Kon Tum, còn viết là Kontum, là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam.
Phân chia hành chính: có 1 thành phố và 8 huyện.
Diện tích địa lý: 9.689,6 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 453.200 người
Mật độ: 47 người/km²
Nhà rông Tây Nguyên
Nhà rông của mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn. Nhưng nhìn chung nhà rông vẫn là ngôi nhà to nhất, thường gấp ba, gấp bốn nhà thường, có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cột cây to, thường là tám cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc; mái nhọn lợp bằng lá gianh, phơi kỹ cho đến khi vàng óng. Trên những vì kèo được trang trí những hoa văn có màu sắc rực rỡ mang tính tôn giáo thờ phụng, những sự tích huyền thoại của dũng sĩ thuở xưa, những thú vật được cách điệu, những vật, những cảnh sinh hoạt gần gũi với cuộc sống buôn làng. Nổi bật trong trang trí nhà rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng.
Nhà rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.
Chiến trường Đắk Tô – Tân Cảnh
Đắk Tô trở nên một địa danh quen thuộc đối với các cựu chiến binh Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam muốn trở lại thăm chiến trường xưa.
Khách du lịch đến thăm quan sẽ thấy sừng sững giữa trung tâm thị trấn Đăk Tô đài tưởng niệm và tấm bia lớn ghi lại chiến tích lẫy lừng của chiến trường Đăk Tô – Tân Cảnh.
Cách Đắk Tô 5km về phía nam là đồi Charlie cũng là một di tích chiến trường xưa của tỉnh Kon Tum.
Ngục Kon Tum
Đến năm 1975 khi chiến tranh kết thúc, nhà ngục Kon Tum trở thành di tích lịch sử của miền Nam Việt Nam. Sau bao năm hư hại, nay chỉ còn bia tưởng niệm và mộ của 8 liệt sỹ cách mạng. Ngục Kon Tum là một điểm tham quan di tích lịch sử cách mạng.
Làng Ba Na
Dân tộc Ba Na là một trong ba dân tộc bản địa đông người nhất ở Tây Nguyên, họ sống nhiều nhất ở tỉnh Kon Tum. Ba Na Kon Tum là tên cộng đồng người Ba Na tập trung ở thị xã Kon Tum. Theo tiếng Ba Na thì Kon nghĩa là làng, Tum nghĩa là hồ, ao. Kon Tum là làng có nhiều ao, hồ.
Đến thăm làng Ba Na, khách du lịch sẽ nhìn thấy những nếp nhà sàn dựng trên nền đất hình vuông hay hình chữ nhật, cầu thang lên nhà thường là một thân cây gỗ, đục đẽo thành nhiều bậc khá công phu. Người Ba Na là dân tộc đầu tiên ở Tây Nguyên biết dùng chữ viết trong đời sống và dùng trâu bò để cày ruộng. Tuy nhiên họ cũng chưa biết tổ chức cuộc sống khoa học, gạo chỉ giã đủ ăn từng ngày. Trước đây người Ba Na có truyền thống săn bắn giỏi, tới gia đình nào bạn cũng có thể nhìn thấy có vài cái nỏ bằng gỗ rất chắc.
Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, giữa sàn nhà người Ba Na là bếp lửa luôn luôn đỏ than. Bếp cũng là trung tâm sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình.
Ðàn ông Ba Na thường có vết sẹo ở ngực. Ðó là vết tích do họ tự gây nên bằng cách lấy lửa hoặc than hồng dí vào ngực khi trong nhà có người chết, để tỏ lòng thương tiếc người quá cố.
Nhà mồ Tây Nguyên
Theo phong tục tang lễ của một số tộc người ở vùng Tây Nguyên, sau khi chôn người chết, người ta làm một chòi nhỏ sơ sài trên nấm mộ để che mưa che nắng cho người chết. Trong chòi thường đặt một số đồ dùng của người đã khuất.
Sau đó một hoặc vài ba năm, thân nhân gia đình người chết phá nhà mồ cũ, dựng nhà mồ mới khang trang hơn, kiên cố hơn, trang trí tượng gỗ, có hàng rào xung quanh nhà mồ.
Tục phá chòi, dựng nhà mồ mới của một số tộc người ở Tây Nguyên thường được tổ chức vào mùa xuân (mùa khô) và được coi như một lễ hội lớn (lễ bỏ mả) của dân bản. Người ta đưa đến nghĩa địa rượu, thịt, cá, các vật cúng tế. Thân nhân người quá cố và dân bản cùng vui mừng, ăn uống, nhảy múa trong một hay nhiều ngày bên nhà mồ để chia biệt vĩnh viễn người quá cố.
Tục bỏ nhà mồ theo quan niệm sau sự kiện này thì người sống hết trách nhiệm trông nom, thờ cúng cho người quá cố và được giải thoát mọi giàng buộc, nếu còn trẻ có thể lấy vợ (hoặc chồng) khác; còn người quá cố sẽ được đầu thai sang kiếp khác…
Sưu tầm Internet.