ANTT.VN – Trong những cái tên đã ký vào thỉnh nguyện thư ai dám khẳng định rằng khi cáp treo được hoàn thành, nếu được một lần khám phá Sơn Đoòng lại không thuận tay “nhón” một viên thạch nhũ, hay “ngọc động” để làm kỷ niệm trước lúc ra về?!
Sơn Đoòng được đánh giá là hang động tự nhiên dài nhất thế giới
Mấy ngày vừa qua, câu chuyện khảo sát xây dựng tuyến cáp treo dẫn vào hang động tự nhiên sâu nhất thế giới Sơn Đoòng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận cả trong nước cũng như quốc tế.
Đại đa phần ý kiến hiện nay đều cho rằng dự án trên sẽ phá vỡ cảnh quan, tàn phá môi sinh và sớm hay muộn rồi cũng sẽ hủy hoại triệt để tính hoang sơ, vẻ nguyên nhiên của “Sơn Đoòng” – một kỳ quan thiên tạo. Đại diện cho luồng ý kiến đấy không chỉ có những bạn trẻ, học sinh, sinh viên, các chuyên gia trong nước mà còn có rất nhiều du khách, nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn thiên nhiên khắp thế giới – những người nặng lòng cho Sơn Đoòng, cho di sản, cho những món quà vô giá của Mẹ thiên nhiên. Hàng vạn người (hiện vẫn đang tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân) đã đồng lòng ký vào thỉnh nguyện thư “Save Son Doong” với mong muốn chính quyền bác dự án xây dựng cáp treo của Sun Group, “cứu Sơn Đoòng”, lưu giữ nguyên vẹn Di sản thế giới này; thậm chí ý kiến kêu gọi thực hiện những cuộc tuần hành để “đánh thức” những nhà quản lý cũng đã được một số cá nhân lên kế hoạch.
“Lên tiếng” mạnh mẽ để cứu Sơn Đoòng, để bảo vệ thiên nhiên – một hành động đẹp của những người trẻ Việt và dưới một góc độ nào đó điều đấy cũng thể hiện một tinh thần yêu nước sâu sắc theo cách hiện đại và thiết thực. “Save Son Doong” có lẽ cũng là một trong những phong trào mà người viết tạm gọi là “Phản ứng lành mạnh” được tổ chức quy củ, chặt chẽ, có ý thức, có sức lan tỏa và đồ rằng cũng một phong trào sẽ có hiệu quả nhất từ trước đến giờ trong lĩnh vực bảo tồn di sản.
Tại sao người Việt, đặc biệt là giới trẻ lại phản ứng mạnh mẽ đến vậy?
Thực tế là nhiều năm trước đây, việc xây dựng cáp treo phục vụ tham quan du lịch vẫn được đông đảo công chúng đón nhận đầy thiện cảm bởi thứ nhất, nước ta chưa có cáp treo mà dân ta thì lại vốn thích trải nghiệm; thứ hai, xây dựng cáp treo, di chuyển bằng cáp treo mang lại rất nhiều tiện ích về “views”, về kinh tế, về an toàn trật tự và vể cả môi trường; thứ ba, xây dựng cáp treo được rất nhiều các quốc gia trên thế giới ứng dụng thành công và hiệu quả.
Tuy nhiên hiện nay, khi khắp cả nước đã “chằng chịt” cáp treo ngang dọc, đồng thời, người dân đã có được trải nghiệm, cảm nhận, đánh giá đầy đủ thiệt-hơn, lợi-hại của loại hình di chuyển ‘leo dây” này và đặc biệt là sau những hậu quả nhãn tiền về thiên nhiên, cảnh quan và môi trường do tác động của việc “bê tông hóa” những khu rừng nguyên sinh hay việc “xẻ thịt” cả một vùng bán đảo trù phú để xây dựng các tuyến cáp treo phục vụ những dự án du lịch được gắn mác “du lịch sinh thái, về với hoang sơ…”; thì ánh nhìn của “dân tình” về cáp treo không còn “hoang sơ” nữa.
