Là một trong bảy khu bảo tồn biển của Indonesia, Karimunjawa thực sự là một ốc đảo tuyệt vời nếu bạn muốn có những ngày du lịch thú vị tại đất nước vạn đảo này.
Nằm cách bến cảng Jepara (Semarang, Trung Java) tầm 50km. Để đến được đó, chúng tôi phải trải qua hành trình 5 giờ lênh đênh trên thuyền (tàu nhanh thì tầm 2 giờ).
1. Từ xa nhìn lại Karimunjawa vô cùng hiền hòa. Mái ngói nâu đỏ nhuộm màu thời gian, ẩn hiện trong màu xanh mướt mờ của cây cối. Xa xa, những chiếc thuyết lướt nhẹ, nhấp nhô trên dòng nước ba màu xanh xám, xanh ngọc, đến trắng đang lấp lánh ánh bạc.
Vì Karimunjawa khá xa và tách biệt với đất liền nên ban ngày ở đây hoàn toàn im ắng, không có ánh điện nào, điện chỉ có từ tầm 6g tối đến 6g sáng.
Quả thật đây đúng là nơi chỉ có cảnh vật và đất trời giao thoa trong một không gian hoang sơ đến yên ả. Nơi quanh năm nắng gió mặn mòi hương biển với những người dân chân chất thật thà, rắn rỏi và hiếu khách.
2. Chúng tôi đến nơi khi chiều muộn nên thay “màn” tắm biển bằng việc ra bến cảng ngắm hoàng hôn. Biển ở đảo bao giờ cũng đẹp. Hoàng hôn của đảo lại càng đẹp hơn.
Hoàng hôn ở đảo không kéo dài lướt thướt mà trôi qua rất mau. Mặt trời lấp ló ánh sáng và chuyển từ màu đỏ gạch rồi cam, để lại khoảng không trong đám mây đen xám đang ùa đến.
Chiều im. Gió lặng. Đảo chìm ngập trong màu hoàng hôn. Như một thói quen thư giãn cuối ngày, người dân lại ra đây, im lặng ngồi nhìn mặt trời buông dần.
3. Đến Karimunjawa mà bỏ qua màn lặn ngắm san hô là một thiếu sót lớn. Bởi đây là nơi có những bãi ngắm san hô đẹp bậc nhất Indonesia. San hô ở đảo có rất nhiều hình thù và kích cỡ khác nhau.
Tôi lặn mình xuống dòng nước trong veo, nhìn ngắm những cành san hô đang phập phồng “thở” và cho trí tưởng tượng của mình được dịp phát huy.
Chợt bật cười khi bắt gặp những rặng san hô với hình thù như những bông hoa hồng, quả tim, những chiếc nấm khổng lồ nhiều màu sắc cùng đàn cá zebra, nemo tung tăng bơi lội. Đẹp quá sức tưởng tượng.
4. Bạn muốn một chút mạo hiểm thì việc chụp hình cùng với những con cá mập cũng là hoạt động thú vị. Ở đây, người ta ngăn dòng nước biển ra một khu nhỏ để nuôi những con cá mập nhỏ. Khách tham quan có thể chụp hình cùng với những chú cá mập. Có cả loại cá mập trắng lẫn cá mập đen.
Nhìn thấy sự háo hức nhưng không kém phần sợ hãi của nhiều du khách khi tham gia hoạt động này cũng thấy vui vui. Cảm giác như chinh phục được một thử thách mà bản thân mình chưa bao giờ dám nghĩ đến.
5. Mỗi tối, chúng tôi lại đi dọc con đường ra Alun – Alun (nghĩa là quảng trường) để ăn hải sản. Hải sản ở đây tươi và rẻ. Những con mực to bằng hai bàn tay cũng chỉ có 15.000-20.000 rupiah (tương đương 30.000-40.000 đồng). Những con cá kakak tua da xanh đặc sản của vùng Karimunjawa hay những con tôm hùm đủ mọi kích cỡ, giá cả để cho những du khách có túi tiền bình dân như chúng tôi cũng có cơ hội nếm thử.
Và có vẻ như hải sản ở Karimunjawa ngon hơn nơi khác vì được nướng bằng vỏ và xác dừa khô, khói dày đặc khi nướng cộng thêm nước quét đặc trưng ở đây, sẽ khiến bạn xuýt xoa, dù bụng no căng vẫn muốn ăn đến trọn miếng cuối cùng.
6. Bốn ngày ở đây trôi qua thật nhanh. Lại phải về lại với cuộc sống thường nhật của mình. Trên chuyến xe trở về tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh về người dân ở đây, những con người hiền hòa, thân thiện và thật thà.
Dù Karimunjawa đã là điểm đến của nhiều khách du lịch từ bảy năm nay, nhưng cuộc sống ở đây vẫn không hề bị lai nhiễm. Họ vẫn thật đến mức xe máy không bao giờ rút chìa khóa dù đang dựng ngoài đường, điện thoại, ipad để ngay trên bàn phòng khách, dù cửa mở toang không bóng người.
Có lẽ với họ, sự tin tưởng luôn đong đầy. Có lẽ với họ những sự tốt lành trong đời sống hàng ngày vẫn chưa bị đổ vỡ.
Tin là mọi người đều thật, vì tất cả những điều trên. Để rồi khi người bạn hỏi rằng, Karimunjawa như thế nào? Tôi không ngần ngại thủ thỉ vào tai nó rằng, “Ta “phải lòng” nó rồi mi à”.
Chỉ vậy thôi!
Nguồn dulich.tuoitre.vn