Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam.
Phân chia hành chính: bao gồm 1 thành phố trực thuộc, 1 thị xã và 9 huyện.
Diện tích địa lý: 6.050,6 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 1.497.300 người
Mật độ: 247 người/km²
Suối nước nóng Hội Vân
Tương truyền đây là suối nước mà thần tiên đã ban cho một công nương trong hoàng tộc Chămpa để chữa bệnh. Vì vậy mà con suối này còn có tên gọi là suối Tiên. Nước suối có độ nóng từ 78ºC đến 84ºC gồm nhiều thành phần hóa học. Tại đây có viện điều dưỡng chữa bệnh với các phương pháp trị liệu cổ truyền được khách du lịch đánh giá cao như tắm ngâm, tắm hương sen, phun hơi ở độ nóng 38ºC.
Bãi tắm Hoàng Hậu
Tương truyền rằng, trong những lần theo vua Bảo Đại đi kinh lý các tỉnh miền Trung, Nam Phương Hoàng Hậu đã chọn nơi đây làm bãi tắm cho riêng mình. Và bãi tắm Hoàng Hậu có tên gọi bắt nguồn từ đây.
Không bút nào tả được cảm giác tuyệt vời khi bạn giẫm bàn chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ, nằm xếp lên nhau trên bãi biển. Hai bên ghềnh đá nhô cao như những chàng vệ sĩ hứng tấm lưng trần chắn những đợt sóng lớn liên tục xô vào bờ, tung lên cao những đám bọt trắng xóa như pháo thăng thiên. Đến đây bạn sẽ được đắm mình trong không gian yên tĩnh, hài hoà của gió núi và sóng biển. Bãi tắm Hoàng Hậu – món quà của thiên nhiên ưu đãi cho con người nơi đây.
Thắng cảnh Ghềnh Ráng
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một cô gái “sắc nước, hương trời” ở Bồng Sơn bị bọn tham quan, vô lại truy đuổi định cưỡng bức nên phải chạy trốn vào Quy Nhơn. Đến Ghềnh Ráng, bỗng dưng sấm chớp bão bùng, núi nứt một khe lớn và nàng biến mất. Người yêu cô gái tìm đến chỉ còn thấy bóng nàng ẩn hiện trên bầu trời. Từ đó nơi đây được đặt tên là “Ghềnh Ráng Tiên sa”.
Ghềnh Ráng không chỉ đẹp bởi truyền thuyết mà thực tế cũng là một bức tranh sơn thủy hữu tình, hiếm nơi nào có được. Phía tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời xanh. Phía đông bắc biển xanh bao la, ôm lấy bãi cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Đi dọc theo triền núi ta sẽ được chiêm ngưỡng một số “tác phẩm” tuyệt đẹp của thiên nhiên. Có tảng đá hình đầu sư tử chồm ra biển như muốn lao xuống dòng nước sâu thẳm. Tượng Vọng phu trầm tĩnh xa xăm. Rồi những gấu đá, voi đá nằm chầu như đang canh giữ biển trời. Hòn Chồng mới nhìn tưởng mong manh, có thể đổ sụp bởi một làn gió nhẹ nhưng bao đời vẫn sừng sững trước phong ba bão táp.
Nơi đây có bãi Đá Trứng hay còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu vì ngày xưa Nam Phương Hoàng Hậu vẫn thường đến đây để tắm. Cách bãi Đá Trứng không xa về hướng tây là mộ của nhà thơ Hàn Mạc Tử, được chuyển dời từ nghĩa địa trại phong Qui Hoà về. Phía sau mộ là nhà lưu niệm có nhiều ảnh, tư liệu về cuộc đời ông.
Thành cổ Hoàng Đế
Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa. Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở đây, gọi là Hoàng Đế Thành. Ông cho mở rộng thành về phía đông, xây dựng nhiều công trình lớn. Năm 1799, thành bị quân nhà Nguyễn chiếm, đổi gọi là thành Bình Định. Năm 1814, nhà Nguyễn phá bỏ thành cũ, xây thành mới, cách thành cũ khoảng 5km về phía nam.
Trong thành có những di tích cũ của người Chăm như giếng vuông, tượng nghê, voi. Bên cửa hậu có gò Thập Tháp, trên gò có 10 ngôi tháp Chàm. Đặc biệt có ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 tượng voi và nhiều tượng quái vật. Chùa Thập Tháp Di Đà nằm ở phía bắc thành, chùa Nhạn Tháp ở phía nam thành là những ngôi chùa cổ còn giữ được nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chămpa và phong trào Tây Sơn.
