Mùa hè oi bức là thời gian nặng nề đối với cư dân đại đô thị bởi nắng nóng đến kiệt sức, mù mịt màn khói trên trời, căn phòng ngột ngạt…
Thế nhưng, người dân Mátxcơva lại vô cùng may mắn khi “thiên đường xanh” ở ngay giữa lòng trung tâm thành phố. Đó là “Vườn Bách thảo Mátxcơva”.
Vườn thực vật lớn nhất châu Âu này tọa lạc ở phía bắc thủ đô Nga, với diện tích 361 ha. Nơi đây không chỉ là chốn lý tưởng để dạo bộ, mà còn là một “bảo tàng” phong phú những loại thảo mộc kỳ lạ nhất tập hợp từ khắp thế giới. Bộ sưu tập Xanh của vườn Bách thảo Mátxcơva bao gồm hơn 16 nghìn loại hoa, cây bụi và cây thân mộc cực kỳ đa dạng.
Thời xa xưa, nơi đây từng là cánh rừng dày đặc, nơi mà các Sa hoàng Nga thường ưa tổ chức cuộc săn bắn. Qua thời gian, Mátxcơva mở rộng dần, từng bước thu hẹp rừng, cây cối bị đốn hạ nhường chỗ cho các công trình đô thị. Năm 1743, chủ sở hữu của vùng đất xung quanh là một trong những người giàu nhất nước Nga – Bá tước Nikolai Sheremetiev. – đã cho xây dựng tòa cung điện tráng lệ ở quận Ostankino và kèm theo là khu vườn kiểu Anh với đài phun nước và những chiếc ao nhân tạo.
Năm 1945, Chính phủ chuyển giao khu công viên và cánh rừng sống sót nguyên vẹn một cách kỳ diệu xung quanh “vườn Anh” cho Viện Hàn lâm Khoa học. Nhà thực vật học nổi tiếng, chuyên gia gien học và chọn giống Nikolai Tsitsin nêu đề xuất tạo lập ở đây một khu vườn thực vật. Tiếp đó, nhà khoa học trở thành vị Giám đốc đầu tiên của “thiên đường xanh” này. Và từ năm 1991, Vườn Bách thảo mang tên nhà bác học lỗi lạc này.
Ngày nay, khi thả bước trong khu vườn đặc biệt, các khách tham quan có thể thấy những mẫu hình cảnh quan khác nhau như “Phần châu Âu của nước Nga”, “Kavkaz”, “Trung Á”, “Siberia”, “Viễn Đông”… trong “Thiên đường xanh” này. Trong vườn ươm đang chăm sóc phát triển khoảng hai ngàn giống cây từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, có giống cây Nam sâm Aralia, mộc qua Nhật Bản, trắc bách diệp Bắc Mỹ … “Cây Nga” – bạch dương – giới thiệu 30 dạng khác nhau.
“Kỷ lục” phong phú không thể tranh cãi trong vườn ươm thuộc về thanh lương trà với 82 loài. Ở chính giữa vườn là khu bảo tồn sồi lừng danh với những cây sồi bề thế 150 tuổi. Tuy nhiên, du khách bình thường không được tới gần, mà chỉ các nhà khoa học nghiên cứu sự phát triển của rừng mới có quyền tiếp cận những cây sồi hùng vĩ này. “Báu vật ” của Vườn Bách thảo Mátxcơva là Quĩ thực vật nhà kính – nơi bảo tồn các thứ cây cỏ nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở đây có hơn 6.000 loài kỳ hoa dị thảo ưa nhiệt. Đặc biệt ấn tượng là bộ sưu tập hoa lan lớn nhất ở Nga, khu trưng bày thảo mộc thủy sản và ven biển nhiệt đới gồm 244 loài được công nhận là xuất sắc nhất châu Âu.
Cách không xa khu nhà kính là vương quốc hoa cảnh: vô số loại mẫu đơn, mã lan tử, hoa rẻ quạt, hoa chuông, thủy tiên và huệ tây cùng loa kèn. Không phải tất cả các loài hoa đều ưa ánh nắng mặt trời, một số quen ẩn trong bóng râm. Dành cho những giống hoa trầm mặc này đã tạo ra cả khu “vườn rợp” đặc biệt, nơi tia nắng mặt trời không xuyên tới. Không thể hình dung một khu vườn nếu thiếu Nữ hoàng của vương quốc là hoa hồng. Trong vườn hồng nơi đây ươm trồng 6.000 bụi hồng gồm khoảng 300 giống quanh năm cho vô vàn bông hoa đẹp tuyệt vời. Hoa nở tưng bừng tỏa hương thơm ngào ngạt làm khách du lịch mê say chẳng muốn dời chân..
Khi xuân sang, từ khắp nơi mọi người đổ về Vườn Nhật Bản để chiêm ngưỡng hoa anh đào. Trong vườn rất nhiều điều lạ thường: tòa tháp đá 13 tầng niên đại thế kỷ XVIII mang từ Nhật Bản đến, vườn đá và hơn 100 loài thực vật quê gốc ở xứ Mặt trời mọc nhưng đã hoàn toàn quen thuộc hòa nhập với đất đai Nga và xanh tươi sinh động ở góc thủ đô Mátxcơva.
Vào những ngày nắng ấm, lãnh thổ rộng lớn của Vườn Bách thảo Chính chào đón đông đảo khách thăm. Mọi người đến đây với toàn gia đình: ngắm các loài cây cỏ đẹp, dạo chơi trên những đường cây râm mát, tự tay ném thức ăn cho bầy vịt và thiên nga bơi lội tung tăng trong chiếc ao rộng ở trước Cổng Lớn. Những đôi lứa đang yêu nhau nhất thiết sẽ đế n đài quan sát để gắn vào hàng rào một ổ khóa có khắc tên hai người. Các họa sĩ ngồi vẽ phong cảnh, hình nền tinh tế của tòa nhà chính trong Vườn thực vật, cây và hoa, những đứa trẻ nô đùa trên bãi cỏ… Những nét cọ cố gắng chuyển tải vào bức tranh sơn dầu sự hài hòa tuyệt diệu và vẻ đẹp của “thiên đường xanh” được tạo nên bởi thiên nhiên và con người.
Nguồn dulich.dantri.com.vn