Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà còn là nơi để hội họp, gặp gỡ, phải lòng nhau… một nét văn hóa độc đáo của người vùng cao Hà Giang.
Nếu đã có dịp ghé thăm chợ phiên ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần,… của tỉnh Hà Giang, chắc chắn du khách không thể nào quên những nét đặc sắc của các phiên chợ vùng cao. Nó đặc sắc, khác biệt so với chợ ở những nơi khác, bởi không diễn ra hằng ngày mà mỗi tuần chỉ họp vào ngày định kỳ. Hơn hết, đây còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang.
Từ sáng sớm tinh mơ, nhiều người ở khắp các thôn, bản với những thành phần dân tộc khác nhau như Tày, Mông, Dao, Lô Lô, Nùng, La Chí,… kéo nhau tới chợ. Người đi bộ, người đi xe, có người đi ngựa, mỗi người đến chợ một kiểu, khuôn mặt ai cũng lộ vẻ hân hoan, háo hức. Các cô gái xúng xính trong những bộ váy truyền thống sặc sỡ, tay cầm ô, lưng gùi quẩy tấu; các chàng trai thì mang gà, cắp lợn, dắt bò,… Nhiều bà mẹ, ông bố cho cả những đứa trẻ đi theo – chúng có khi còn háo hức tới chợ hơn cả bố mẹ mình. Hàng hóa họ mang đến chợ chủ yếu là những sản phẩm có trong gia đình, do họ làm ra, như gà, vịt, lợn, gạo, ngô, rau, măng, các loại quả, hạt, củ,… Có người đi chợ chỉ để ăn bát thắng cố, bát bún, cái bánh và ngắm chợ, gặp gỡ mọi người mà thôi.Chợ phiên vùng cao Hà Giang có thể được chia làm hai loại chính: Loại thứ nhất diễn ra tại trung tâm huyện, mỗi tuần một ngày, vào thứ 7 hoặc chủ nhật. Loại thứ hai diễn ra tại các xã, có thể mỗi tuần hai ngày, như chợ Tùng Vài, chợ Niêm Sơn (huyện Mèo Vạc); chợ Nàn Xỉn (huyện Xín Mần); chợ Mậu Duệ (huyện Yên Minh); hoặc có những phiên chợ “lùi”, như chợ Phố Cáo (huyện Đồng Văn), cứ 6 ngày họp một lần; chợ Lũng Phìn (huyện Đồng Văn) chỉ họp vào các ngày Dần và ngày Thân; chợ Xà Phìn họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi; chợ Tráng Kìm (huyện Quản Bạ) họp vào thứ 5 hàng tuần…
Những phiên chợ ở vùng cao Hà Giang trông rất đơn sơ và giản dị, mỗi gian hàng chỉ là chiếc lán nhỏ được dựng lên bằng gỗ, tre, nứa và lợp bằng lá cọ, hay đơn giản là căng mảnh bạt lên và trải chiếu xuống đất để hàng. Thậm chí, có những khu, người ta chỉ cần có một chỗ ngồi, đặt hàng hóa trước mặt là xong. Vậy mà chợ lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người bán, kẻ mua.
Đến chợ mới có thể cảm nhận được hết không khí ở đây: Mọi người chen chúc, đi qua, đi lại tìm những thứ mình muốn mua. Thứ hàng hóa thu hút nhiều chị em nhất có lẽ là quần, áo, váy, khăn thổ cẩm đủ màu sắc. Hoặc, đó có thể là những cuộn vải đã được nhuộm thành hai màu đen, trắng; họ mua về để tự làm thành chiếc váy, quần, áo cho mình, cho chồng, cho con. Khách từ phương xa khi tới chợ thường chọn cho mình món quà làm kỷ niệm hoặc đem về tặng người thân, đó có thể là chiếc khăn đội đầu với nhiều màu sắc, hay chiếc túi thổ cẩm với những hoa văn cầu kỳ.
Cạnh món hàng rau, củ, quả được các bà, các chị chào mời nhiệt tình, như rau cải xanh, bắp cải, bông súp lơ, ngô vàng, lạc, đậu, vừng, măng, hạt dẻ nóng, quả óc chó, lê, táo mèo,… Tất cả đều rất tươi ngon mà lại bảo đảm về chất lượng. Đi thêm một đoạn là nơi bán gia cầm, gia súc, với những con gà, con vịt,… thịt săn chắc, được nhốt sẵn trong những chiếc lồng tre, do chính tay bà con nơi đây chăn nuôi, hay những chú lợn, dê, chó, kể cả mèo con, luôn được buộc một đầu dây vào cổ để tiện trông giữ. Đặc biệt, những chú lợn đen choai choai, được gọi là “lợn cắp nách” luôn thu hút mọi người, bởi những chú lợn như vậy không phải ở đâu cũng có.Dãy hàng ăn cũng là nơi thu hút nhiều người, nhất là các em nhỏ. Mùi vị thơm ngon bay ngào ngạt khiến ai đi qua cũng muốn dừng lại. Đó là mùi vị của những món quà bánh ăn lót dạ buổi sớm, như bánh quẩy nhúng mật, xôi ngũ sắc, bánh bột gạo bọc thịt, bánh rán,… cùng những bát phở, chảo thắng cố – món ăn đặc trưng của đồng bào vùng cao Hà Giang.
Khi mặt trời đứng bóng, chảo thắng cố và những chén rượu cạn dần, hàng đã bán, đã mua đầy đủ, bà con lại lục tục kéo nhau về, kết thúc một phiên chợ đầy náo nhiệt. Mỗi người mỗi ngả, cười nói chia tay nhau, hẹn gặp lại ở phiên chợ tiếp theo.Phụ nữ vùng cao Hà Giang đến chợ, ngoài việc để mua bán hàng hóa, những lúc không có khách còn tranh thủ se từng sợi lanh một cách khéo léo, cần cù, hay chăm sóc cho những đứa con nhỏ. Những người đàn ông tới chợ còn là dịp để gặp gỡ, cùng uống rượu, ăn thắng cố, hỏi thăm chuyện gia đình, chúc nhau sức khỏe,… vậy nên hết buổi, chợ tan cũng là lúc men say trong người khiến bước chân họ xiêu vẹo, thậm chí có người còn không thể tự về nhà, mà vợ phải dìu về hay đặt lên lưng ngựa. Hình ảnh những người đàn ông say quá, phải ngủ ngay giữa đường sau những phiên chợ ở vùng cao Hà Giang là chuyện hết sức bình thường. Còn với khách du lịch, đến chợ thường là do hiếu kỳ, lấy hết can đảm ăn thử ít thắng cố, uống thử một vài chén rượu để cảm nhận hương vị làm mê say lòng người.
Cuộc sống ngày càng phát triển, chợ ở Hà Giang hôm nay cũng có nhiều đổi thay, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại được mọc lên, nhưng những phiên chợ vùng cao vẫn mãi là nét đẹp của mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc, là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao nơi đây. Chính vì thế, những phiên chợ vùng cao Hà Giang luôn để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi có dịp ghé thăm.
Độc giả Nguyễn Lan
Ảnh: Phạm Hưởng