Tháp Đôi
Tháp xây trên một gò đất giống như mu rùa, rộng vừa đủ để xây tháp. Cả hai tháp có cấu trúc đặc biệt, không giống như các tháp Chăm nhiều tầng truyền thống. Tháp gồm hai phần chính: thân tháp vuông và phần mái tháp mặt cong đều bằng nhau. Mỗi ngọn tháp có một cửa ra vào, cùng nằm về phía đông.
Tháp Cánh Tiên
Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời.
Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ (tiền sảnh bị đổ sụp). Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái. Tại bốn góc ở mỗi tầng của tháp có các chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra.
Tháp Bánh Ít
Tháp chính cao 22m trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Trong ba tháp này có hai tháp giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một tháp giống bánh ít mặn. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.
Gần tháp Bánh Ít là tu viện Nguyên Thiều với phật đài lộ thiên uy nghi trên một đỉnh đồi, nhìn xuống giải nước trong xanh của dòng Tân An thơ mộng.
Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại thì tháp Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.
Chùa Long Khánh
Chánh điện bài trí tôn nghiêm, có tượng đức Phật Thích ca ở giữa bằng đồng, cao 2m, được đúc tại chùa năm 1960. Pho tượng đức Phật A-di-đà ở sân trước chùa cao 17m, được tôn trí vào năm 1972. Hiện nay chùa còn lưu giữ 2 hiện vật quý, đó là:
– Thái Bình Hồng Chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805, triều vua Gia Long.
– Tấm dấu biểu trưng “Long Khánh Tự” được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.
Du lịch Hầm Hô
Hạ lưu dòng sông Kút có dòng Hầm Hô dài 1.000m quanh năm xanh biếc.
Hai bên bờ Hầm Hô là rừng cây rợp bóng cùng những vách núi dựng đứng như lá chắn. Dọc sông là những dãy đá hoa cương nhiều hình thù kỳ dị, nhấp nhô. Địa bàn này còn có tên gọi là “Hầm Hô thạch trụ” với những danh lam Đá Thành, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm, Đá Dựng, Đá Trái, Cửa Sanh – Cửa Tử, thác Cá Bay, Dấu chân khổng lồ…
Theo người dân địa phương, mùa xuân là thời điểm đẹp nhất trong năm nếu muốn đến vãn cảnh Hầm Hô. Vào những ngày cuối đông, trời vẫn còn se lạnh, hàng nghìn khách du lịch nối chân nhau trên lối mòn ngoằn ngoèo dọc suốt bên sông. Khách mua vé thuyền 5.000đồng/người/lượt để đi tới Bờ Đập. Sau đó, ngược dòng sông qua những thắng cảnh lộng lẫy như Vực Sặc, Vực Bà, Vực Hòm, Đá Cháy, Thác Hai, Thác Ba, Đỉnh Sương Mù, Làng Cát… cũng như những nơi tận cùng dòng sông Kút.
Để tự mình khám phá Hầm Hô và dòng sông Kút, bạn nên đi theo ít nhất là 2 người dân bản địa với 50.000đồng/người/ngày công, bao ăn uống. Ngành du lịch địa phương đang nghĩ tới một đường cáp treo dọc bờ sông Kút để khách du lịch chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của núi rừng, nét quanh co uốn khúc của dòng sông, không gian mát dịu cùng ánh trăng rừng.
Tháp Dương Long
Từ quốc lộ 1A, tới Gò Găng, cách Tp. Qui Nhơn 40km và Tp. Ðà Nẵng 270km, rẽ theo hướng tây vào sân bay Phú Cát, trước cổng sân bay, rẽ trái, đi tiếp chừng 9km nữa là tới.
Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng đông và được nâng lên khá cao, chừng khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình những con vật chim thần: Garuda, Voi, Đại bàng… Các mặt phẳng của tường được phủ nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ. Những người này được thể hiện có đầu tương đối lớn, đội mũ có chỏm cao. Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên.
Mọi chi tiết trang trí ở tháp này đều rất lớn, trổ trên sa thạch, đường nét rõ ràng và còn giữ được rất tốt. Chỉ riêng những khối đá lớn trên mái đã bị xô lệch nhiều.
Bảo tàng Quang Trung
Nguyễn Huệ là một anh hùng dân tộc có công dẹp loạn trong nước và đánh đuổi quân xâm lược từ ngoài vào. Năm 1788, ông thống lĩnh đại quân từ Phú Xuân (Huế) hành quân 35 ngày đêm ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long (nay là Hà Nội). Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế hiệu là Quang Trung.
Ðến bảo tàng Quang Trung, du khách được xem Nhạc võ Tây Sơn do cô gái – cháu chín đời của Quang Trung – Nguyễn Huệ biểu diễn.
Sưu tầm Internet.