Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới gần, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, việc tổ chức các lễ hội đầu xuân để khởi đầu cho năm mới may mắn, tốt lành đã trở thành một nét văn hóa cổ truyền.
Lễ hội đèn lồng ở Đài Loan
Lễ hội đèn lồng là lễ hội Tết nguyên đán được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng trong năm đánh dấu ngày cuối cùng của năm theo lịch âm. Trong lễ hội này, trẻ em sẽ mang theo những chiếc đèn lồng bằng giấy đến các ngôi đền vào buổi tối và tham gia vào giải các câu đố liên quan tới đèn lồng.
Lễ hội đèn lồng năm Ất Mùi 2015 ở Đài Loan diễn ra vào ngày 5/3 theo lịch dương, tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội quan trọng của người Trung Quốc, có lịch sử hình thành hơn 2000 năm. Nhiều phong tục truyền thống được tổ chức trong suốt lễ hội, thu hút sự quan tâm của mọi người ở các lứa tuổi khác nhau.
Lễ hội đèn lồng là một trong các lễ hội tết nguyên đán lớn của người Đài Loan
Vào ngày này, mọi người cùng nhau ngắm lồng đèn, đoán câu đố, biểu diễn các điệu múa dân gian như múa sư tử, đi cà kheo và ăn bánh Yuanxiao. Yuanxiao được xem là một món ăn đặc biệt, món bánh làm bằng bột gạo nếp nhồi với các loại nhân bánh khác nhau. Việc ăn bánh Yuanxiao đã trở thành một phần thiết yếu trong lễ hội. Phương pháp làm bánh khác nhau ở mỗi vùng miền với các loại bánh nhân đường, cánh hoa hồng, mè, đậu ngọt, táo tàu, một số nơi không cho nhân. Vì loại bánh này có thể chế biến bằng cách đem luộc, chiên hoặc hấp, và mỗi cách chế biến lại có những hươngvị riêng nên nó rất phổ biến ở Trung Quốc. Yuanxiao hình tròn tượng trưng cho sự đoàn tụ, hòa hợp và hạnh phúc. Trong đêm hội, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau nếm banh Yuanxiao và thưởng thức đêm trăng tròn.
Vào dịp lễ hội đèn lồng năm Ất mùi 2015, các quan chức ở Đài Trung và chính quyền quận lân cận hôm 9/1 đã quảng bá nhiều tour trọn gói khác nhau tới khu vực trung tâm Đài Loan cùng lúc với lễ hội Đèn Lồng với hy vọng thu hút nhiều khách du lịch đến với khu vực này. Lễ hội đèn lồng năm nay ở Đài Loan sẽ được tổ chức tại 3 khu vực thuộc khu đô thị Đài Trung- quận Phong Nguyên, công viên Đài Trung và quận Wuri từ ngày 27/2 đến ngày 15/3 dương lịch. Hai sự kiện chính trong lễ hội đèn lồng ở Đài Loan năm nay là màn bắn pháo hoa tại đền Wumiao ở quận Đài Nam (đây là lễ hội bắn pháo hoa thú vị và nguy hiểm nhất trên thế giới) và lễ hội đèn trời tại quận Pingxi.
Lễ hội Mochitsuki của Nhật Bản
Mochitsuki là lễ hội theo phong tục của người Nhật. Vào ngày này, họ cùng nhau làm bánh bao nếp, được gọi là mocha. Lễ hội Mochitsuki rất ý nghĩa trong lễ kỉ niệm Tết nguyên đán ở Nhật Bản. Mochi là một loại bánh gạo ngọt, và tsuki là một từ tiếng Nhật có nghĩa là “làm”. Theo phương pháp truyền thống, loại bánh gạo ngọt này được ngâm qua đêm và sau đó hấp trên lửa trong một chiếc hộp bằng gỗ được gọi là “seiro”, rồi nghiền thành bột nhão mịn trong một chiếc bát bằng đá “usu”. Ngoài ra trong lễ hội này còn có các hoạt động cho cả gia đình bao gồm trà đạo, thư pháp và ikebana và nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản.