Dự án xây dựng tuyến cáp treo tới hang Sơn Đoòng đang nhận được nhiều phản ứng từ dư luận
Họ sợ rằng, khi cáp treo hoàn thành, khi “cả lô, cả lốc” các resort vệ tinh mọc lên, rồi cả vạn du khách ùn ùn kéo đến với Sơn Đoòng thì liệu rằng kỳ quan “hang động dài nhất thế giới” mà Mẹ thiên nhiên đã kiên trì phác tạc, chở che trong cả triệu năm mới nên vóc nên hình có đủ sức trụ vững để hoang sơ, để nguyên nhiên trước làn sóng thương mại hóa, trước “thói hoang” của loài người. Rồi thì, họ sợ cả di sản thế giới “Phong Nha – Kẻ Bàng” với những lá phổi nguyên sinh, với những loài động vật quý hiếm trong sách đỏ, liệu có cá thể nào lại “không may” nằm lọt trong mâm nhậu của các nhóm công nhân xây dựng như câu chuyện về “vọoc chà vá” cũng ở một dự án năm nào, cách đó không xa.
Họ ái ngại, họ sợ, và họ phản đối, vì họ yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu con người Việt Nam.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhìn nhận một cách khách quan, xây dựng cáp treo phục vụ du lịch không hoàn toàn xấu, mà ngược lại đó còn là một giải pháp rất tích cực phục vụ du lịch mà hạn chế tổn hại đến môi trường nến việc xây dựng tuân thủ chặt chẽ các quy chuẩn bảo tồn, thiết kế phê duyệt và giám sát. Trên thực tế cũng đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới kết hợp thành công giữa du lịch và bảo tồn, vừa giúp quảng bá du lịch, vừa tạo một nguồn thu ngoại tệ không nhỏ cho đất nước, tạo động lực để nâng cao chất lượng sống, ổn định xã hội và cải tạo thiên nhiên. Một trong những tiêu chí của phát triển bền vững đó là phát triển kinh tế xanh mà trong đó công nghiệp không khói (du lịch) đóng một vai trò rất lớn.
Ngoài lợi ích kinh tế, việc xây dựng cáp treo cũng mở ra cơ hội cho nhiều người, chủ yếu là người Việt có cơ hội được đến, nhìn ngắm, chiêm ngưỡng và khám phá một kỳ quan của chính quê hương, tổ quốc của mình. Khi mà hàng năm mới chỉ có một số lượng người rất ít ỏi, theo thống kê trong năm 2014 là 400 người (đa phần là người nước ngoài), được tham quan Sơn Đoòng bởi những trở ngại kỹ thuật và chi phí (để phục vụ cho 6 người tham quan cần có 16 nhiên viên khuân vác, các chuyên gia an toàn và hướng dẫn trong thời gian 6 ngày với giá tour là $3.000/người)
Theo quan điểm của người viết, xây hay không xây cáp treo không quan trọng, điều cốt yếu nhất vẫn nằm ở con người. Nếu các nhà điều hành có một ý thức quản lý, các nhà xây dựng có ý thức bảo vệ, người dân có ý thức giữ gìn và du khách có ý thức bảo tồn thì việc xây cáp treo không hề tiêu cực mà ngược lại còn đem lại cho Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung rất nhiều lợi thế, lợi ích.
Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận ý thức bảo tồn di sản, tôn trọng tự nhiên của đa số người Việt vẫn chưa cao và trong những cái tên đã ký vào thỉnh nguyện thư ai dám khẳng định rằng khi cáp treo được hoàn thành, nếu được một lần khám phá Sơn Đoòng lại không thuận tay “nhón” một viên thạch nhũ, hay “ngọc động” để làm kỷ niệm trước lúc ra về?!.
Theo antt.vn