Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long.
Phân chia hành chính: có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 164 xã, phường và thị trấn.
Diện tích địa lý: 2360,6 km²
Dân số 2011 tổng cộng: 1.257.800 người
Mật độ: 533 người/km²
Vườn cây ăn trái Cái Mơn
Ðến đây mùa nào cũng có các loại trái cây để ăn. Làng nghề Cái Mơn hàng năm còn cung ứng cho thị trường nhiều triệu cây giống các loại như sầu riêng, măng cụt, xoài cát, nhãn tiêu, bòn bon và các loại cây có múi.
Cái Mơn cũng là nơi có nhiều nghệ nhân, nhân giống triết cành tạo nên các loại cây cảnh và hình bó nai, hình con hươu, nai, rồng, phượng… rất đẹp mắt. Sản phẩm được bán nhiều ở Thủ Ðức, Biên Hòa,… và xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chùa Tuyên Linh
Chùa Tuyên Linh được xây năm Tân Dậu (1861), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Lúc đầu, chùa có tên là Tiên Linh do Hòa thượng Khánh Phong trụ trì và được làm bằng tre, lá để thờ bà Sầm.
Năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri về trụ trì tại chùa này. Là một cao tăng rất tinh thông Phật học, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh. Nhờ hiểu rộng, đi nhiều nơi, có vốn nho học lại biết cả chữ quốc ngữ nên ông được các tín đồ, cư sĩ Phật giáo tín nhiệm và có hơn 90% người dân địa phương theo đạo. Hòa thượng Lê Khánh Hòa còn là người sáng lập ra Nam kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Đồng thời nhà sư còn là chủ bút tạp chí Từ bi âm, Giám đốc Phật học tùng thư.
Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong thời gian lưu trú tại chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa bàn việc dân, việc nước. Ở đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng gặp gỡ các ông: Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát, và trong số họ sau này có người trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre. Năm 1929, cụ Phó bảng lâm bệnh và bị bọn mật thám Pháp theo dõi nên Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã tìm cách đưa cụ về Đồng Tháp. Theo lời kể của những người lớn tuổi ở xã Minh Đức thì tên gọi Tiên Linh tự được nhà sư Lê Khánh Hòa đổi lại Tuyên Linh tự năm 1930 theo sự góp ý của cụ Phó bảng. Cụ giải thích rằng: Tuyên là tuyên truyền. Về phần mình, Hòa thượng Lê Khánh Hòa ngoài tụng kinh niệm phật ông luôn động viên các tín đồ Phật giáo tham gia hoạt động cách mạng và kháng chiến. Do tuổi già, bệnh nặng, Hòa thượng Lê Khánh Hòa mất ngày 19/6/1947. Trước lúc viên tịch, sư cụ tắm rửa sạch sẽ, thay đạo phục rồi quay mặt về hướng bắc nói những lời cầu mong nước nhà độc lập, chúc sức khỏe Hồ Chủ tịch, sau đó niệm phật rồi tắt thở.
Trong 2 cuộc kháng chiến, chùa Tuyên Linh là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng nên đã hai lần bị giặc dùng máy bay ném bom, phá hủy và đốt chùa. Chùa được trùng tu nhiều lần và được xây mới vào năm 1999 trên nền cũ rất khang trang. Tuy nhiên, những hiện vật gắn với quá khứ của chùa không còn nhiều. Đồng chí Việt Hùng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Minh Đức, thành viên ban bảo vệ di tích chùa Tuyên Linh cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch xin xây nhà bảo tàng ở tại chùa. Trước tiên sẽ tìm vận động, sưu tầm những hiện vật gắn với chùa trước đây và tôn tạo lại những bút tích của sư cụ Lê Khánh Hòa và cụ Nguyễn Sinh Sắc để trưng bày ở bảo tàng. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng hệ thống giao thông để tạo sự đi lại dễ dàng cho người dân đến tham quan chùa”.
Mộ Nguyễn Đình Chiểu
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước nổi tiếng của miền Nam và cả nước. Ông sinh ra tại Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1861, Cần Giuộc thất thủ ông về Ba Tri ở ẩn và mất tại đó năm 1888. Đền thờ ông được xây năm 1969. Hàng năm, vào ngày 1 tháng 7 (ngày sinh của ông), nhân dân huyện Ba Tri nói riêng và toàn tỉnh Bến Tre nói chung thay mặt đồng bào cả nước tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm nhà thơ rất trang trọng.
Làng du kích Đồng Khởi
Ở đây có nhà triển lãm tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bến Tre đang xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hình ảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam.
Cồn Tiên
Hàng năm vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, hàng vạn người đến tắm và vui chơi. Khu này dự kiến sẽ liên doanh xây dựng thành làng du lịch trong tương lai.
Cũng giống như ở các cù lao An Bình (Vĩnh Long), Cồn Thới Sơn (Tiền Giang), Cồn Ốc phối hợp với các điểm du lịch khác tạo thành một chương trình du lịch đa dạng đưa du khách đến thăm quan và tìm hiểu cuộc sống của dân miệt vườn.
Cồn Qui
Cồn Qui là cồn nhỏ nhất của Bến Tre, được khai thác từ những năm đầu thập kỷ 1960. Vào năm 1955, ông Phạm Cao Thăng là người đầu tiên đến đây khai hoang lập ấp. Ông trồng nhiều cây bần để giữ đất không bị trôi. Hàng năm, nhờ lượng phù sa bồi đắp nên Cồn Qui ngày càng được mở rộng. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ dân đến đây sinh sống và khai thác đất trồng hoa màu và nhiều loại cây ăn trái.