Mùa lễ hội Tết nguyên đán ở Nhật Bản không thể thiếu lễ hội làm bánh mocha
Năm Ất Mùi 2015, lễ hội Mochitsuki được tổ chức vào chủ nhật, ngày 25/1/2015. Lúc 11h-4h00, du khách sẽ được thưởng thức miễn phí các mẫu bánh mocha, các màn diễu hành và tham gia vào nhiều hoạt động ở tất cả các lứa tuổi bao gồm: làm bánh mocha, ikebana, thư pháp, các trò chơi… Phần biểu diễn trên sân khấu của lễ hội Mochitsuki sẽ diễn ra vào lúc 11h30 đến 3h30.
Lễ hội ẩm thực châu Á ở Sydney
Tết nguyên đán Ất mùi 2015 bắt đầu từ ngày 13/2 – 1/3 sẽ chào đón năm con Dê và kỉ niệm sự đa dạng nền văn hóa của Sydney, bao gồm văn hóa Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan và các quốc gia ăn tết theo âm lịch. Lễ hội ẩm thực châu Á của thành phố Sydney thu hút hơn 600.000 khách tham quan, khiến nó trở thành một trong những sự kiện phổ biến nhất trong năm và là lễ kỉ niệm Tết nguyên đán lớn nhất bên ngoài châu Á.
Điểm nổi bật của lễ hội này trong năm Ất Mùi là Festival Launch tại Dawes Point vào ngày 13/2. Tại lễ hội này, mọi người sẽ tham gia vào các hoạt động như gắp thức ăn từ những chiếc ‘xe tải thực phẩm’, xem sư tử nhảy theo nhịp trống, xem pháo nổ để xua tan đi những điều bất hạnh của năm cũ. Khi ở đây, khách tham quan sẽ được xem các lồng đèn ‘Chiến binh đất nung’. Lấy cảm hứng từ đội quân của các chiến binh đất nung nổi tiếng ở Trung Quốc, nghệ sĩ Xia nan đã tạo ra 90 đèn lồng chiến binh cao 2,1 mét và thắp sáng với đủ màu sắc.
Lễ hội ẩm thực châu Á là lễ hội Tết nguyên đán lớn nhất bên ngoài châu Á
Lunar Streets là một trong những thương hiệu tổ chức sự kiện mới cho mùa lễ hội năm nay với vai trò cung cấp một bữa tiệc ẩm thực châu Á tại trung tâm Haymarket. Vào ngày 14/2, thực khách sẽ được thưởng thức các món ăn với những hương vị độc đáo từ các nước châu Á. Ngoài ra, cuộc diễu hành Twilight hoành tráng vào ngày 22/2 sẽ trang trí tất cả mọi thứ hình dê, từ chiếc đèn lồng, xe diễu hành và kế hoạch thắp sáng các con đường trên toàn thành phố. Việc vui chơi giải trí bắt đầu từ khoảng chiều tối sẽ có khoảng 3000 người nối tiếp nhau diễu hành xuống đường.
Lễ hội Hoa Đăng ở Singapore
Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán âm lịch cổ truyền. Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.
Múa lân là tiết mục đặc sắc trong các lễ hội Tết nguyên đán của người Hoa ở Singapore
Lễ hội Hoa đăng là hoạt động đầu tiên của tháng các hoạt động Lễ hội Chunjie, diễn ra ở khu Chinatown – trung tâm của Lễ hội Tết Âm lịch ở Singapore. Đêm Hoa đăng được khai mạc vào thời điểm cụ thể khác nhau tuỳ theo mỗi năm nhưng thường ngoài trung tuần tháng 1 dương lịch và trước ngày mồng 1 Tết Âm lịch khoảng 15-20 ngày với hình ảnh trang trí ứng với các con vật tượng trưng cho năm đó theo quy luật lần lượt 12 con giáp. Vào dịp này, người dân Singapore đi du xuân với nhiều hoạt động khác nhau như đến các đền chùa để lễ thần phật xin lộc đầu năm và cả năm mới, hoặc vãn cảnh ở các vườn hoa, công viên, khu di tích, danh thắng văn hóa, hoặc các khu vui chơi giải trí trong cả nước…
Trong suốt 15 ngày từ đêm Giao thừa cho đến hết ngày 15 tháng Giêng, trên đất nước Singapore đâu đâu cũng diễn ra các hoạt động vui xuân, là dịp để người ta đi thăm họ hàng, bạn bè và đãi tiệc nhau. Cha mẹ và những người thân đã lập gia đình sẽ gửi tặng “hong baos” (tiền lì xì đựng trong bao đỏ) cho những người thân chưa lập gia đình là biểu thị một cách cầu chúc may mắn cho họ.
Trang Mạc