Sau đá (cao nguyên đá), có lẽ hoa Tam giác mạch đang là “của độc” thu hút hàng nghìn khách du lịch vật vã vượt cả trăm km đường đèo núi để lên Hà Giang vào tháng 10 và 11. Lượng khách “thưởng hoa” đang ngày tăng nhanh, kéo theo nhiều lợi ích kinh tế cho vùng núi đá cằn khô này.
Hoa Tam giác mạch có 2 màu hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, ở giữa hạt giống nhấp nháy đen, khi hoa nở rộ thành từng vạt mang lại vẻ đẹp yếu ớt, lãng mạn giữa một vùng đất lạnh mang màu xám của đá, màu xanh của cây.
Chỉ nở rộ trong thời gian rất ngắn (1-2 tháng), và cũng không rực rỡ, mênh mông, mướt mát như trên ảnh, song rất nhiều người, nhất là giới trẻ háo hức được ngắm, được chụp ảnh với loại hoa tên nghe cũng lạ, mà hình dáng, màu sắc hoa cũng lạ. Thực ra không phải ai cũng biết, Tam giác mạch được trồng ban đầu không phải vì có hoa đẹp lãng mạn mà chủ yếu là lấy hạt để ăn chống đói (ăn thay ngô, thay cơm).
Tuy nhiên cũng chỉ là ăn chống đói thôi, chứ cũng không hẳn là ngon, chưa kể xét về bài toán kinh tế, trồng Tam giác mạch năng suất không cao (mỗi sào Tam giác mạch thu hoạch được khoảng 50 kg hạt), lại hại đất (cây hút dinh dưỡng trong đất rất nhiều, trồng Tam giác mạch một vài vụ rồi là đất đó không trồng được cây gì khác nữa) nên giờ bà con cũng ít trồng.
Nhưng giờ, nhờ sự yêu thích của khách du lịch với loại hoa có vẻ đẹp yếu ớt mong manh, Tam giác mạch đang được triển khai trồng nhiều ở Hà Giang.
Trước tiên là tự phát từ nhiều hộ dân (thấy khách dưới xuôi thích tạo dáng cả ngày với hoa Tam giác mạch, nhiều người đã trồng hoa Tam giác mạch và thu phí theo đầu người khoảng 10.000 – 20.000 đồng/người), sau nữa là đến chính quyền (đại diện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Tỉnh đã định hướng cây Tam giác mạch là sản phẩm đặc thù của cao nguyên đá và thời gian tới sẽ tập trung vào các hoạt động thu hút du lịch).
Vậy là từ cây trồng để chống đói, Tam giác mạch đã trở thành “sản phẩm đặc thù” để phát triển du lịch. Đây rõ là hướng phát triển đúng.
Vấn đề đặt ra chỉ còn quy hoạch diện tích, địa điểm trồng sao cho hợp lý, tổ chức sao cho hấp dẫn thay vì chỉ đơn thuần là thu hút khách lên chụp ảnh, đạp hoa… Được biết, tỉnh này đang tính tới xây dựng lễ hội Tam giác mạch với nhiều hoạt động văn hóa phong phú.
Người yêu hoa mơ đến một ngày Tam giác mạch trở thành thương hiệu lớn của Hà Giang như hoa Tulip của Hà Lan, hoa Hồng của Bungari hay Hoa Lavender của Pháp…
Nguyễn Hà