đại.
Còn yoni với hình dáng một chiếc chậu vuông có vòi, có rãnh thoát nước, chính là biểu tượng của bộ phận sinh dục nữ và của Uma, hôn thê của Siva. Bộ phận hình chậu vuông này còn là biểu tượng của nữ thần phù hộ cho đất đai.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ (Trung tâm Bảo tồn Di tích Quảng Nam) thì chất liệu vàng dùng để làm linga là vàng non (vàng 7). “Linga và yoni thì tôi đã thấy nhiều, ngay kosa tôi cũng đã từng thấy, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một chiếc linga vàng có gắn đá quý ở đầu. Điểm đặc biệt nữa là đây là chiếc linga và yoni vào loại nhỏ nhất Việt Nam”.
Trước đây, người ta cũng đã tìm thấy linga bằng vàng, bằng đồng ở Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng). Tuy nhiên, di tích Cát Tiên lại thuộc một tiểu quốc trong Vương quốc Phù Nam hoặc là một vương quốc riêng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp. Riêng kosa, một loại cổ vật quý nhất trong các vương triều Chăm, là một loại linga bằng đá, trên đầu có gắn một đầu thần Siva bằng vàng, thì theo một nghiên cứu của TS. Trần Đức Anh Sơn (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), thì “hầu như đã biến khỏi Việt Nam chỉ hiện hữu trong các bảo tàng nước ngoài”. Hiện nay, các nhà nghiên cứu mới bắt gặp một chiếc kosa vàng tại Bảo tàng Nghệ thuật Đông Á Berlin cùng 4 cái khác, một gắn với Linga bằng bạc tại Bảo tàng Guimet (Pháp), ba cái được rao bán trên catlogue A Divine Art của nhà Spink.
Tại Bình Định, theo ông Nguyễn Thanh Quang (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định), cho biết: Một trong hai biểu tượng thờ tự tại tháp Bánh Ít (cũng ở vùng Tuy Phước) cũng là linga và yoni. Chiếc linga và yoni này làm bằng đồng, cao 27cm, chu vi lớn nhất 21,5cm, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Guimet (Pháp). Còn những linga và yoni khác, thường gặp nhất, đều được tạc bằng đá sa thạch và có kích thước lớn.
Ngọc Hồi