Là vùng đất mới nên Cồn Qui vẫn còn giữ được những nét hoang sơ. Những bông bần trắng tím là đà mặt nước, đung đưa trong gió. Những rặng dừa nước xanh um chạy dọc triền sông đến hút mắt, lả lơi trong sóng. Những mái nhà lá đơn sơ thấp thoáng trong những vườn cây nặng trĩu trái. Những cô thôn nữ mặc áo bà ba, quẫy mạnh mái chèo hoặc điều khiển máy đuôi tôm chở trái cây ra chợ bán…
Ngồi trong các gian nhà sàn rộng rãi, đa số là thủy tạ, của nhà hàng du lịch Quê Dừa lồng lộng gió thổi, du khách có thể thư thái ngắm nhìn đám lục bình nở bông tím ngát, đẹp đến nao lòng. Các nhà ăn cất bằng tre lá nhưng đầy đủ tiện nghi với những món ăn đặc sản, dân dã đặc sắc như: cá bông lau nấu canh chua bần với rau muống đồng; cá điêu hồng hấp nấm mối với bông bí; cá rô, cá kèo hoặc cá lóc kho tộ. Du khách có thể vừa ăn trái cây mới hái, hớp ngụm trà mật ong (mật ong khai thác tại vườn) vừa nghe tiếng đờn ca tài tử réo rắt. Đờn ca tài tử tồn tại cùng năm tháng trên đất Bến Tre, ngày càng phát triển như điểm tô thêm nét duyên dáng cho vùng sông nước này.
Cồn Phụng (Cồn Đạo Dừa)
Đến Cồn Phụng du khách có thể đi xuồng máy dọc cồn thăm các cơ sở sản xuất kẹo dừa, sản xuất đồ lưu niệm từ cây, vỏ trái dừa… lên xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân ngồi nghỉ dưới ngôi nhà lợp lá dừa để uống trà với mật ong và quất, thưởng thức các món ăn trái cây miền nhiệt đới, nghe nhạc đờn ca tài tử.
Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m², hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa là Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp Hoà bình (cửu trùng đài) – nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, toà tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn. Nguyễn Thành Nam tự xưng là “Xứ giả của hòa bình”, chủ trương mang lại hoà bình từ mọi tôn giáo, sống bằng hoa trái (không ăn các sản vật khác).
Tại đây có nhiều món đồ lưu niệm: từ những chiếc mặt nạ xanh đỏ, khung ảnh, chiếc xe ba gác, đến đồ dùng nhà bếp như chén, bát, muỗng, thìa… hầu hết được chế tác từ dừa.
Sân chim Vàm Hồ
Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng. Ở tầng cao có dừa nước (trước đây rất nhiều, nên nơi này còn gọi là Cù lao Lá), chà là, đước, mắm, là nơi lý tưởng cho chim ở. Ở tầng thấp có cây ô rô, cóc kèn, lau sậy… là thảm thực vật cho cò, vạc làm tổ sinh sản. So với các sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long, sân chim Vàm Hồ còn rất trẻ. Chim mới về Vàm Hồ từ tháng 5/1986. Đây chính là đàn chim trước ở Cù lao Đất, xã An Hiệp, huyện Ba Tri di cư tới đây.
Hàng ngày, cứ tầm 4, 5 giờ chiều, nhìn về hướng tây, từ phía chân trời xa xa, những chấm nhỏ li ti di động ngày càng rõ dần, giây lát sau là đàn cò hàng ngàn con đang vỗ cánh bay qua sông Ba Lai, lượn lờ dưới ánh hoàng hôn rồi nhẹ nhàng đáp lên thảm rừng chà là xanh biếc. Chim về, cả cánh rừng xao động bởi tiếng chim con đói mồi hòa lẫn với từng tiếng kêu oang oác rất to của những chú cò bực bội.
Trời sẩm tối, nhà cò đã về đủ, sân chim lại rộn lên tiếng kêu của loài vạc đi ăn. Cò và vạc tuy ở cùng một cánh rừng nhưng lại thay nhau giữ “nhà”. Cò về thì vạc đi, vạc về cò lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình “lặn lội bờ sông”. Các nhân viên phục vụ ở nhà hàng khu du lịch Vàm Hồ cho biết những đêm trăng sáng đôi cánh vạc xòe rộng in trên nền trời lung linh ánh trăng vừa gợi hình vừa trầm mặc như những vần thơ cổ.
Ở Vàm Hồ, ngoài vũ điệu ngoạn mục của hàng ngàn cánh cò, cánh vạc, ngôn ngữ cũng có âm điệu đặc trưng của các loài chim hoang dã khác kết hợp với cây lá xào xạc như tiếng con chim cuốc gọi đàn giữa đêm hè tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn, tiếng chim vịt kêu chiều chiều và nhiều loài chim nhỏ sống trong các lùm cây gần vực nước như cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp, thằng chài, chẽo chẹt, bông lau, chèo bẻo đuôi cò, chim vịt…
Những khi trời mưa gió lớn, sấm sét chim bay lên trời che kín một vùng trời rộng lớn, ước tính có trên 500.000 con, nhiều nhất là họ cò: cò trắng, mỏ đen, mỏ vàng; cò ngang, cò ruồi, vạc, quắm trắng, diệc xám…, đặc biệt có năm còn có loài diệc mốc.
Vào mùa sinh sản, trên các ngọn đước, tổ chim treo oằn, các cành cây.
Tới thăm sân chim Vàm Hồ, du khách được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá rừng, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.
Sưu tầm Internet